Chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học góp phần phát triển chăn nuôi bền vững
Ngày 3/12, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Tọa đàm 'Giải pháp chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững'.
Theo Cục Thú y, đến tháng 11/2024, cả nước đã xảy ra 1.452 ổ dịch tại 1.103 xã trên 48 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 81.000 con lợn, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Vì vậy, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học là một xu thế tất yếu, đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Tọa đàm này là dịp để các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông và người chăn nuôi bàn phương pháp tiếp cận mới, cách nhìn mới, tư duy mới cho hoạt động chăn nuôi. Qua đó, đưa ra những giải pháp về quy trình đầu tư chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho người dân về chăn nuôi hữu cơ và an toàn sinh học. Hiện cả nước có 2.257 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 59 tỉnh, trong đó Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã hỗ trợ triển khai công nhận 188 cơ sở, chiếm 8,3% tổng số cơ sở được công nhận trên cả nước.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, đảm bảo thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều mối đe dọa từ dịch bệnh.
"Chúng ta đặt vấn đề là chăn nuôi thì dứt khoát phải an toàn. Thứ nhất, phải an toàn về dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm, rồi an toàn được sản phẩm khi mà sản xuất ra, không có kháng sinh, không có dư lượng, không có chất tăng trọng trong chất lượng sản phẩm, tức là an toàn cho đời sống con vật nuôi nhưng sản lượng thịt con vật nuôi, đặc biệt là lợn ra phải an toàn. Năm 2024 có tới 1452 ổ dịch tả lợn Châu Phi, tiêu hủy trên 81.000 con. Nếu chúng ta chăn nuôi mà không có kiến thức, không có quy trình, không có sự đầu tư thì chắc thiệt hại sẽ ngay lập tức", ông Lê Quốc Thanh nói.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, chăn nuôi hữu cơ đang đối mặt với nhiều khó khăn. Chính sách ưu đãi đối với nông nghiệp hữu cơ chưa đồng bộ; chưa có quy hoạch chi tiết về vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thị trường không ổn định; giá các sản phẩm còn cao, chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ chăn nuôi thông thường sang chăn nuôi hữu cơ. Bên cạnh đó, chăn nuôi an toàn sinh học chỉ được thực hiện tốt tại các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại; phần lớn các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, chuồng trại, điều kiện cách ly không đáp ứng yêu cầu của chăn nuôi an toàn sinh học.
Tại các vùng chăn nuôi tập trung với mật độ chăn nuôi cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi, giải pháp về củng cố an toàn sinh học là giải pháp duy nhất, sắp tới sẽ nhân rộng trên địa bàn tỉnh này: "Những mô hình chăn nuôi có tính chất trang trại nhỏ, hộ gia đình có số lượng ít nhưng đó chính là sinh kế của bà con. Vấn đền chăn nuôi an toàn sinh học chính là mục tiêu hạn chế các dịch bệnh có thể làm lây lan trong các nông hộ nhỏ lẻ, trang trại nhỏ. Thúc đẩy chăn nuôi tuần hoàn, mục đích là thúc đẩy chăn nuôi có những sản phẩm an toàn đối với các loại hóa chất, kháng sinh, chất cấm, thúc đẩy vào việc sử dụng những thức ăn sẵn có tại địa phương, ví dụ như rau, cám, phối trộn các bã thức ăn trong địa phương phục vụ cho việc chăn nuôi”.