Cha thương con dù chẳng cùng máu mủ

Giữa biết bao nhiêu sự sống trên thế giới, cha và con gái đã tìm được nhau một cách đầy phép màu và kỳ diệu, đó có lẽ đã là điều tuyệt vời nhất.

Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Richard L Evans từng viết: "Không chiếc gối nào êm ái bằng bờ vai cứng cáp của người cha". Nếu như tình yêu của mẹ là cái ôm ngọt ngào thì cha yêu con bằng bờ vai vững chãi. Bờ vai cha là điểm tựa cho con trưởng thành, không bao giờ bỏ con mặc cho sóng gió cuộc đời có khắc nghiệt đến đâu. Dù cha không hoàn hảo nhưng tấm lòng của cha thì vô lượng, và đó là thứ tình yêu mà ai cũng cần có để trưởng thành.

Tình cảm giữa cha và con không chỉ được tạo nên từ sợi dây huyết thống mà còn được xây dựng từ sự thấu hiểu, yêu thương và sẻ chia trong cuộc sống. Có những người cha chẳng cùng dòng máu, chẳng có quan hệ ruột rà, nhưng bằng cả tấm lòng, họ đã yêu thương, bao bọc và dạy dỗ con như chính máu mủ của mình. Giữa những mối quan hệ tưởng chừng xa lạ vẫn có thể nảy nở một tình cảm chân thành, đầy ấm áp – một thứ tình cảm khiến người ta phải cảm phục, trân quý.

Những cảm xúc thiêng liêng và sâu lắng về mối quan hệ cha con thật đặc biệt ấy đã được tác giả Tôn Quang Hòa (Trường Đại học Hà Nội) gửi gắm tới cuộc thi viết Cha và con gái thông qua tác phẩm "Hãy gọi bác là ba, con nhé!”.

Với tác giả Tôn Quang Hòa, hành trình từ "bác" trở thành "ba" của cô con gái Bảo Châu bắt đầu từ hành trình của một người đàn ông "gà trống nuôi con", từng đơn độc giữa bao bộn bề, lo toan của cuộc sống và một người phụ nữ – người đồng nghiệp từng chịu tổn thương sau cuộc hôn nhân đổ vỡ – đã cùng nhau bước qua khó khăn, xây dựng một gia đình mới đầy ấm áp và trọn vẹn.

"Bác nghẹt thở trong cuộc mưu sinh để kiếm tiền nuôi ông, nuôi em và nuôi chính bản thân bác. Những thú vui trước đây bác đều từ bỏ. Cảnh gà trống nuôi con nhuốm một màu xám xịt cho đến khi… bác gặp mẹ con.

Một mối giao cảm được hình thành, không phải từ cảm xúc của một người đàn ông và một người đàn bà, mà khởi phát từ tình thương với những đứa trẻ. Một đứa không có mẹ - là em Minh Đăng, con trai, một đứa thì không có cha – là con, Bảo Châu, con gái. Lỗi tại người lớn, còn chúng, chúng vô tội và rất đáng thương", tác giả tâm sự.

Cứ thế, tháng năm trôi qua, từ “bác” dần thành “ba”, không phải do ép buộc, mà bởi tình thương thấm dần qua từng hành động nhỏ. Niềm vui của người cha chỉ đơn giản là khi được đi họp phụ huynh cho con gái, những lần làm xe ôm đón đưa con đi học thêm sớm chiều đến cả những lần chạy xe trong đêm để sang nhà đuổi gián cho con gái yên tâm ngủ.

