Chăn nuôi theo hướng tập trung

Đồng hành cùng người chăn nuôi, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Sơn La đã tích cực hỗ trợ nhân dân phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, từng bước chuyển đổi mô hình chăn nuôi truyền thống sang hướng hiện đại và bền vững.

Mô hình nuôi lợn theo quy mô trang trại tại xã Chiềng Cọ, Thành phố.

Mô hình nuôi lợn theo quy mô trang trại tại xã Chiềng Cọ, Thành phố.

Thành phố hiện có 31 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại và trên 6.280 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nông hộ, nhỏ lẻ. Tổng đàn gia súc có trên 34.000 con gia súc và gần 490.000 con gia cầm. Hằng năm, Trung tâm đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các văn bản, kế hoạch về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm theo mùa; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về kỹ thuật phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, cho biết: Trung tâm đã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, nâng cao nhận thức và giúp nhân dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm... Đồng thời, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng tới ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi.

Từ năm 2024 đến nay, Trung tâm đã hướng dẫn trên 2.300 lượt người chăn nuôi về kỹ thuật ủ rơm, ủ cỏ chua làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò; kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm và biện pháp phòng chống nắng nóng, đói rét cho cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, vận động nhân dân thực hiện chăn nuôi an toàn và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học các loại thức ăn chăn nuôi đúng quy định.

Trung tâm còn cử cán bộ phối hợp với nhân viên thú y ở cơ sở thường xuyên giám sát các dịch bệnh trên vật nuôi, kịp thời xử lý các trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Phối hợp với các địa phương tiêm 6.350 liều vắc xin lở mồm long móng cho trâu, bò; 4.269 liều vắc xin dại cho chó, mèo; 1.850 liều vắc xin viêm da nổi cục trâu và 1.075 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 233 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Hướng dẫn các xã, phường phun khử trùng, tiêu độc 934.000 m² chuồng nuôi... Nhờ đó, trên địa bàn không xuất hiện dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên vật nuôi.

Không chỉ chuyển giao khoa học, kỹ thuật trên lý thuyết, cán bộ Trung tâm còn trực tiếp đến các hộ chăn nuôi để hướng dẫn thực hành, hướng dẫn các hộ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới trong xây dựng chuồng trại, chăm sóc vật nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học.

Sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố tổ chức, ông Quàng Văn Xôm, bản Muông, xã Chiềng Ngần đã có thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc đàn bò của gia đình. Ông Xôm chia sẻ: Gia đình nuôi 6 con bò và 1 con trâu. Trước đây, đàn trâu, bò sức đề kháng kém, không đạt trọng lượng yêu cầu dẫn đến khi xuất bán không được giá. Sau khi được tập huấn, tôi đã cải tạo chuồng trại; áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý theo từng thời kỳ và đầy đủ vắc xin cho đàn bò... Từ đó, đàn bò phát triển tốt, không có bệnh tật, xuất bán được giá hơn.

Với sự đồng hành của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, nhiều hộ chăn nuôi đã cải thiện đáng kể năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là các mô hình chăn nuôi bò, lợn và gia cầm theo hướng an toàn sinh học đã được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Lam Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/chan-nuoi-theo-huong-tap-trung-c57a6JbNg.html
Zalo