Chăm lo bữa ăn cho học sinh bán trú
HNN - Đúng 10 giờ 40 phút, tiếng trống trường vang lên, cũng là lúc những bước chân nhỏ ríu rít ùa về phía nhà ăn. Ít ai biết rằng, đằng sau những phần cơm nóng hổi được xếp ngay ngắn là cả một guồng quay âm thầm của những nhân viên cấp dưỡng, bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc khi mọi thứ đều đã được sắp xếp gọn gàng, tinh tươm.

Bữa ăn của học sinh được thiết kế tỉ mỉ với một suất ăn chính có giá 28.000 đồng, kể cả tráng miệng và bữa ăn phụ buổi chiều
Trao yêu thương trong từng bữa ăn
6 giờ sáng, căn bếp của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Thuận Thành, quận Phú Xuân) đã bắt đầu nhộn nhịp. Sau khi nhận thực phẩm tươi sống được đưa đến từ các nhà cung cấp, 15 nhân viên cấp dưỡng chia nhau làm từng công đoạn, nhanh nhẹn, ăn khớp tạo thành một dây chuyền nhịp nhàng. Thực đơn không lặp lại trong hai tuần để tránh gây nhàm chán cho các em. Chị Hồ Thị Kim Hồng, 46 tuổi, có thâm niên 15 năm làm cấp dưỡng ở đây, kể: “Từ sáng sớm, chúng tôi đã tất bật chuẩn bị quy trình chế biến thực phẩm. Tầm 7 giờ 30 bắt đầu nấu các món chính. Nấu cho trẻ nhỏ phải kỹ, không sử dụng nhiều dầu mỡ, vị vừa ăn, trình bày bắt mắt để các em ăn hết khẩu phần".
Căn bếp được thực hiện theo quy trình một chiều, từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia khẩu phần, đến vệ sinh, hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo. Thiết bị nhà bếp đầy đủ các loại máy như: Máy hút mùi, máy xay thịt, 4 bếp khò, 2 tủ cơm công nghiệp, máy sấy chén, tủ mát… Thực phẩm được hợp đồng từ các nhà cung cấp có kiểm định chất lượng. Mỗi sáng, tổ tiếp phẩm gồm quản lý, kế toán, nhân viên y tế và bếp trưởng sẽ kiểm tra nguyên liệu đầu vào.
Bữa ăn của học sinh được thiết kế tỉ mỉ. Một ngày ăn có giá 28.000 đồng, kể cả tráng miệng và bữa ăn phụ buổi chiều. Em Trần Phương Nguyên, học sinh lớp 1/5 kể: “Thực đơn hôm nay gồm: Tôm chấy thịt nạc, canh bí đỏ nấu tôm thịt, cơm trắng và chuối tráng miệng. Con thích nhất món tôm chấy. Hôm nào con cũng ăn sạch cơm”.
Học sinh ăn ngon, phụ huynh yên tâm
Không chỉ ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, mô hình bữa ăn bán trú tại các trường học khác trên địa bàn TP. Huế như Trường Tiểu học Quang Trung (phường Phú Nhuận, quận Thuận Hóa) cũng đang được phụ huynh ghi nhận và đánh giá cao. Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền, một phụ huynh học sinh, chia sẻ: “Từ khi con học bán trú, tôi thấy con ăn ngon miệng hơn. Nhà trường thường xuyên cập nhật hình ảnh, thực đơn lên nhóm phụ huynh, giúp chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều".
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, cô Phan Thị Ngọc Quỳnh cho biết: "Nhà trường công khai thực đơn hằng tuần và tạo điều kiện để phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn sau khi hoàn thành. Sau mỗi bữa trưa, tổ cấp dưỡng sẽ chụp ảnh các phần ăn thực tế, đăng tải lên nhóm phụ huynh để minh bạch và tiếp thu góp ý. Phụ huynh tham gia giám sát qua hình ảnh và thực đơn hằng ngày, có thể phản ánh trực tiếp đến trường nếu phát hiện bất thường. Quy trình nhiều tầng lớp này đang giúp bữa ăn học đường đảm bảo tính an toàn, minh bạch và đồng hành cùng phụ huynh trong chăm sóc sức khỏe học sinh".
Không chỉ có bữa ăn ngon, sạch, an toàn, các trường học còn nỗ lực để giờ ăn trưa là khoảng thời gian học sinh được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng một cách đúng nghĩa. Tuy nhiên, không gian là điều mà nhiều trường còn gặp khó. Nhiều trường phần lớn học sinh lớp lớn ăn và ngủ tại lớp. Việc này khiến không khí bị ám mùi thức ăn, ảnh hưởng đến chất lượng nghỉ ngơi. “Chúng tôi muốn mở rộng nhà ăn, xây dựng thành các khu riêng biệt cho ăn - học - nghỉ. Tức là vừa đảm bảo bán trú chuyên nghiệp, vừa tạo môi trường học tập tốt hơn”, cô Quỳnh chia sẻ thêm.
Theo BS.CKII. Trương Thị Lan Hương, Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Sở Y tế TP. Huế, việc giám sát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học được thực hiện theo nhiều lớp, từ cơ sở đến cấp sở. Sở triển khai định kỳ kiểm tra các bếp ăn bán trú trên toàn địa bàn. Ngoài ra, khi có phản ánh từ phụ huynh hoặc báo chí, Sở sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Quan điểm là không khoan nhượng với bất kỳ sai sót nào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. “Một trong những yêu cầu bắt buộc là bếp ăn phải tuân thủ quy trình một chiều, từ tiếp nhận, sơ chế, chế biến đến phân chia khẩu phần và bảo quản. Nhân viên bếp phải khám sức khỏe định kỳ, tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm hàng năm. Việc lưu mẫu thức ăn, chụp ảnh báo cáo trước khi chia suất ăn là cách làm tốt, giúp tăng tính minh bạch và phòng ngừa rủi ro”, bà Hương nhấn mạnh.
Ngành y tế cũng khuyến cáo các trường nên công khai thực đơn hằng tuần, phối hợp chặt chẽ với hội cha mẹ học sinh để giám sát chất lượng bữa ăn. Đây là cách để tạo niềm tin và cũng là sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình trong việc chăm lo cho học sinh bán trú.