Chậm giải ngân đầu tư công: Đề xuất cắt vốn, hủy dự toán

Bộ Tài chính điểm danh hơn 320 dự án đầu tư công giải ngân dưới 30% và 82 dự án giải ngân 0% dù đã bước sang quý cuối cùng của năm 2024. Các chuyên gia đề xuất biện pháp mạnh tay nhằm thúc đẩy hoạt động này.

Giải ngân chưa được 50% kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương do các địa phương quản lý năm 2024 là 86.746,6 tỷ đồng, tương đương 90,16% tổng nguồn vốn theo ngành, lĩnh vực từ ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, đến ngày 30/9, chỉ có 39.890 tỷ đồng được giải ngân, chỉ đạt 45,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mức giải ngân này thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước là 47,29%.

Đáng nói vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Một số địa phương được giao kế hoạch lớn, song tỉ lệ giải ngân thấp dẫn đến làm giảm tỉ lệ giải ngân chung của cả nước.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, theo Bộ Tài chính là do chính sách còn vướng mắc, chậm sửa đổi, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công các năm chậm trễ, phân bổ rất nhiều lần. Nhiều dự án tắc nghẽn vì công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng. Trong khi tại các địa phương, tâm lý cán bộ e dè, không dám làm cũng gây cản trở tiến độ giải ngân.

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch. (Ảnh minh họa)

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch. (Ảnh minh họa)

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Bắc Kạn là địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất cả nước với 20 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 30% và 11 dự án chưa giải ngân đồng nào như dự án xây dựng 4 trạm y tế tuyến xã; dự án mua sắm trang thiết bị y tế cho 8 trung tâm y tế thuộc các huyện...

Đối với dự án đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị cho 8 trung tâm y tế tuyến huyện, chủ đầu tư đang hoàn thiện thông số kỹ thuật và dự toán chi tiết các danh mục trang thiết bị để làm cơ sở tổ chức các bước đấu thầu mua sắm theo quy định.

Tuy nhiên, sau khi tổng hợp báo giá của các đơn vị cung cấp và thẩm định giá đối với 40 danh mục trang thiết bị còn lại do không thỏa mãn yêu cầu báo giá (vượt tổng mức đầu tư so với giá thiết bị khái toán ban đầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt), dẫn đến phải họp lại hội đồng chuyên môn để thống nhất điều chỉnh cắt giảm cấu hình.

Nguyên nhân các dự án này chậm triển khai là do việc lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, cũng như xây dựng tính năng, thông số kỹ thuật cơ bản và giá gói thầu mua sắm trang thiết bị gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của dự án, nhất là dự án mua sắm trang thiết bị.

Chủ đầu tư dự án cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản hướng dẫn cập nhật, sửa đổi bổ sung danh mục trang thiết bị y tế và hướng dẫn thông tin trang thiết bị phải kê khai giá để các địa phương có cơ sở thực hiện.

Còn tại Lào Cai có tới 14 dự án giải ngân dưới 30% và 6 dự án chưa giải ngân đồng nào. Trong đó có dự án sử dụng vốn lớn nhất là xây dựng cảng hàng không Sa Pa với gần 49,2 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến dự án này chậm triển khai là do không tìm được nhà đầu tư. Việc đầu tư hạ tầng sân bay phải sử dụng nguồn vốn lớn, khó thu hút vốn từ các ngân hàng thương mại trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài (theo tính tóa của địa phương thời gian hoàn vốn lên tới 43 năm 11 tháng) nên nhiều nhà đầu tư còn cân nhắc.

Chậm giải ngân sẽ cắt vốn, hủy dự toán?

Sau khi chỉ ra 326 dự án đầu tư công giải ngân dưới 30% và 80 dự án chưa giải ngân được đồng nào so với kế hoạch được giao, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các chủ đầu tư, sở, ngành và các đơn vị liên quan rà soát tất cả các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, các địa phương rà soát báo cáo kịp thời để có kế hoạch điều chuyển vốn giữa các dự án, nếu trong trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo bộ ngành để trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/11.

Lãnh đạo Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân nhiều dự án chậm triển khai giải ngân vốn đầu tư công là do vướng mắc trong việc đền bù và giải phóng mặt bằng.

Vị này cho biết thêm, kế hoạch vốn đầu tư công là tiền có sẵn trong kho bạc, có khối lượng công trình sẽ tiến hành giải ngân.

Tiền vốn đầu tư công cấp hàng năm cho các địa phương, nếu dự án chậm triển khai thì sẽ điều chuyển vốn và không tiếp tục được cấp vốn cho năm sau, cuối năm hủy dự toán. Địa phương nào chậm giải ngân phải chịu kiểm điểm.

Nhìn nhận về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là "bài toán" đã được nhắc đến nhiều lần mà vẫn không có lời giải.

Chia sẻ với Báo Giao thông, một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, vốn đầu tư công chậm triển khai vẫn để trong kho bạc tiềm ẩn nguy cơ lãng phí.

Vị chuyên gia này thẳng thắn nhìn nhận, các cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp phù hợp để đôn đốc và xử lý các địa phương chậm triển khai các dự án hoặc chưa giải ngân được đồng nào.

"Đa số các dự án chưa giải ngân được đồng nào đều vướng mắc vấn đề giải phóng mặt bằng, vướng các thủ tục mua sắm vì vậy các cơ quan chức năng cần tìm hiểu và tháo gỡ kịp thời và cần xem xét trách nhiệm của các địa phương, điều chuyển vốn, và không ưu tiên phân bổ vốn trong các năm tiếp theo", vị này nhấn mạnh.

Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng, tính đến thời điểm này cả nước mới chỉ giải ngân đạt hơn 47% là tốc độ tương đối chậm. Theo đúng tiến độ, hết quý III/2024 giải ngân vốn đầu tư công phải đạt được trong khoảng 60-80%.

"Để tiến đến gần nhất mục tiêu, trong quý IV/2024 cần phải quyết liệt, nhanh chóng triển khai và tháo gỡ những vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách quy định liên quan đến các thủ tục về đất đai, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, các địa phương cũng cần có cơ chế tháo gỡ, điều phối chung; gỡ vướng những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp, ODA…", ông Lạng nói.

Anh Hoàng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cham-giai-ngan-dau-tu-cong-de-xuat-cat-von-huy-du-toan-192241016171844787.htm
Zalo