Chăn nuôi an toàn dịch bệnh, góp phần giữ vững tăng trưởng kinh tế

Chăn nuôi là ngành sản xuất chiếm tỷ trọng hơn 60% trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, những năm qua, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, từng bước hình thành vùng chăn nuôi tập trung, hàng hóa theo hướng trang trại công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, góp phần giữ vững tăng trưởng kinh tế.

Trước tình hình dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, giá sản phẩm chăn nuôi bấp bênh, không ổn định... là những khó khăn người chăn nuôi đang đối mặt, ngành Nông nghiệp tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các hộ chăn nuôi đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi số vào chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi giúp giảm chi phí, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi giúp giảm chi phí, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất như: IoT - Internet vạn vật và AI - trí tuệ nhân tạo vào giám sát, điều khiển môi trường, chăm sóc sức khỏe vật nuôi; chăn nuôi gà áp dụng công nghệ nuôi chuồng kín; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Năm 2023, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo triển khai mô hình áp dụng công nghệ số trong chăn nuôi lợn thịt, quy mô 1.000 con tại trang trại của ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Cao Quang, xã Cao Minh (Phúc Yên).

Với hệ thống giám sát và điều khiển khí hậu chuồng nuôi, hệ thống cho ăn tự động, phần mềm quản lý chuồng trại, mô hình đã tạo ra lợi ích kép trong chăn nuôi, giúp giảm nhân công, tiết kiệm thức ăn thừa, bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, đồng thời hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh, góp phần giảm chi phí đầu vào, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Cùng với đó, năm 2024, ngành Nông nghiệp phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai mô hình chăn nuôi lợn thịt hữu cơ đảm bảo an toàn sinh học, theo kinh tế tuần hoàn tại 10 hộ trên địa bàn các xã: Bồ Lý, Minh Quang (Tam Đảo), thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc), thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) với quy mô 800 con, đem lại lợi nhuận bình quân từ 1,5- 2 triệu đồng/con/lứa.

Ngoài ra, mô hình còn góp phần giảm nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Bà Lưu Thị Thủy, xã Thanh Vân (Tam Dương) đã có kinh nghiệm gần 20 năm chăn nuôi gà đẻ, nên các biểu hiện bệnh trên đàn gia cầm đều được bà Thủy nắm rõ và chủ động các biện pháp phòng bệnh kịp thời.

Để đàn gà khỏe mạnh, gia đình bà Thủy đã mua con giống ở cơ sở uy tín; chuồng nuôi được lắp đặt hệ thống thông gió làm mát, sử dụng đệm lót sinh học giúp cân bằng hệ sinh thái vi sinh trong chuồng nuôi, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thường xuyên khử trùng chuồng nuôi, vệ sinh máng ăn, máng uống, tiêm phòng vắc xin phòng bệnh định kỳ. Nhờ vậy, đàn gà luôn khỏe mạnh, tỷ lệ đẻ đạt 90%, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển với số lượng đàn bò sữa đứng thứ 6, đàn gia cầm đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố cả nước. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm lớn trên đàn gia súc, gia cầm tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển.

Đến nay, chăn nuôi đã trở thành ngành mũi nhọn, đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp dần thay thế phương thức chăn nuôi truyền thống. Các trang trại quy mô lớn đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Để phát triển chăn nuôi gắn với an toàn dịch bệnh đảm bảo tăng trưởng bền vững, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giám sát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc và quản lý đàn vật nuôi; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh giúp ổn định nguồn cung thực phẩm.

Cùng với đó, các hộ chăn nuôi cần áp dụng quy trình nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, quản lý chuồng trại đến xử lý chất thải nhằm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi... tạo động lực mới cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng giá trị gia tăng và bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/127234//chan-nuoi-an-toan-dich-benh-gop-phan-giu-vung-tang-truong-kinh-te
Zalo