Chân Mây ngày ấy, bây giờ
Đầu xuân 1976, tôi theo Bí thư Huyện ủy Phú Lộc ông Lê Thái Tâm về xã Lộc Vĩnh, tiện thể được ông dẫn đi thăm nơi Phú Lộc dự định sẽ xây một con đập. Từ cửa Kiễn, chiếc U-oat chạy một mạch qua bãi cát phẳng lì và dừng lại bên bờ bắc của con lạch có tên là Chu Mới.
Do mới hồi cư nên nhà cửa của dân làng Bình An xập xệ, chủ yếu là những túp lều tranh ẩn mình dưới hàng dương liễu xác xơ.
Bãi biển Cảnh Dương đẹp và nổi tiếng, nhưng trong chiến tranh, do nằm trong vùng “mất an ninh” nên du khách không ai dám đến; còn vụng Chân Mây hầu như không ai biết, đến nỗi cuối năm 1993, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Bá Diễn thật tình hỏi: Nó nằm ở đâu?
Đó cũng là câu hỏi của Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng, khi lần đầu tiên ông nghe Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhắc đến địa danh này.
Dạo đó, theo ông kể, trong lần ra Hà Nội họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng phiên cuối năm, vào giờ giải lao, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đem chuyện Chân Mây ra trao đổi.
Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng kể: Thời còn ở Bộ Tổng tham mưu, anh Lê Đức Anh có xem bản đồ của quân đội Mỹ. Họ đã khảo sát vụng Chân Mây và dự trù lập ở đây một quân cảng...
Nghe đến đó, Bí thư Tỉnh ủy liền hỏi Chủ tịch nước:
- Vậy Chân Mây nó nằm ở đâu anh?
- Thì nó nằm ở vùng Thừa Lưu, Phú Lộc quê mình, chớ đâu.
Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng giật mình và hỏi lại, đó có phải là bãi biển Cảnh Dương, nơi mà năm 1947, tàu chiến Pháp, rồi năm 1966, tàu chiến Mỹ đã từng đổ quân?
- Đúng rồi, vụng Chân Mây nó nằm trước bãi biển đó.
Trước khi kết thúc, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nhắc nhở, động viên Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng: “Anh về bàn với anh em, cố bám Chính phủ mà triển khai, có gì tôi sẽ trao đổi thêm với anh Võ Văn Kiệt”.
Diến biến sau đó, nhiều người đã biết.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cuối năm 1994, đoàn cán bộ của Phân viện Vật lý TP. Hồ Chí Minh do TS. Trương Đình Hiển dẫn đầu sau khi khảo sát Dung Quất (Quảng Ngãi) đã tìm về Chân Mây.
Sáng 24/3/1996, cánh làm báo chúng tôi theo đoàn công tác của Chính phủ, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu thị sát Chân Mây. Từ nam cửa sông Bù Lu, men theo bờ biển Cảnh Dương, đoàn xe băng băng tiến về vùng cửa Chu Mới. Không chỉ đoàn công tác Chính phủ mà nhiều vị lãnh đạo tỉnh lần đầu tiên đặt chân đến đây và tận mắt nhìn thấy 2 mỏm núi: Chân Mây đông và Chân Mây tây như vòng tay thiên nhiên hào phóng ôm ấp, che chở cho vịnh nước sâu này.
Trải tấm họa đồ lên nắp capo ô tô, TS. Trương Đình Hiển say sưa thuyết trình về lợi thế qua những chỉ số mà đoàn của ông trực tiếp đo đạc. Chân Mây không chỉ gần Huế - Đà Nẵng và hệ thống quốc lộ, sân bay mà có cả thung lũng Thừa Lưu - Nước Ngọt khá rộng và tương đối bằng phẳng để phát triển. Tại đây hội đủ điều kiện để xây dựng cảng nước sâu, vì vụng Chân Mây có đến 65% diện tích mặt nước có độ sâu từ 9-14m…
Sau chuyến thị sát ấy, không để Thừa Thiên Huế chờ đợi lâu, cuối năm đó, vào ngày 27/12/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt định hướng phát triển, chính thức khai sinh cho khu đô thị mới Chân Mây sau này.
Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển nhưng trên thực tế phải mất 5 năm sau, bến số 1 của cảng Chân Mây mới được khởi công, bởi công trình này trước đó được giao cho Ban quản lý dự án Biển Đông, một đơn vị mới thành lập thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư nhưng do không có vốn, lại bị tác động bởi “lời ra tiếng vào” nên nằm im.
Không trông chờ ỷ lại, giữa năm 2000, Thừa Thiên Huế xin phép “nếu Trung ương không làm thì cho địa phương làm” và đề nghị ấy đã được Chính phủ chấp thuận. Là địa phương vừa trải qua trận lũ lịch sử 1999, khó khăn tứ bề nhưng vì lợi ích lâu dài, Thừa Thiên Huế đồng thuận để thực thi cho bằng được công trình này.
