Nắng nóng ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần con người

Nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến não bộ, không chỉ khiến con người dễ cáu kỉnh, khó suy nghĩ rõ ràng và làm việc kém hiệu quả hơn mà còn kéo theo vấn đề về sức khỏe tâm thần.

 Nắng nóng khiến sức khỏe tinh thần xấu đi, làm trầm trọng thêm các vấn đề rối loạn tâm trạng. Ảnh: Bloomberg.

Nắng nóng khiến sức khỏe tinh thần xấu đi, làm trầm trọng thêm các vấn đề rối loạn tâm trạng. Ảnh: Bloomberg.

Vào ngày 22/7, Trái Đất ghi nhận cột mốc đáng sợ: Nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao nhất trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục được thiết lập chỉ một ngày trước đó.

Năm 2024 được dự báo là năm nóng nhất trong nhiều thế kỷ, với đợt sóng nhiệt nóng hơn, kéo dài hơn và đến thường xuyên hơn so với những năm 1960.

Hầu hết chúng ta đều nhận thức được nhiệt độ cực cao không tốt cho sức khỏe, khiến tim, phổi, thận và các cơ quan khác phải làm việc nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua tác hại thầm lặng và ít rõ ràng hơn mà nắng nóng gây ra cho cơ quan quan trọng khác: Bộ não.

Nhiệt độ cực cao không chỉ khiến con người dễ cáu kỉnh và khó chịu, nó có thể khiến chúng ta khó suy nghĩ rõ ràng và làm việc kém hiệu quả hơn, theo Bloomberg.

Nó cũng khiến sức khỏe tinh thần xấu đi, làm trầm trọng thêm các vấn đề rối loạn tâm trạng như lo lắng và trầm cảm, thậm chí là tâm thần phân liệt cùng hội chứng tự ngược đãi bản thân.

Nắng nóng gây ảnh hưởng lớn hơn chúng ta tưởng

Thông thường, một phần não của con người - được gọi là vùng dưới đồi (Hypothalamus) - giúp điều chỉnh nhiệt độ tự nhiên bên trong cơ thể. Đối với hầu hết cơ thể, nhiệt độ này là khoảng 37 độ C.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Kim Meidenbauer - nhà khoa học thần kinh về xã hội, nhận thức và môi trường tại Đại học Washington State - bộ não con người chỉ có một phần lượng năng lượng nhất định để dành cho điều đó.

Vì vậy, vào ngày nóng nực ngột ngạt, "một trong những điều đầu tiên có vẻ như biến mất là chức năng nhận thức cao hơn", bà cho biết.

Điều này khiến việc tập trung trở nên khó khăn hơn và làm suy yếu trí nhớ làm việc (nói cách khác là khả năng xử lý và theo dõi thông tin theo thời gian thực của con người).

 Một người đi bộ sử dụng phong bì lớn để che nắng ở London (Anh). Ảnh: Bloomberg.

Một người đi bộ sử dụng phong bì lớn để che nắng ở London (Anh). Ảnh: Bloomberg.

Đối với một số người khác, vấn đề còn lớn hơn. Người già, trẻ nhỏ hay người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt hoặc trầm cảm, mắc một số tình trạng bệnh lý hoặc khuyết tật, sẽ khó điều chỉnh nhiệt độ cơ thể hơn.

Phân tích về yêu cầu trả tiền bảo hiểm y tế trong suốt một thập kỷ chỉ ra mối liên kết giữa ngày nóng hơn và sự gia tăng lượt vào phòng cấp cứu liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần.

Tỷ lệ lượt vào phòng cấp cứu cao hơn ở khu vực phía bắc của Mỹ, cho thấy các thành phố ở khu vực đó cần cải thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ người dân khi nhiệt độ tăng cao, theo phó giáo sư Amruta Nori-Sarma của Khoa Sức khỏe Môi trường tại Trường Y tế Công cộng Đại học Boston.