Không chỉ mang đến niềm vui, tác giả còn là chỗ dựa cho con gái trong khoảng thời gian đầy ám ảnh khi phải đối mặt với những tổn thương từ quá khứ: "Đám đòi nợ cha ruột của con thả tờ rơi, dán “yết thị” khắp trường nơi con học, chiếm quyền sử dụng facebook để bêu xấu con, gọi điện quấy rối, cốt để cha con trả hết nợ. Mẹ con than ngắn thở dài, trách trời, sao quá khổ vì chồng cũ. Bác lại lặng lẽ bên con, lầm lũi thu nhặt, xé từng tờ giấy đòi nợ trên tường rào, khôi phục quyền sử dụng facebook cho con. Thật lòng, mỗi lần con run rẩy gọi: “Bác… ơi! Chúng nó đang ở trước cửa!” là tim bác như thắt lại".

Suốt quãng thời gian 10 năm làm cha đặc biệt ấy, tác giả có thể chẳng biết gen di truyền của con là gì, nhưng anh lại biết con thích gì, sợ điều gì và mơ ước điều gì trong tương lai. Tình cảm ấy không cần đến huyết thống để xác thực bởi sự gắn bó chân thành, bao dung và trách nhiệm đã đủ làm nên hình bóng một người cha đúng nghĩa.

"Mười năm thủ vai người thầy, người cha, người anh, người bạn đường đồng hành cùng con, bác hiểu con còn hơn bất kỳ người thân ruột thịt nào của con. Vượt qua những thử thách cay nghiệt, con đã trưởng thành, vững bước trên con đường chuẩn bị hành trang vào đời.

Có lòng yêu thương, con người ta sẽ sống có trách nhiệm với nhau hơn. Từ hai gia đình tan vỡ, chúng ta lại là những mảnh ghép hoàn hảo phải không con? Bác đã chờ đợi mười năm nay để được con gọi là ba. Hãy gọi “bác” là “ba”, con nhé!", tác giả Tôn Quang Hòa viết.

Cũng viết về mối quan hệ cha và con gái dù chẳng cùng huyết thống, tác giả Lê Thị Nhung (Thanh Hóa) lại gửi gắm tới cuộc thi viết Cha và con gái những dòng tâm sự về bố chồng của mình - mối quan hệ tưởng như cách biệt bởi vai vế và trách nhiệm, nhưng vẫn có thể là nơi nương tựa ấm áp.

Bố chồng, dù chẳng sinh thành hay nuôi nấng con dâu từ thuở bé, nhưng vẫn luôn dang rộng vòng tay, âm thầm che chở và xem con như con gái ruột của mình. Những ngày đầu về nhà chồng, cô dâu còn lạ lẫm, e dè, chính sự quan tâm lặng lẽ của người bố ấy đã giúp tác giả thêm vững lòng: "Tôi nhớ hồi tôi sinh bé đầu. Ông thường xuyên gọi điện hỏi thăm. Rồi đầy tháng ông lặn lội từ Bắc vào Nam thăm và cúng đầy tháng, đặt tên cho cháu. Rồi cháu bị chân - tay - miệng, ông đứng ngồi không yên. Thường xuyên gọi điện cho tôi bảo tôi làm thế này , thế kia.

Hồi tôi sinh bé thứ hai. Cháu khó tính hơn bé đầu. Ngủ là phải bế trên tay, đặt là dậy, khóc. Rồi cháu bị viêm phế quản, viêm phổi nằm ở Nhi đồng 2. Vợ chồng tôi phải ở lại bệnh viện với cháu. Đứa lớn không có ai đưa đi học. Một lần nữa ông lại từ Bắc vào Nam trông cháu. Hàng ngày ông nấu cơm mang lên cho tôi giữa cái nắng chang chang của Sài Gòn 38 – 39 độ.", tác giả Lê Thị Nhung chia sẻ trong tác phẩm "Hai người cha".

Vậy mới thấy, tình cha con không nhất thiết phải bắt đầu từ một mối quan hệ huyết thống. Quan trọng hơn cả, đó là tình thương vô điều kiện, là sự sẻ chia và đồng hành trên hành trình trưởng thành của con. Có những người cha, tuy không sinh ra con, nhưng lại là người dạy con cách sống tử tế, là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất. Những mối quan hệ như thế – không máu mủ, không ruột rà – lại càng đáng quý, bởi nó là minh chứng cho sự gắn kết thiêng liêng giữa con người với con người, vượt lên mọi ràng buộc huyết thống.

