Chăn nuôi, xử lý nước thải theo công nghệ mới
Ngành Nông nghiệp TP Đà Lạt vừa thông qua từng nhóm giải pháp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, xử lý chất thải, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, tăng giá trị lợi nhuận đầu ra.
Theo đó, TP Đà Lạt khuyến khích doanh nghiệp chăn nuôi trang trại quy mô lớn đã đạt chứng nhận VietGAHP tiếp tục nâng cấp, mở rộng áp dụng các tiêu chí thực hành chăn nuôi đạt chuẩn GlobalGAHP, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Trong đó, tập trung phát triển bền vững mô hình chăn nuôi tuần hoàn 4F (Feed - Farm - Food - Fertilizer: Thức ăn - Trang trại - Thực phẩm - Phân bón hữu cơ). Đồng thời thực hành mô hình chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực có lợi thế của địa phương; tích hợp chăn nuôi với trồng trọt, tạo một vòng tuần hoàn trao đổi dinh dưỡng cho cả vật nuôi và cây trồng.
Ở khâu xử lý chất thải, tập trung xây dựng bể ủ phân bằng men vi sinh, xây dựng hầm biogas, đệm lót sinh học trong chăn nuôi làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, qua đó ngăn chặn phát sinh, lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ ép tách phân hiện đại, ít tốn diện tích, độ ẩm phân khô điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng.
Ở các bể gom nước thải lắng lọc đạt chất lượng trong sạch hơn, giảm ô nhiễm môi trường và có thể dùng tưới cho ruộng đồng, áp dụng đối với trang trại hữu cơ, tuần hoàn. Ngoài ra, còn sử dụng các giải pháp xử lý chất thải bằng H202; ủ men vi sinh, nấm Trichoderma, vôi lân với nguyên vật liệu bả thực vật như: vỏ trấu, vỏ cà phê, phụ phẩm rau, hoa…
Với những giải pháp trên, ngành Nông nghiệp TP Đà Lạt phấn đấu đến năm 2030 đạt 90% cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và 60% cơ sở chăn nuôi quy mô vừa áp dụng công nghệ chuồng trại khép kín, có hệ thống thu gom, tổng lượng chất thải hữu cơ từ hoạt động chăn nuôi được thu gom, xử lý, tận dụng đạt mức cao nhất…