Chăm lo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình

Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương vừa tổ chức Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023. Theo báo cáo của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, đợt xét tặng thưởng năm 2023 có 118 tác phẩm được các cơ quan, đơn vị gửi đề nghị Hội đồng xét tặng thưởng.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, nhận thức sâu sắc các quan điểm, định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn học, nghệ thuật, hơn 20 năm qua, Hội đồng vừa đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vừa coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Được Ban Bí thư Trung ương Đảng giao nhiệm vụ, từ năm 2012 đến nay, Hội đồng đã tổ chức 10 đợt xét chọn và trao tặng thưởng cho các tác phẩm, công trình lý luận, phê bình chất lượng cao; khen thưởng các cơ quan xuất bản, báo chí có thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền, quảng bá, sáng tạo văn học, nghệ thuật - “lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa” như Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định.

Cùng với hoạt động xét và trao tặng thưởng, ngay từ đầu mỗi năm, Hội đồng thông báo rộng rãi về việc tiếp nhận các bản thảo hoặc đề cương chi tiết có chất lượng tốt của các tác giả trong cả nước để xem xét và có thể hỗ trợ kinh phí xuất bản. Hướng đi này góp phần động viên, khích lệ các cây bút lý luận, phê bình, nhất là các cây bút trẻ, chăm lo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình cho nhiều năm sau.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ trao thưởng cho các tác phẩm đạt mức B (mức cao nhất trong lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lần này)

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ trao thưởng cho các tác phẩm đạt mức B (mức cao nhất trong lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lần này)

"Để chọn lọc, thẩm định và đi đến quyết định trao tặng thưởng hàng năm cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng cao, Hội đồng đặc biệt coi trọng tính học thuật, tính mới, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của các tác giả khi đi vào các vấn đề, hiện tượng, khuynh hướng hay trường hợp văn nghệ cụ thể, đặc biệt là đóng góp của tác phẩm đoạt giải đối với thực tiễn sáng tác; nghiên cứu lý luận, phê bình; quảng bá và tiếp nhận giá trị tác phẩm", PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ đánh giá.

Với 118 tác phẩm (gồm 34 cuốn sách và 84 bài viết), Ban tổ chức đã trao tặng thưởng cho 25 tác phẩm, trong đó, Giải B: 4 tác phẩm; Giải C: 12 tác phẩm và Giải Khuyến khích: 9 tác phẩm.

Chia sẻ lý do không tìm được tác phẩm trao Giải A, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ cho biết, một Giải thưởng, một Tặng thưởng được coi là danh giá, nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ, thiết thực khi và chỉ khi đáp ứng các yêu cầu cao, thậm chí khắt khe. “Cũng vì lẽ đó, đã có một số mùa tặng thưởng trước đây, Ban Chỉ đạo và Hội đồng Chung khảo không trao mức A. Mùa trao tặng thưởng năm nay không là một ngoại lệ”, ông Kỷ nói, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi nói điều này để khiêm tốn và tự tin khẳng định: Mùa trao tặng thưởng tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng cao và khen thưởng các cơ quan báo chí xuất bản có thành tích nổi bật năm 2023 đã về đích thành công”.

Trong đó, mức B có 4 tác phẩm gồm: Sách "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” của TS. Ngô Phương Lan; sách "Neo chữ” của tác giả Nguyễn Hoài Nam; sách "Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại; sách "Nghệ thuật trang trí đình làng ở Bình Dương” của TS. Nguyễn Thị Ngọc Điệp.

Về cuốn sách được tặng thưởng của TS. Ngô Phương Lan, trước đó trong lễ ra mắt sách ở Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ đánh giá TS. Ngô Phương Lan có một lối phê bình "vừa sắc sảo, vừa chừng mực", "đây là một công trình dày công và tinh tế".

Trước cuốn “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập”, TS. Ngô Phương Lan từng ra mắt “Đồng hành cùng màn ảnh” (1998, Giải thưởng chính của Hội Điện ảnh Việt Nam cho công trình lý luận, phê bình), “Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam” (2005, Giải Cánh diều vàng cho công trình lý luận, phê bình của Hội Điện ảnh Việt Nam)…

Trong khi đó, “Neo chữ” theo giới thiệu của tác giả Nguyễn Hoài Nam là cuốn phê bình được ông viết theo cách giản dị, dễ hiểu. Đây là tập hợp các bài phê bình ông đã đăng trên các báo phổ thông, không phải trên các tạp chí chuyên ngành. Còn cuốn “Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” gồm phần viết về cuộc đời Nguyễn Bính và phân tích thơ Nguyễn Bình. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại phác họa chân dung, cuộc đời Nguyễn Bính qua những thông tin tư liệu, trích dẫn lời kể của những người thân, bạn bè, những nhà văn, nhà thơ cùng thời. Phần hai tác giả phân tích về bút pháp thơ, cùng những lý giải thấu đáo về ngôn từ, cách sử dụng tài tình thể thơ dân tộc, hình ảnh chân thực và trong trẻo mang tâm lý, tâm thức Việt.

Sách “Nghệ thuật trang trí đình làng tại Bình Dương” của TS. Nguyễn Thị Ngọc Điệp nêu ra những đặc điểm nghệ thuật trang trí đình làng tại Bình Dương thông qua nghiên cứu 11 ngôi đình tiêu biểu trong tỉnh, có so sánh, đối với chiếu với đình Bắc Bộ, Nam Bộ.

Bên cạnh đó, 18 cơ quan, đơn vị báo chí, xuất bản có thành tích nổi bật trong hoạt động tuyên truyền cho công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong năm 2023 cũng được trao thưởng dịp này.

Hà Thư

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cham-lo-boi-duong-xay-dung-doi-ngu-ly-luan-phe-binh-155873.html
Zalo