Chăm lo toàn diện người có công với cách mạng
Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực để thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm người có công với cách mạng và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên so với cộng đồng nơi cư trú. Đây là thời điểm thành phố tăng tốc, chăm lo thiết thực đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách.

Lễ bàn giao căn nhà đã được sửa chữa khang trang cho gia đình thương binh Châu Quốc Hồng (phường Thạnh Xuân, Quận 12).
Căn nhà nhỏ khang trang, sạch sẽ tại phường Thạnh Xuân, Quận 12 là thành quả của sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và nhà hảo tâm dành cho chú Châu Quốc Hồng, thương binh hạng 1/4. Nhìn ngôi nhà mới cao ráo, kiên cố, chú Hồng xúc động cho biết: “Trước kia nhà thấp hơn mặt đường, mưa là ngập, mái dột, tường nứt. Giờ nhà được sửa lại mới mẻ, sạch đẹp, mầu sơn này tôi chọn là mầu xanh của hòa bình”.
Chú Hồng là một trong số 265 đối tượng chính sách cư trú tại phường Thạnh Xuân. Bà Võ Mỹ Thảo Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường cho biết: Hằng năm, phường tổ chức các hoạt động chăm lo, tri ân người có công. Năm 2024 đã thăm, tặng quà hàng trăm lượt gia đình chính sách; đồng thời lập kế hoạch sửa chữa nhà tình nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Tại phường An Phú Đông, Quận 12, cô Tô Thị Kim Ánh (con liệt sĩ) cũng vừa đón nhận căn nhà mới được sửa chữa từ nguồn hỗ trợ, giúp cuộc sống mẹ con cô bớt phần nhọc nhằn. Nhắc đến căn nhà mới, cô Ánh vô cùng phấn khởi: “Đúng là căn nhà trong mơ”.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường An Phú Đông Dương Minh Nhật, địa phương có 235 trường hợp người có công. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, phường còn vận động các nguồn xã hội hóa để tăng cường chăm lo. Trong năm 2024 đã tặng hơn 300 phần quà cho đối tượng chính sách với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương cho biết: Thời gian qua thành phố đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đối với người có công, không để tồn đọng hồ sơ. Vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt hơn 24,6 tỷ đồng trong năm 2024, góp phần xây mới và sửa chữa 335 căn nhà cho các gia đình với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng.
Thành phố cũng ban hành các chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, như: Điều dưỡng, tham quan về nguồn; hỗ trợ giáo dục và đào tạo, chăm sóc y tế; tạo điều kiện về việc làm, sản xuất; tặng quà nhân các dịp kỷ niệm với tổng kinh phí dự kiến hơn 178 tỷ đồng.
Những năm gần đây, số lượng người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hằng tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm do quy luật tự nhiên. Thành phố xác định đây là thời điểm quan trọng để tăng tốc thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi. Bà Phan Kiều Thanh Hương khẳng định: “Thành phố sẽ tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người có công với mức cao nhất trong các chính sách xã hội; bảo đảm mọi gia đình đều có cuộc sống ổn định, từ trung bình khá trở lên”.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ từ cấp thành phố đến từng khu phố, tổ dân phố. Các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đều chủ động tham gia với tinh thần trách nhiệm và tình cảm sâu sắc.
Bằng sự nghĩa tình, tri ân sâu sắc và hành động cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu không để người có công và thân nhân bị bỏ lại phía sau, xứng đáng với truyền thống cách mạng kiên cường và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.