Chặng đường thần tốc

Trong cuốn 'Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2004)' do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, ở trang 240 viết: 'Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng đột kích, thọc sâu của Quân đoàn gồm: Lữ đoàn 203; Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 hành quân bằng 50 ô tô bánh hơi. Một đại đội bộ binh của Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 ngồi trên xe thiết giáp'...

50 năm đã qua, những người lính Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12) chúng tôi trong đội hình phối thuộc, được ngồi trên 12 chiếc xe thiết giáp của Đại đội 3, Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 vẫn không nguôi cảm xúc vinh dự, tự hào được tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

 Các cựu chiến binh Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 trong lần gặp mặt truyền thống năm 2016. Ảnh do tác giả cung cấp

Các cựu chiến binh Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 trong lần gặp mặt truyền thống năm 2016. Ảnh do tác giả cung cấp

Chặng đường thần tốc của cánh quân dọc miền duyên hải tới dinh Độc Lập của Đại đội 9 chúng tôi là những trận đánh khốc liệt với mưa bom bão đạn cùng sự hy sinh anh dũng của đồng đội. Khi rời cao điểm 560 Tây Nam Huế tháng 3-1975, Đại đội 9 chỉ còn 27 người.

Tiếp đó, để chuẩn bị cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định, ngay tại TP Đà Nẵng, Đại đội được bổ sung lớp chiến sĩ Hà Nội, đồng thời được củng cố, tăng cường cán bộ đại đội, bổ sung vũ khí, đạn dược để chuẩn bị tiến đánh Sài Gòn.

Chiều 17-4-1975, Đại đội 9 được cấp trên giao nhiệm vụ tăng cường chiến đấu cho Đại đội 3, Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 203 làm nhiệm vụ đánh thọc sâu giải phóng các tỉnh dọc Quốc lộ 1.

Đêm 18-4, trên đường tiến công Phan Thiết tại đầu cầu Phú Long, 1 xe thiết giáp của ta bị bắn cháy, Chính trị viên Thêm bị thương nặng, chiến sĩ liên lạc Giản hy sinh, nhưng chúng tôi đã cùng xe tăng ngoan cường chiến đấu đập tan các ổ đề kháng của địch, chiếm được cầu Phú Long, tạo điều kiện cho Trung đoàn 18 và các đơn vị sau tiếp tục phát triển tiến công.

Cũng tại đây, Đại đội đã trực tiếp giải phóng nhà tù Phan Thiết, hàng trăm chiến sĩ cách mạng được giải thoát.

Ngày 22-4, Đại đội cùng xe tăng tấn công quân địch ở thị xã Hàm Tân, bắn cháy 1 máy bay chuẩn bị cất cánh. Trong trận này, đồng chí Dân (quê ở Quảng Ngãi), Phó đại đội trưởng đã hy sinh anh dũng khi đánh vào sân bay Hàm Tân. Trong đội hình xe tăng Lữ đoàn 203, đơn vị tiến đánh căn cứ Nước Trong, tiến qua ngã ba Thái Lan, ngã ba Vũng Tàu, chuẩn bị tiến vào giải phóng Sài Gòn.

6 giờ ngày 30-4-1975, cùng đội hình xe tăng, Đại đội đã có mặt tại ngã ba Vũng Tàu, tiến qua cầu Đồng Nai, cầu Rạch Chiếc, qua các ụ chướng ngại vật của địch, vượt qua cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè, tiến theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai).

Trưa 30-4-1975, toàn bộ đội hình của Đại đội cùng với xe tăng của Lữ đoàn 203 đã có mặt tại dinh Độc Lập cùng với các đơn vị bạn. Trong khi tổ chức lùng sục, đồng chí Nguyễn Văn Thịnh (quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên) đã thu được chiếc bút ký Hiệp định Paris có khắc tên Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm. Sau đó, Đại đội đã bàn giao chiếc bút cho quân đoàn.

Sau khi chiếm dinh Độc Lập, cùng với các đơn vị bạn, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 9 được giao bảo vệ mục tiêu, khống chế mọi hành vi của địch. Sau đó, Đại đội được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba.

Đại tá ĐINH QUANG THÌN, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/chang-duong-than-toc-826149
Zalo