Theo bà, việc hiểu được những gì dẫn đến tỷ lệ gia tăng và người có nguy cơ chịu ảnh hưởng cao nhất rất quan trọng cho công tác chuẩn bị, phòng ngừa.

Sóng nhiệt cũng liên quan đến nguy cơ tự tử cao hơn. Trong Đánh giá khả năng phục hồi khí hậu được công bố vào tháng 7, nhà chức trách London lưu ý nguy cơ tự tử cao gấp đôi ở Anh khi nhiệt độ là 32 độ C, so với 22 độ C.

Người mắc chứng tâm thần phân liệt đặc biệt có nguy cơ cao đối mặt với tác động của nhiệt độ cực đoan. Khoảng 8% trong số ca tử vong xảy ra vào đợt nắng nóng năm 2021 tại British Columbia (Canada), là người mắc chứng tâm thần phân liệt - nhóm chiếm chưa đến 1% dân số ở đó.

Tiến sĩ Liv Yoon - nhà xã hội học tại Đại học British Columbia, Vancouver - cố gắng chẩn đoán nguyên nhân phức tạp của những cái chết này. Bà cho biết có nhiều yếu tố tác động, bao gồm cả khiếm khuyết về mặt sinh lý và điểm yếu về mặt xã hội.

Một triệu chứng của tâm thần phân liệt là không nhận thức được tình trạng cơ thể - khó có thể biết mình đang nóng hay lạnh. Hơn nữa, người mắc chứng bệnh này thường dùng thuốc có thể làm suy yếu khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể.

Giải pháp là gì?

Việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe tâm thần sẽ đòi hỏi một số giải pháp cấu trúc rõ ràng, chẳng hạn triển khai chính sách làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu, giải quyết các yếu tố xã hội ảnh hưởng sức khỏe hoặc cải thiện thiết kế thành phố để giảm thiểu điểm nóng nguy hiểm.

 Năm 2024 được dự báo là năm nóng nhất trong nhiều thế kỷ. Ảnh: New York Times.

Năm 2024 được dự báo là năm nóng nhất trong nhiều thế kỷ. Ảnh: New York Times.

Bệnh viện cần dự đoán được khi nào sẽ có lượng lớn bệnh nhân đổ về, đồng thời làm nhiều công tác phòng chống hơn nữa - bằng cách giải quyết nhu cầu sức khỏe tâm thần trước khi ai đó đạt đến mức khủng hoảng và đảm bảo người dân có thể tiếp cận các nguồn lực trong đợt nắng nóng.

Điều này đặc biệt đúng đối với người mắc chứng tâm thần phân liệt - đối tượng có thể ít có khả năng tận dụng nguồn lực công cộng như nơi trú mát.

Nhiều thay đổi nhỏ có thể được triển khai ngay bây giờ. Ví dụ, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế tâm thần để họ nhận thức rõ hơn về nguy hiểm của nhiệt độ cao, từ đó khuyến khích họ quan tâm hơn đến các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, kết nối bệnh nhân với nhiều nguồn lực hơn.

Thành phố Vancouver đang quảng bá "bộ dụng cụ làm mát" - túi đựng vật dụng có thể giúp người dân được bảo vệ tốt hơn trước thời tiết nóng bức.

Nhưng tiến sĩ Yoon cho biết các quan chức y tế công cộng ngày càng nhận ra kết nối xã hội cũng quan trọng không kém.

"Những mối quan hệ xã hội đó thường là biện pháp bảo vệ tốt nhất mà chúng ta áp dụng", phó giáo sư Nori-Sarma nói

Hỏi thăm bạn bè, theo dõi tin nhắn gia đình, để ý đến hàng xóm sống một mình - dù nhỏ, hành động này có thể tác động lớn và hỗ trợ thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Vy Minh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nang-nong-anh-huong-toi-suc-khoe-tam-than-con-nguoi-post1492030.html
Zalo