Chăn nuôi nông hộ cần trợ lực chuyển đổi xanh
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, với quy mô ngành chăn nuôi (trâu, bò, lợn và một số loại gia súc, gia cầm), mỗi năm tổng lượng chất thải thải ra môi trường ước khoảng 82 triệu tấn.
Nguồn phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi chủ yếu là khí CH4 từ dạ cỏ của động vật nhai lại (khi chúng ợ hơi) và khí CH4, N2O từ phân động vật. Trong số này, chỉ khoảng 20% chất thải lỏng và 50% chất thải rắn được xử lý.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để hạn chế phát thải khí nhà kính từ dạ cỏ trâu bò, giải pháp hiệu quả nhất là thay thế thức ăn thô xanh bằng thức ăn ủ chua, bánh dinh dưỡng MUB và sử dụng muối nitrate để thay thế urê trong khẩu phần ăn của vật nuôi. Đối với phân động vật, có thể giảm phát thải khí CH4 và N2O bằng cách sử dụng các công trình biogas, tận dụng khí CH4 để đun nấu hoặc phát điện.
Những giải pháp này đã được các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn áp dụng trong những năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, cả nước có khoảng 35.000 cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện để đầu tư các giải pháp giảm phát thải hiệu quả.
Theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có lượng khí phát thải từ 3.000 tấn CO2/năm hoặc 65.000 tấn chất thải/năm thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính. Điều này đồng nghĩa, nếu không có giải pháp hỗ trợ, hàng chục ngàn trang trại chăn nuôi quy mô từ 1.000 - 3.000 con gia súc sẽ gặp khó khăn do phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và chịu thêm chi phí đầu tư để chuyển đổi xanh.
Ghi nhận thực tế cho thấy, chi phí đầu tư cải tạo và nâng cấp chuồng trại (như sử dụng nệm lót sinh học, bổ sung hoặc thay đổi thành phần thức ăn, và lắp đặt hệ thống xử lý nước thải) là rất lớn.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, dù chuyển đổi theo hướng giảm phát thải nhà kính là xu hướng bắt buộc, nhưng riêng lĩnh vực chăn nuôi cần được tính toán lộ trình phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trước mắt, từ nay đến hết năm 2026, chỉ nên áp dụng hình thức khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thực hiện kiểm kê và kiểm soát khí nhà kính phát thải. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi đầu tư chuyển đổi xanh.
Cụ thể, cần có cơ chế hỗ trợ về đất đai để quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, khuyến khích doanh nghiệp hợp tác phát triển, nhân rộng các mô hình chăn nuôi giảm phát thải. Đồng thời, xây dựng các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi từ ngân sách, hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư công nghệ phù hợp.
Về chính sách xuất nhập khẩu liên quan đến chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, các chuyên gia cho rằng Chính phủ đã ban hành Nghị định về hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững và Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021-2030. Các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện tích cực các mục tiêu này.
Đơn cử, trong lĩnh vực thuế, cần sớm ban hành chính sách giảm thuế khô dầu đậu tương từ 3% về 0%, bởi đây là nguyên liệu nhập khẩu hoàn toàn, trong nước không sản xuất được. Đồng thời, cần nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt sang trồng ngô, sắn, cỏ, hoặc ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, cần có quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi giàu đạm từ côn trùng (như ruồi lính đen, giun trùn quế) hoặc tảo biển để thay thế một phần protein từ đậu tương.