Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngành Y tế triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo hướng nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí của người dân và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván -bạch hầu cho học sinh lớp 2 tại TP Đà Lạt

Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván -bạch hầu cho học sinh lớp 2 tại TP Đà Lạt

Tại 100% các đơn vị trong ngành đã xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn hàng năm, trên cơ sở thực hiện tốt phương châm ''bốn tại chỗ'' trong xử trí cấp cứu, vận chuyển thu dung, điều trị và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Trong trường hợp vượt khả năng của bệnh viện, cần báo cáo đề xuất lên tuyến trên hỗ trợ kịp thời. Có 100% đơn vị trong ngành đã duy trì và củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ tuyến tỉnh đến huyện, thành phố; củng cố các đội cấp cứu lưu động, đội phòng, chống dịch cơ động tại các đơn vị. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với thiên tai, thảm họa với các nội dung cụ thể như: có cán bộ chỉ huy ngay tại nơi xảy ra lụt bão, có cán bộ y tế luôn sẵn sàng để cấp cứu người dân, làm tốt công tác xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh ngay tại địa phương, đảm bảo đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ theo yêu cầu của chuyên môn.

Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, thảm họa, bảo vệ kho tàng, nhà làm việc, khu điều trị bệnh nhân, dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ sinh hoạt khác cho bệnh nhân trong tình huống thiên tai xảy ra. Xây dựng phương án cấp cứu di chuyển bệnh nhân đến nơi an toàn khi xảy ra thiên tai, thảm họa. Các bệnh viện tuyến tỉnh chuẩn bị các đội cấp cứu chi viện cho các nơi bị thiên tai, thảm họa với đầy đủ phương tiện vận chuyển, cán bộ chuyên môn, thuốc chữa bệnh, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh điều động của Sở Y tế, có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm sử dụng được ngay tại thực địa.

Vận động, tuyên truyền, giáo dục cho 100% cán bộ y tế trong ngành, đặc biệt với những vùng thường bị ngập lụt, xác định ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai, thảm họa. Có 100% đơn vị đã duy trì cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, thường xuyên kiểm tra, thực hiện chuyển đổi các cơ số đã được trang bị đảm bảo luôn còn hạn sử dụng để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa. Trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ chuyên môn cho các đội cấp cứu, đội phòng, chống dịch lưu động làm nhiệm vụ trong trường hợp thiên tai, thảm họa xảy ra. Mua sắm bổ sung, thay thế, trang bị các phương tiện, vật dụng phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa như: áo mưa, đèn pin, ủng, xăng, xe, máy phát điện… để sử dụng khi cần thiết.

Năm 2024, Sở Y tế Lâm Đồng đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh mới, ca nghi ngờ bệnh truyền nhiễm gây dịch ở người, xử lý kịp thời khi phát hiện các ca bệnh truyền nhiễm đầu tiên và tích cực triển khai các biện pháp dự phòng, khoanh vùng dịch tễ; đảm bảo đầy đủ thuốc men, hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch. Kết quả, không phát hiện trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), (H7N9) và bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, không phát hiện ca bệnh lạ, bệnh dịch mới nổi. Các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây nhiễm trên địa bàn; tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, viêm não… tăng cường công tác thu dung, điều trị và dự phòng các bệnh truyền nhiễm. Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiệp; quản lý sức khỏe môi trường; quản lý sức khỏe người dân. Triển khai thực hiện Kế hoạch hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2024 có 100% người dân được cập nhật thông tin khi khám, chữa bệnh tại trạm y tế vào hồ sơ sức khỏe.

Quan tâm công tác thông tin, truyền thông phòng, chống các dịch bệnh như: COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ, bạch hầu và các dịch bệnh lưu hành tại địa phương; truyền thông phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như: đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư…; triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá. Truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp cho 4.461.540 lượt người; phối hợp tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua các hình thức: Lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp ở xã, phường, thôn bản, tổ dân phố; tổ chức thảo luận nhóm, thăm hộ gia đình và làm mẫu cho 2.706.575 lượt người; tư vấn cho bệnh nhân khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh cho 1.754.985 lượt bệnh nhân. Sản xuất tài liệu truyền thông: In 70.864 tờ rơi, 2.258 băng rôn, áp phích 634 tờ, 200 sách mỏng, 19 pano tuyên truyền về phòng, chống lao, sốt xuất huyết, chăm sóc sức khỏe răng miệng và phòng, chống các dịch bệnh lưu hành tại địa phương.

Định hướng năm 2025, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo hướng nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí của người dân và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện tốt Bộ tiêu chí cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp”. Các đơn vị trong ngành Y tế phát động và thực hiện công tác truyền thông phong trào “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa”, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202412/cham-soc-suc-khoe-cong-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-2b82629/
Zalo