'Bao phủ' vắc-xin Td ngăn chặn sự quay trở lại của bệnh bạch hầu

Nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh uốn ván, bạch hầu trong cộng đồng, chủ động ngăn chặn sự quay trở lại của bệnh bạch hầu, từ tháng 11/2024, các cơ sở y tế trên địa bàn đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin uốn ván - bạch hầu (vắc xin Td) cho trẻ em 7 tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu đạt chỉ tiêu trên 90% trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng.

Cán bộ Trạm Y tế phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn tiêm vắc xin Td cho trẻ tại trường học

Cán bộ Trạm Y tế phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn tiêm vắc xin Td cho trẻ tại trường học

Đây là năm đầu tiên ngành y tế triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Td cho trẻ em 7 tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đầu tháng 11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiếp nhận 14.710 liều vắc -xin. Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn tiêm phòng, tiến hành phân bổ theo nhu cầu thực tế cho 11/11 huyện, thành phố. Trung tâm cũng đã sớm tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai tiêm vắc-xin cho các đơn vị y tế tuyến dưới, đồng thời tăng cường truyền thông về lợi ích của tiêm chủng vắc-xin trên phương tiện thông tin đại chúng và thông báo rộng rãi trong cộng đồng để người dân nắm bắt, chủ động cho trẻ tiêm phòng.

Vắc-xin Td do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế sản xuất, được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Từ năm 2019 đến 2024, cả nước đã có 3,8 triệu liều vắc-xin Td được sử dụng cho trẻ từ 7 đến 8 tuổi đảm bảo an toàn. Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng và việc tiêm chủng nhận được sự đồng thuận rộng rãi của các bậc cha mẹ.

Trên cơ sở đó, các trung tâm y tế (TTYT), trạm y tế đã nhanh chóng phối hợp với các trường học tổ chức tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi. Hữu Lũng là địa bàn được phân bổ số lượng vắc xin Td nhiều nhất trong các huyện, thành phố với hơn 2.600 liều và cũng là một trong những đơn vị triển khai sớm việc tiêm chủng cho trẻ theo kế hoạch. Bác sĩ Kim Ngọc Thủy, Phó Giám đốc TTYT huyện Hữu Lũng thông tin: Ngay sau khi được phân bổ vắc xin, TTYT huyện đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tích cực phối hợp với các trường học tuyên truyền, vận động để triển khai tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi theo quy định. Đến thời điểm này, chúng tôi đã tiêm cho 2.374/2.475 trẻ, đạt 95,9%.

Bác sĩ Vy Thị Kim Niên, Trưởng Trạm Y tế xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng cho hay: Từ trung tuần tháng 11/2024, chúng tôi đã phối hợp rà soát lập danh sách trẻ 7 tuổi trên địa bàn 8/8 thôn, thường xuyên tuyên truyền tại các thôn, trường học. Ngày 28/11, Trạm Y tế xã đã tiến hành tiêm vắc xin cho 80/97 trẻ theo quy định, đạt 82,7%. Còn lại 17 trẻ ốm, hoãn tiêm sẽ được trạm tiếp tục theo dõi, quản lý và tiến hành tiêm trong tháng 12/2024, phấn đấu có trên 90% trẻ trong độ tuổi được tiêm vắc-xin đảm bảo an toàn, đúng quy định.

Biểu đồ tổng hợp tiêm vắc-xin uốn ván - bạch hầu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Biểu đồ tổng hợp tiêm vắc-xin uốn ván - bạch hầu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Tại thành phố Lạng Sơn, việc tiêm chủng tại các trường học được tiến hành từ ngày 6/12. Bác sĩ Đinh Thị Hoa, Giám đốc TTYT thành phố cho biết: Để đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng quy trình, trung tâm đã xây dựng phương án cụ thể, bố trí nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện, các đội cấp cứu, đảm bảo thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu và xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Đến thời điểm này, các cơ sở y tế trên địa bàn đã tiêm cho 1.516/1.614 trẻ, đạt 93,9%, không ghi nhận trường hợp nào sốt, tai biến nặng sau tiêm.

Qua rà soát, trong đợt này, toàn tỉnh có khoảng trên 13.800 trẻ em 7 tuổi, bao gồm học sinh lớp 2 năm học 2024 - 2025 tại trường học, trẻ 7 tuổi không đi học tại cộng đồng cần được tiêm vắc-xin Td. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 12.644 trẻ đã được tiêm, đạt 91,5% (vượt so với chỉ tiêu đề ra). Trong đó, một số địa bàn đạt tỷ lệ cao như: Văn Lãng (96,6%), Bình Gia (96%), Hữu Lũng (95,9%), thành phố Lạng Sơn (93,9%)… Những trường hợp phải hoãn tiêm theo quy định sẽ được các cơ sở y tế tiếp tục theo dõi, tiêm bù trong tháng 12 này.

Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây chủ yếu qua da và niêm mạc tổn thương. Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi thường bị bệnh nặng với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm với những biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong cho trẻ. Để phòng ngừa uốn ván, bạch hầu thì tiêm vắc-xin là phương pháp ngăn chặn có hiệu quả nhất. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chủ động phối hợp với nhân viên y tế cũng như nhà trường để đưa trẻ tới các điểm tiêm, đảm bảo cho tất cả các trẻ 7 tuổi đều được tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván, bạch hầu trong chiến dịch.

Với sự nỗ lực của các cơ sở y tế, tin tưởng rằng việc tiêm bổ sung vắc xin Td tiếp tục được triển khai đảm bảo an toàn, đúng quy trình, nâng cao tỷ lệ "bao phủ" vắc xin Td, ngăn chặn hiệu quả sự quay trở lại của bệnh bạch hầu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tạo miễn dịch tốt trong cộng đồng.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bao-phu-vac-xin-td-ngan-chan-su-quay-tro-lai-cua-benh-bach-hau-5031661.html
Zalo