Nghiên cứu cho thấy đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới não bộ của giới trẻ

Tác động của đại dịch đối với thanh thiếu niên là rất sâu sắc. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, đời sống xã hội của những người trẻ.

Não bộ trẻ em tiến hóa nhanh hơn

Một nghiên cứu mới đã cho thấy những dấu hiệu thể hiện rằng não của một số thanh thiếu niên lão hóa nhanh hơn nhiều so với người bình thường - nhanh hơn khoảng 4,2 năm ở trẻ em gái và 1,4 năm ở trẻ em trai, theo nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai vừa qua trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Trước đó đã có hai nghiên cứu về sự lão hóa nhanh ở trẻ nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên cung cấp chi tiết thông tin về sự khác biệt trong lão hóa theo giới tính.

 Ảnh minh họa: Getty Images

Ảnh minh họa: Getty Images

Tiến sĩ Patricia K. Kuhl, tác giả của nghiên cứu thuộc Đại học Washington ở Seattle, cho biết: "Những phát hiện này là lời cảnh tỉnh quan trọng về sự mong manh của não bộ ở thanh thiếu niên, họ cần sự hỗ trợ của chúng ta hơn bao giờ hết".

Các nhà nghiên cứu ban đầu dự định theo dõi sự phát triển não bộ của thanh thiếu niên theo thời gian một cách tự nhiên, bắt đầu bằng MRI – chụp cộng hưởng từ - phương pháp mà đã thực hiện trên não của những người tham gia vào năm 2018. Họ đã lên kế hoạch để chụp một lần nữa vào năm 2020.

Nhưng đại dịch đã trì hoãn lần chụp thứ hai này gần bốn năm, với 130 người tham gia sống tại tiểu bang Washington ở độ tuổi từ 12 đến 20. Các tác giả đã loại những người trẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phát triển, tâm thần hoặc đang dùng thuốc hướng thần.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu MRI trước đó để tạo ra một "mô hình chuẩn" về cách 68 vùng não có khả năng phát triển trong thời kỳ vị thành niên thông thường, từ đó, họ có thể so sánh với dữ liệu MRI sau đại dịch và xem rằng liệu nó có đi chệch khỏi phỏng đoán hay không.

Các tác giả cho biết mô hình này tương tự như biểu đồ tăng trưởng được sử dụng tại các phòng khám nhi khoa để theo dõi chiều cao và cân nặng ở trẻ nhỏ. Các nhà nghiên cứu khác cũng sử dụng phương pháp này để nghiên cứu tác động của các điều kiện bất lợi về kinh tế xã hội, chứng tự kỷ, trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý hay căng thẳng do chấn thương.

Nghiên cứu cho thấy tình trạng mỏng vỏ não của trẻ tăng tốc sau đại dịch, xảy ra ở 30 vùng trên cả hai bán cầu não và tất cả các thùy não đối với trẻ em gái và chỉ ở hai vùng não đối với trẻ em trai. Tỷ lệ mỏng não lần lượt là 43% và 6% ở các vùng não được nghiên cứu cả hai giới tính.

Theo nghiên cứu, các vùng vỏ não có tốc độ mỏng đi nhanh chóng ở trẻ em gái có liên quan đến các chức năng nhận thức xã hội, chẳng hạn như nhận dạng, xử lý khuôn mặt và biểu cảm, các trải nghiệm xã hội và cảm xúc, khả năng đồng cảm và lòng trắc ẩn cũng như ngôn ngữ. Các vùng bị ảnh hưởng trong não của trẻ em trai có liên quan đến quá trình xử lý các vật thể trong trường thị giác cũng như khuôn mặt.

Dựa trên các nghiên cứu trước đây, các tác giả cho rằng những phát hiện này có thể là do một hiện tượng được gọi là “giả thuyết tăng tốc căng thẳng”. Giả thuyết này đưa ra rằng khi ta quá căng thẳng, não ta có thể chuyển sang giai đoạn trưởng thành sớm hơn để bảo vệ các mạch cảm xúc và vùng não liên quan đến việc học và ghi nhớ, làm giảm tác động lên quá trình phát triển cấu trúc.

Cần theo dõi và giúp giới trẻ vượt qua khó khăn

Một yếu tố mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra là liệu những tác động này có vĩnh viễn hay không. "Chúng ta biết rằng não không phục hồi hay trở nên dày hơn, nhưng một thước đo để biết thanh thiếu niên có phục hồi sau khi đại dịch kết thúc, xã hội trở lại bình thường, đó là não của chúng có mỏng đi chậm hơn không", Kuhl nói thêm. "Nếu đúng như vậy, chúng ta có thể nói rằng não của thanh thiếu niên đã phục hồi phần nào".

Gotlib cho biết việc đảm bảo những người trẻ được hỗ trợ về sức khỏe tâm thần là rất quan trọng. Wiznitzer khuyên rằng hãy hạn chế sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và theo dõi những thay đổi về hành vi phản ánh sự thay đổi trong sức khỏe tinh thần để ta có thể xử lí sớm nhất có thể.

Gotlib cho biết, điều quan trọng là mặc dù đại dịch gần như đã kết thúc nhưng những tác động của nó vẫn còn. "Có thể sẽ không bao giờ trở lại hoàn toàn 'bình thường'. Tất cả những điều này đều là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự mong manh của con người và tầm quan trọng của việc đầu tư vào khoa học phòng ngừa và chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo".

Hà Trang (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghien-cuu-cho-thay-dai-dich-covid-19-anh-huong-toi-nao-bo-cua-gioi-tre-post311645.html
Zalo