Sáng 25/3/2001, bên bờ nam cửa Chu Mới giáp với mũi Chân Mây đông, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ khởi công. Đúng như mong đợi, ngày 19/5/2003, Thừa Thiên Huế “trống dong cờ mở” đón mừng "đứa con đầu lòng" của cảng Chân Mây chính thức đi vào hoạt động.
Trải qua bao mùa bão tố cũng như những lời "thị phi" nhưng bến cảng số 1 dài 480m - Chân Mây vẫn đứng vững. Trừ năm 2020, còn những năm trước đó, Bến số 1 cảng Chân Mây luôn khai thác vượt công suất, có năm lên 2,7 triệu tấn hàng hóa (chưa kể lượng du khách đến bằng tàu biển), tự nó đã nói lên giá trị của công trình này.
Đầu tháng 11/2020, không chỉ tôi mà nhiều người theo dõi clip trên trang facebook Phan Thiên Định đã thật sự xúc động khi lần đầu tiên ngắm nhìn con đê chắn sóng vừa xuất hiện ở Chân Mây sau gần hai năm xây dựng.
Hân hoan trước cảnh tượng này, nguyên Giám đốc cảng Chân Mây Nguyễn Hữu Thọ bộc bạch: Giá như năm 2006, sau khi đạt được sự đồng thuận với Cục Hàng hải Việt Nam, nếu Thừa Thiên Huế có đủ nguồn lực để xây dựng con đê chắn sóng này thì Chân Mây hẳn đã sớm có cảng container. Dù tiếc nuối, nhưng ông đã tự an ủi muộn vẫn còn hơn không.
Cuối năm 2022, con đê thuộc giai đoạn 2 dài 300 mét được tiếp tục xây dựng và sẽ được hoàn thành vào năm 2025. Nhờ có con đê chắn sóng dài tới 750 mét này cộng với sự che chở của dãy núi ở mũi phía đông, cảng Chân Mây trở thành điểm đến cho những con tàu. Trừ khi có bão lớn, tàu cập bến có thể làm hàng quanh năm mà không sợ chao đảo, ngả nghiêng. Đây là lợi thế mà không phải cảng biển nào cũng có được.
Sau 20 năm, đến nay ở Chân Mây có thêm bến cảng số 2, số 3 do Công ty CP Chân Mây và Công ty CP Công ty TNHH Hào Hưng đầu tư mới đưa vào hoạt động; 2 bến cảng số 4, số 5 hiện do Công ty CP Hàng hải VSICO đang đầu tư xây dựng, dự kiến đầu năm 2028 đưa vào khai thác. Khi hoàn thành, tổng chiều dài của 5 bến cảng là 1.450 mét.
Với hạ tầng kỹ thuật đã và đang được đầu tư, cảng Chân Mây hiện nay trở thành 1/10 cảng biển lớn nhất của Việt Nam và là 1/46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á chọn làm điểm dừng chân cho du thuyền ở Đông Nam Á nhờ đảm bảo các điều kiện để tiếp nhận. Đồng thời, các loại tàu hàng, tàu container, tàu du lịch cỡ lớn và hiện đại trên thế giới tăng thời gian khai thác tàu trong năm (kể cả mùa mưa); tạo động lực và sức sống mới không chỉ cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô mà cho cả Huế.
Vào tháng 10/2022, tôi đã về Chân Mây tham dự hội nghị xúc tiến các hãng tàu biển container - nơi các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics và hàng container gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu những tiềm năng, lợi thế và tìm kiếm cơ hội đầu tư sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây.
Chính sách này được tiếp tục thực hiện đến cuối năm 2025 do nhận thấy sau hơn 2 năm triển khai chính sách “khuyến mãi”, cảng Chân Mây đã thu hút được 124 chuyến tàu vận chuyển container, trong đó có 54 chuyến nội địa và 70 chuyến quốc tế, với sản lượng 14.514 TEUs, tương đương với 217.710 tấn hàng hóa.
Trong số sản phẩm được xuất qua cảng Chân Mây cuối năm 2024, tôi chú ý hình ảnh những chiếc xe bus được cẩu xuống tàu chuyển vào TP. Hồ Chí Minh.
Tôi mừng vì những chiếc xe này là sản phẩm của KIM LONG MOTOR được sản xuất tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô - một trong những khu kinh tế xuất hiện khá sớm ở miền Trung nhưng chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Sự xuất hiện của KIM LONG MOTOR Huế, dù muộn nhưng chính nó phát đi tín hiệu lạc quan: “Đất lành chim đậu”.