Chấn thương tâm lý thời thơ ấu có thể làm giảm tuổi thọ
Những chấn thương tâm lý thời thơ ấu không chỉ gây ảnh hưởng nhất thời, nó có thể tàn phá cả quãng đời sau này của đứa trẻ, gây nên chứng béo phì, căng thẳng và giảm tuổi thọ.

Chấn thương tâm lý thuở nhỏ có thể gây ảnh hưởng suốt đời. Ảnh minh họa: H.W.
Một mô hình lâm sàng thế này đã có dư âm trong lịch sử y học gần đây. Vào những năm 1980, giới y khoa phải đương đầu với một nạn dịch mới. Người ta cứ đến gặp bác sĩ, phàn nàn về các vết phát ban và các cơn đau nhức. Họ được đưa đến phòng cấp cứu với bệnh lao và viêm gan C.
Thậm chí còn kỳ lạ hơn, hàng đoàn người xuất hiện với những bướu thịt Kaposi, một dạng ung thư hiếm gặp tấn công da, miệng và các hạch bạch huyết. Trong một khoảng thời gian, không ai nghi ngờ là có mối liên hệ giữa tất cả những vấn đề sức khỏe này vì những bệnh này không có gì mới.
Các bác sĩ đã làm những gì được dạy, họ chữa các cơn đau nhức, bệnh viêm gan và ung thư. Nhưng bệnh nhân với các triệu chứng ấy cứ đến ngày một đông hơn. Vậy là các bác sĩ lại cảm thấy mình phải giỏi hơn và giỏi hơn nữa trong việc điều trị những thứ như đau nhức, viêm gan và bướu Kaposi, một chiến lược không hề chạm đến vấn đề cốt lõi.
Những bệnh nhân này ngày càng bệnh nặng hơn. Giờ thì chúng ta đã biết rằng những cơn đau nhức, bệnh lao và bướu Kaposi là dấu hiệu cho một vấn đề tiềm ẩn khác quan trọng hơn nhiều, một bệnh lây nhiễm phá hoại cả hệ thống miễn dịch. Đây chính là những căn bệnh định nghĩa nên AIDS; chúng là những bệnh cơ hội cần được can thiệp và các triệu chứng đều chỉ đến một vấn đề sinh học tiềm ẩn với một tiên lượng bệnh và phác đồ điều trị khác hẳn: HIV/AIDS.
Vì vậy, khi nhìn vào các bệnh nhân có điểm ACE cao, tôi không thể ngừng nghĩ là nếu chỉ chữa hen suyễn hay béo phì hay các vấn đề hành vi, tôi rõ ràng là một học sinh kém môn Lịch sử. Từ nghiên cứu, chúng tôi đã biết rằng tuổi thọ trung bình của một người với điểm ACE từ 6 trở lên ngắn hơn 20 năm so với những người không có ACE.
Với một bệnh nhân có điểm ACE cao, nguyên nhân gây tổn thọ có lẽ không phải béo phì mà là những căng thẳng độc hại tiềm ẩn mà bệnh béo phì đang báo động. Để xử lý căn nguyên vấn đề, tôi phải nhìn vào cả hai câu chuyện mà các triệu chứng ở bệnh nhân nêu lên: câu chuyện trên bề mặt và câu chuyện ẩn bên dưới. Vì thế, khi một bệnh nhân tên Trinity bước vào với triệu chứng chính của bệnh ADHD, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng.
Tôi bắt đầu nổi danh trong khu vực là kiểu bác sĩ không quăng đơn kê thuốc Ritalin ngay trên bàn. Mọi người mang con đến gặp tôi khi họ muốn có ai đó thăm khám kỹ lưỡng hơn. Nhưng trước khi biết cần xem xét trường hợp của Trinity kỹ đến đâu, tôi phải biết điểm ACE của cô bé.
Sau khi đánh giá bệnh án của 702 bệnh nhân, tôi bắt đầu hỏi tất cả bệnh nhân về các trải nghiệm nghịch cảnh để hiểu rõ các rủi ro sức khỏe mà các em có. Cũng như chiều cao, cân nặng và huyết áp, điểm ACE trở thành một chỉ dấu quan trọng trong tiến trình thăm khám thông thường của tôi. Với lời phàn nàn về vấn đề học tập và hành vi của Trinity, nếu điểm ACE của cô bé là không, tiến trình kiểm tra ADHD tiêu chuẩn sẽ được tiến hành.
Nhưng giờ tôi đã biết nếu một bệnh nhân có từ bốn điểm ACE trở lên, cô bé có nguy cơ gặp vấn đề về học tập và hành vi cao gấp 32 lần, điều này nghĩa là vấn đề tiềm ẩn có lẽ không phải là ADHD thông thường. Trong những trường hợp đó, tôi tin rằng vấn đề chính là sự rối loạn mạn tính của hệ thống phản ứng với căng thẳng, nó cản trở vùng não trước trán, kích hoạt hạch hạnh nhân quá đà, và làm cháy căng thẳng kế, hay nói cách khác, căng thẳng độc hại.
[1] Viết tắc của Adverse childhood experiences - (ACE) là những sự kiện có khả năng gây tổn thương xảy ra ở tuổi vị thành niên (0-17 tuổi). Nếu không được chữa lành, những chấn thương này có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.
[2] Viết tắt của hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.