Chấm dứt tình trạng xét tuyển đại học không gắn với môn học cốt lõi

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cơ sở đào tạo phải quy định tỷ lệ điểm tối thiểu của phần nội dung cốt lõi (liên quan đến ngành học) mà thí sinh cần đạt trong tổng điểm bài thi.

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, trong đó Bộ yêu cầu đối với việc xây dựng phương thức xét tuyển (tổ hợp, bài thi độc lập), các tổ hợp môn hoặc bài thi đánh giá độc lập dùng để xét tuyển phải được xây dựng một cách khoa học, thực tiễn và đảm bảo lựa chọn được thí sinh có kiến thức nền tảng cùng năng lực cốt lõi phù hợp với chương trình đào tạo.

Cụ thể, trường hợp chương trình đào tạo đại học, cao đẳng yêu cầu kiến thức nền tảng ở một môn học nhất định thì cơ sở đào tạo cần phải quy định ngưỡng đầu vào đối với môn học đó để bảo đảm thí sinh đã được học môn học đó ở Trung học Phổ thông. Ví dụ, chương trình đào tạo ngành y khoa có yêu cầu kiến thức nền tảng là môn Sinh học thì cần quy định điều kiện về điểm môn Sinh học ở trung học phổ thông hoặc thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cơ sở đào tạo phải quy định tỷ lệ điểm tối thiểu của phần nội dung cốt lõi (liên quan đến ngành học) mà thí sinh cần đạt trong tổng điểm bài thi. Ví dụ, khi xét tuyển ngành Toán học bằng bài thi đánh giá độc lập, cơ sở đào tạo cần quy định rõ tỷ lệ điểm phần Toán học trong bài thi.

Trường hợp ngoại lệ, các yêu cầu trên có thể không áp dụng cho các ngành đào tạo ngôn ngữ mà người học bắt đầu từ trình độ cơ bản (ví dụ, học ngôn ngữ Pháp từ đầu). Tương tự, các ngành như Sư phạm Công nghệ hay Sư phạm Tin học cũng có thể có những điều chỉnh phù hợp.

Trước đó, một số trường đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trong đó có hiện tượng tổ hợp xét tuyển không có môn học cốt lõi gắn với ngành đào tạo, ví dụ đào tạo Sư phạm Lịch sử nhưng tổ hợp xét tuyển không có môn Lịch sử, xét tuyển ngành lĩnh vực y khoa nhưng tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh.

Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng đầu vào cũng như chất lượng nhân lực đầu ra, đặc biệt khi năm 2025 là năm tuyển sinh đầu tiên của lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới và học sinh không phải học tất cả các môn như chương trình cũ.

Cũng theo hướng dẫn tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trong đợt 1, các cơ sở đào tạo có thủ tục sơ tuyển, kết quả kỳ thi độc lập, bổ trợ, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá đầu vào đại học trên máy tính, chứng chỉ ngoại ngữ… (nếu có) hoặc các hình thức khác kết hợp với việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển phải hoàn thành việc cập nhật kết quả vào Hệ thống tuyển sinh của Bộ trước 17 giờ ngày 28/7.

Thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành. Vì vậy, các cơ sở đào tạo có sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp để xét tuyển thì phần mềm phải xét tuyển tất cả các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho thí sinh (nếu thí sinh đáp ứng các quy định) theo đúng thông tin tuyển sinh đã công bố.

Các cơ sở đào tạo sử dụng đồng thời nhiều tổ hợp, phương thức, chứng chỉ ngoại ngữ cho một ngành hoặc nhóm ngành để xét tuyển phải xác định và công bố công khai quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển, điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với các chứng chỉ ngoại ngữ được dùng để miễn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành, cơ sở đào tạo được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%. Việc quy đổi phải bảo đảm các mức độ năng lực ngoại ngữ khác nhau có mức điểm quy đổi khác nhau.

Điểm cộng tối đa 10% theo thang điểm xét và được cộng trước khi cộng điểm ưu tiên (ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng). Mức điểm ưu tiên (ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng) để xét tuyển đảm bảo thống nhất, đồng bộ theo đúng quy định của Quy chế tuyển sinh. Trường hợp xét tuyển theo thang điểm khác thang điểm 30, cơ sở đào tạo phải xác định mức điểm ưu tiên tương ứng như thang điểm 30 theo quy định.

Cơ sở đào tạo quy định các tiêu chí phụ đối với thí sinh có năng lực vượt trội (nếu có) phải đảm bảo điểm trúng tuyển không lớn hơn điểm tối đa bao gồm cả điểm ưu tiên, điểm cộng (nếu có).

Các cơ sở đào tạo phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do: không đủ điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ, điều kiện sức khỏe, không đảm bảo yêu cầu về lý lịch để học tập./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cham-dut-tinh-trang-xet-tuyen-dai-hoc-khong-gan-voi-mon-hoc-cot-loi-post1039569.vnp
Zalo