Chậm thương mại hóa 5G

Tập đoàn Công nghệ Ericsson nhận định, công nghệ 5G sẽ mang lại nguồn doanh thu mới cho các nhà mạng, với các ứng dụng internet vạn vật (IoT) và ứng dụng video độ phân giải cao. Chính phủ Việt Nam đang tập trung hỗ trợ các ngành công nghiệp khác ứng dụng chuyển đổi số, kinh tế số. Vì thế, cùng với việc các nhà mạng lớn tại Việt Nam đã được cấp phép băng tầng 5G, quá trình thương mại hóa 5G cần được thúc đẩy nhanh hơn.

Nhân viên MobiFone lắp đặt trạm 5G và sẽ hướng đến khách hàng đô thị

Nhân viên MobiFone lắp đặt trạm 5G và sẽ hướng đến khách hàng đô thị

Các nhà mạng... chần chừ

Bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam cho biết: “Từ năm 2015, các sản phẩm của Ericsson đã sẵn sàng cho triển khai công nghệ 5G, với hơn 10 triệu thiết bị phát sóng sẵn sàng cho 5G được xuất xưởng. Chúng tôi sẽ tận dụng kinh nghiệm triển khai khu vực và toàn cầu cũng như công nghệ mạnh mẽ của mình để hỗ trợ triển khai 5G diện rộng một cách suôn sẻ tại Việt Nam”. Với 5G, những gói cước truy cập internet tốc độ cao trên nền 5G, tốc độ kết nối hàng trăm Mbps, có thể là những dịch vụ đầu tiên người dùng cuối được trải nghiệm ngay lập tức. Tuy nhiên, các nhà mạng cho biết hiện vẫn đang lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh và sẽ cung cấp những dịch vụ 5G ra thị trường trong nước dự kiến trong năm 2024.

Đại diện một nhà mạng chia sẻ: “Chúng tôi đang cân nhắc nhiều thứ, như gói cho người dùng cá nhân, gói cho khách hàng theo nhu cầu… chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành lớn. Chúng tôi sẽ có dịch vụ 5G dành riêng cho doanh nghiệp để sử dụng cho ứng dụng quản lý mạng lưới doanh nghiệp, nhà máy thông minh”. Đại diện MobiFone cũng cho biết, dịch vụ data di động 5G sẽ phân chia thành nhiều gói cước theo tốc độ và có thêm nhiều loại hình dịch vụ gia tăng theo số lượng trạm phát 5G của nhà mạng. Trong khi đó, một nhà mạng khác cho rằng, ban đầu số lượng các gói cước, dịch vụ trên mạng 5G sẽ khá khiêm tốn bởi hạ tầng 5G còn ít và trong thời gian triển khai xây dựng, khó triển khai cung cấp ở các vùng ít dân cư, đời sống thu nhập chưa cao.

Thực tế chần chừ này khác xa thời điểm năm 2022, khi các nhà mạng đua nhau triển khai rầm rộ thí điểm công nghệ 5G trên cả nước. Điều này cho thấy, họ rất thận trọng trong thương mại hóa 5G, thậm chí còn “trông chừng nhau” vì thương mại hóa là bước vào cuộc đua cạnh tranh. “Đầu tư 5G đòi hỏi nguồn vốn lớn, liên quan đến cơ chế đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, triển khai 5G không chỉ là vấn đề công nghệ đã sẵn sàng hay chưa, mà còn nằm ở bài toán kinh doanh, quản trị hệ thống sao cho hiệu quả”, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT-TT) nói.

Dễ dàng nâng cấp 4G lên 5G

Theo dự báo của các tập đoàn công nghệ, số lượng thuê bao 5G trên thế giới dự kiến đạt gần 5,6 tỷ vào cuối năm 2029; độ phủ sóng 5G toàn cầu sẽ tăng từ 40% năm 2023 lên 80% vào cuối năm 2029. Hiện tại, khoảng 300 nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) trên toàn thế giới đã cung cấp dịch vụ 5G, trong đó khoảng 50 CSP đã triển khai 5G độc lập (5G SA). Mạng 5G đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở tất cả khu vực và sẽ chiếm khoảng 60% tổng số thuê bao di động vào cuối năm 2029.

Ông Fredrik Jejdling, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc mạng của Ericsson, chia sẻ: “Số lượng thuê bao 5G tiếp tục tăng mạnh. Băng thông rộng di động nâng cao và truy cập không dây cố định là những trường hợp sử dụng hàng đầu, điều này cho thấy tiềm năng của 5G đang tác động mạnh đến các dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ”.

Thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm 2024 đã có thêm khoảng 160 triệu thuê bao 5G mới trên toàn cầu, nâng tổng số lên hơn 1,7 tỷ thuê bao. Dự kiến sẽ có tổng số gần 600 triệu thuê bao mới 5G trong năm 2024. Lưu lượng dữ liệu mạng di động đã tăng 25% so với cùng kỳ, từ cuối tháng 3-2023 đến cuối tháng 3-2024, chủ yếu do sự chuyển đổi của người dùng sang các thế hệ mạng mới và dịch vụ sử dụng nhiều dữ liệu.

“Ngoài việc có được phân khúc khách hàng mới và doanh thu bổ sung, chúng tôi còn thấy lợi ích đáng kể từ 5G trong việc giảm chi phí vận hành hiện tại cho các nhà mạng. Ví dụ, với công nghệ 5G, mạng có thể xử lý công suất gấp 10 lần, giảm 30% mức tiêu thụ năng lượng. Khi lưu lượng dữ liệu tiếp tục tăng nhanh ở Việt Nam, 5G sẽ đáp ứng được nhu cầu này và giảm đáng kể chi phí tiêu thụ năng lượng”, bà Rita Mokbel cho biết.

Để đẩy nhanh phủ sóng cũng như thương mại hóa 5G, các chuyên gia viễn thông chia sẻ, trạm phát sóng 4G mở rộng tại Việt Nam có thể dễ dàng nâng cấp lên 5G. Giai đoạn đầu, công nghệ 5G cho phép các nhà cung cấp dịch vụ trong nước cung cấp trải nghiệm băng thông rộng di động nâng cao cho người dùng, nâng cao công suất của các hệ thống mạng để quản lý lưu lượng dữ liệu ngày càng tăng… và sau đó, sẽ có các dịch vụ khác tương xứng với giá trị của 5G.

Đến năm 2030, mạng 5G phủ sóng 99% dân số

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu là 100 Mbps cho mạng 5G (tốc độ trung bình của 4G đạt 30-40 Mbps), đến năm 2030, mạng 5G phủ sóng 99% dân số. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, năm 2024 là thời điểm chín muồi để cấp phép băng tần thương mại hóa 5G và Bộ TT-TT cũng xác định 2024 là năm phổ cập hạ tầng số, tiến tới hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững…

BÁ TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cham-thuong-mai-hoa-5g-post749836.html
Zalo