Chậm cấp chứng chỉ môi giới bất động sản: Hệ lụy và giải pháp
Luật Kinh doanh bất động sản 2023, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, được kỳ vọng tạo ra một thị trường minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, gần 1 năm sau, việc triển khai các quy định liên quan đến thi và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản vẫn gặp nhiều trở ngại. Hệ thống tổ chức kỳ thi sát hạch tại các địa phương gần như 'án binh bất động', gây ra những hệ lụy đáng lo ngại cho doanh nghiệp, người hành nghề và cả thị trường.
“Điểm nghẽn” trong triển khai Luật
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, hệ thống thi và cấp chứng chỉ hành nghề-vốn là yếu tố then chốt để chuẩn hóa lực lượng môi giới, chưa được bất kỳ địa phương nào triển khai. Tình trạng này khiến người hành nghề rơi vào trạng thái hoang mang. Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực hợp pháp để vận hành các sàn giao dịch. Sự chậm trễ trong việc ban hành kế hoạch tổ chức thi, cùng với thiếu hướng dẫn thống nhất và xác định rõ vai trò của các bên liên quan, đang tạo ra tâm lý bất ổn và lo lắng trong cộng đồng kinh doanh bất động sản.
Ông Phạm Trung Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Four Home cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành đã giao quyền cấp chứng chỉ cho các địa phương, nhưng tiến độ triển khai rất chậm. Những người hoạt động trong lĩnh vực môi giới kỳ vọng có hướng dẫn cụ thể để đạt được chứng chỉ hành nghề theo quy chuẩn. Tuy nhiên, nhiều khó khăn và vướng mắc đang tồn tại, đặc biệt tại các tỉnh thành xa, nơi thiếu sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan và các văn bản hướng dẫn rõ ràng. Sự thiếu minh bạch trong quy trình đào tạo và cấp chứng chỉ đang cản trở việc công nhận chính thức năng lực của người hành nghề, làm giảm hiệu quả hoạt động của thị trường.
Hơn 1 năm qua, việc đình trệ các kỳ thi cấp chứng chỉ đã gây ra nhiều hệ lụy. Dù nhiều đơn vị chức năng đã tổ chức các lớp đào tạo, nhưng việc cấp chứng chỉ vẫn bị “tắc nghẽn” khiến những người đủ điều kiện hành nghề gặp khó khăn. Phần lớn lực lượng môi giới hiện nay đang hoạt động “ngoài luật”, tiềm ẩn rủi ro cho cả người hành nghề lẫn khách hàng. Cùng với đó, số lượng lớn môi giới đã hoàn thành khóa học nhưng chưa được cấp chứng chỉ đang làm gián đoạn hoạt động kết nối cung - cầu trên thị trường. Sự chậm trễ này không chỉ gây mệt mỏi, làm giảm uy tín của người làm nghề, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và niềm tin của khách hàng.

Cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản là yêu cầu tất yếu, hướng tới thị trường minh bạch
Yêu cầu tất yếu và giải pháp cấp thiết
Một khảo sát quy mô lớn do Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS IRE) thực hiện trên gần 30.000 nhà môi giới đã chỉ ra thực trạng đáng lo ngại: 89% lực lượng môi giới bất động sản hiện nay không có chứng chỉ hành nghề hoặc sở hữu chứng chỉ đã hết hiệu lực. Trong số những người chưa có chứng chỉ, 51,8% chưa từng tham gia bất kỳ chương trình đào tạo nào, trong khi 24,1% đã hoàn thành khóa học nhưng vẫn chưa được cấp chứng chỉ do vướng mắc trong tổ chức kỳ thi sát hạch tại các địa phương. Hiện có hơn 6.000 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo theo chuẩn nhưng vẫn đang chờ đợi các kỳ thi. Kết quả khảo sát cũng cho thấy nhu cầu cấp thiết về chuẩn hóa đội ngũ môi giới, với 93% người tham gia bày tỏ mong muốn được tham gia kỳ thi sát hạch để tuân thủ pháp luật và nâng cao kiến thức chuyên môn.
TS. Nguyễn Thị Tùng Phương, giảng viên chính Khoa Bất động sản - Kinh tế Tài nguyên, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản là yêu cầu tất yếu, không chỉ tạo điều kiện liên thông chứng chỉ quốc tế, mà còn hướng tới một thị trường minh bạch, hiệu quả. Đào tạo bài bản giúp người môi giới có đủ năng lực, đạo đức và tính chuyên nghiệp, góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín cho ngành. Việc cấp chứng chỉ tạo nền tảng phân tầng người hành nghề theo năng lực, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Chúng ta nên giao quyền tổ chức thi sát hạch cho các hiệp hội hoặc đơn vị chuyên môn đủ điều kiện, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và thi sát hạch, công khai danh sách đơn vị đào tạo để tránh gian lận.
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhận định, việc tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức do các tỉnh thành đang trong giai đoạn sắp xếp lại bộ máy hành chính. Cùng với đó, một khó khăn lớn là trách nhiệm xây dựng và bảo mật bộ đề thi được giao cho Chủ tịch Hội đồng thi các tỉnh, gây áp lực lớn. Các tỉnh có thể huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp bất động sản để giảm gánh nặng trong quá trình này. “Việc chuyên nghiệp hóa lực lượng môi giới là yếu tố then chốt để xây dựng một thị trường bất động sản lành mạnh. Một đội ngũ thiếu chuyên nghiệp sẽ không thể đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường”, ông Cường nhấn mạnh.