'Chẳng ai muốn phi xe máy lên vỉa hè để rồi bị phạt cả!'

Thẳng thắn mà nói, chẳng ai thích 'bốc đầu' lên vỉa cao trơn trượt, lồi lõm rồi luồn lách vòng tránh cây cối, biển báo và dòng người đi bộ. Rõ ràng, vỉa hè không phải là nơi lý tưởng để xe máy lao lên.

Tình trạng xe máy đi lên vỉa hè tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM diễn ra rất phổ biến, gây mất an toàn giao thông và cản trở người đi bộ. Hành vi này vi phạm Luật Trật tự an toàn giao thông và có thể bị phạt rất nặng, từ 4-6 triệu đồng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Gần đây, lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự tại Hà Nội và TPHCM đã tăng cường kiểm tra, xử lý cả trực tiếp và phạt nguội đối với người cố tình điều khiển xe máy trên vỉa hè, nhằm lập lại trật tự đô thị và nâng cao ý thức của người dân. Tuy vậy, vẫn có những góc nhìn khác về vấn đề này.

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đi xe máy lên vỉa hè. Ảnh: Đình Hiếu

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đi xe máy lên vỉa hè. Ảnh: Đình Hiếu

Dưới đây là bài viết thể hiện góc nhìn của độc giả Trần Hữu Nghĩa (54 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân - Hà Nội) vừa gửi về cho VietNamNet.

Thời gian gần đây, tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, lực lượng chức năng đang tăng cường xử phạt hành vi điều khiển xe máy đi trên vỉa hè. Theo tôi, đây là những động thái đúng đắn, quyết liệt nhằm lập lại trật tự giao thông, trả lại không gian cho người đi bộ, tạo nên đô thị văn minh, sạch đẹp.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách bao quát và thực tế hơn, chúng ta sẽ phải đặt ra câu hỏi: người đi xe máy có thật sự muốn chạy trên vỉa hè hay không? Tôi nghĩ là "chưa chắc".

Thẳng thắn mà nói, chẳng ai thích "bốc đầu" lên vỉa cao trơn trượt rồi vòng né tránh cây cối, biển báo và dòng người đi bộ. Rõ ràng, vỉa hè không phải là nơi lý tưởng để xe lao lên.

Vỉa hè rõ ràng không phải là nơi lý tưởng để xe lao lên. Ảnh: Đình Hiếu

Vỉa hè rõ ràng không phải là nơi lý tưởng để xe lao lên. Ảnh: Đình Hiếu

Xe máy là phương tiện được thiết kế để lưu thông trên lòng đường, và đó cũng là mong muốn của đại đa số người dân – được đi đúng nơi, đúng luật, một cách thuận tiện và an toàn.

Nhưng thực tế thì sao? Lòng đường ở những thành phố lớn thường xuyên ùn tắc, nhiều nơi không có làn riêng cho xe máy; ô tô lấn làn, dừng đỗ bất quy tắc; các phương tiện như xe buýt, xe khách thường xuyên tạt sát lề đường để đón khách; chưa kể đến những công trình thi công kéo dài, hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...

Trong khi đó, giờ đi làm, tan tầm thì ai cũng vội, cũng muốn đi nhanh, muốn kịp giờ làm, giờ đưa đón con... Khi bị dồn vào thế tiến không được, lùi cũng không xong, vỉa hè trở thành "lối thoát bất đắc dĩ" và gần như duy nhất của nhiều người.

Sẽ có người phản biện rằng: “Đi xe lên vỉa hè là sai luật, không thể biện minh.” Điều đó đúng. Nhưng nếu chỉ nhìn vào hành vi mà không xét đến hoàn cảnh, thì việc "đè" ra phạt sẽ luôn là cưỡng chế chứ không phải giải pháp cải thiện. Với mức phạt rất nặng từ 4-6 triệu như hiện nay, việc bị phạt đồng nghĩa với mất cả tháng thu nhập của nhiều người, ít nhiều gây nên tâm lý ức chế.

Tôi nghĩ rằng, một xã hội giao thông văn minh không thể chỉ dựa vào phạt – mà còn phải làm cho người dân không còn lý do để vi phạm.

Lỗi điều khiển xe máy đi trên vỉa hè bị phạt từ 4-6 triệu đồng, trừ 2 điểm trên GPLX. Ảnh: Đình Hiếu

Lỗi điều khiển xe máy đi trên vỉa hè bị phạt từ 4-6 triệu đồng, trừ 2 điểm trên GPLX. Ảnh: Đình Hiếu

Người đi bộ cần vỉa hè, nhưng người đi xe máy cũng cần một lòng đường thông thoáng, công bằng trong phân luồng, và được bảo vệ khỏi cảnh chen lấn với ô tô, xe tải hay xe buýt. Hạ tầng phải đồng bộ, chính sách cần linh hoạt, và lực lượng chức năng cũng nên mạnh tay với cả những hành vi chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, đậu xe trái phép – vốn cũng là nguyên nhân khiến người dân “không còn chỗ mà đi”.

Theo tôi, đi xe máy trên vỉa hè là sai, nhưng đừng vội quy chụp đó là hành vi thiếu ý thức. Phía sau mỗi lần “leo lề” ấy là một sự bất lực trước thực trạng hạ tầng và tổ chức giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Để giải quyết tận gốc, cần một cách tiếp cận đồng bộ: xử phạt có, nhưng phải đi cùng với cải thiện hạ tầng, quy hoạch giao thông và cần nhất là sự thấu hiểu từ cả đôi bên. Khi đó, chắc chắn không ai cần – và cũng không ai muốn – đi xe máy trên vỉa hè nữa.

Độc giả Trần Hữu Nghĩa

Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Hoàng Hiệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chang-ai-muon-phi-xe-may-tren-via-he-de-roi-bi-phat-ca-2398254.html
Zalo