Và có lẽ, chính từ những tình cảm ấy, ta mới hiểu rằng, được gọi ai đó là “cha”, hay được ai đó gọi là “con”, không phải là một đặc ân của huyết thống, mà là kết quả của cả một quá trình sống cùng, thương cùng và tin tưởng lẫn nhau.

Thể lệ cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái" lần thứ 3 năm 2025

Quy định về bài dự thi

- Bài dự thi là những bài viết về câu chuyện có thật (người thật việc thật) về những kỷ niệm vui buồn, những khoảnh khắc đáng nhớ, những tình huống yêu thương, sâu sắc khó quên giữa người cha và con gái, giữa con gái với cha mình.

- Bài viết có thể thể hiện dưới dạng thư tâm tình, tản văn, nhật ký viết cho ca (con), khuyến khích có ảnh thật đính kèm)

- Bài dự thi có dung lượng 1.000 - 1.500 từ bằng tiếng Việt, được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Khuyến khích bài dự thi đính kèm video với thời lượng từ 3 - 5 phút thể hiện câu chuyện, khoảnh khắc ấn tượng, đáng nhớ giữa cha và con gái như cùng du lịch, nấu ăn, làm vườn, học tập, khi chăm sóc cha đau con ốm; tự hào khi cùng con gặt hái thành quả trong học tập, trong lao động... Video sử dụng âm nhạc yêu cầu bản nhạc không bị cấm bản quyền.

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước, trong đó khuyến khích học sinh, sinh viên dự thi.- Người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam (yêu cầu bài dự thi phải dịch ra tiếng Việt).

- Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9, Ban tổ chức khuyến khích và trao giải thưởng riêng cho các tác giả có bài viết hay về cha mình là người đã từng tham gia cuộc cách mạng tháng Tám từ 80 năm trước.

Điều kiện dự thi

- Tác phẩm dự thi là bài viết mới, chưa được đăng/phát trên bất kỳ báo, đài hay trang mạng xã hội nào và chưa từng được gửi dự thi ở các cuộc thi viết khác.

- Tác giả dự thi chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính bản quyền và tính chân thực của tác phẩm dự thi, tuân thủ pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục; cấm sao chép dưới mọi hình thức.

- Ban tổ chức được toàn quyền sử dụng bài dự thi và video gửi kèm (kể cả các bài đoạt giải) cho mục đích truyền thông, quảng bá mà không phải chịu bất kỳ khoản chi phí nào, tác giả không được khiếu nại về bản quyền.

- Mỗi tác giả được gửi tối đa 02 (hai) bài dự thi.

- Nhân sự của Ban Tổ chức, Ban giám khảo, các đơn vị tài trợ, đồng hành không được tham gia dự thi.

- Ban tổ chức không chấp nhận các tác phẩm hư cấu, dàn dựng nội dung, nhân vật không đúng sự thật.

Thời gian nhận bài dự thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 14/03/2025 đến ngày 12/06/2025 tính theo dấu bưu điện hoặc thời gian nhận mail.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải dự kiến diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2025.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam. Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Cơ cấu Giải thưởng

- Giải thưởng gồm:

+ 1 giải nhất, 02 giải nhì và 03 giải ba cho các tác phẩm xuất sắc nhất với giải thưởng gồm tiền kèm hiện vật.

+ 01 giải nhất , 01 giải nhỉ và 01 giải ba cho tác giả dự thi là con gái hoặc tác giả viết về các nhà lãnh đạo cách mạng.

+ 01 giải nhất, 01 giải nhỉ và 01 giải ba dành cho học sinh sinh viên với giải thưởng gồm tiền mặt và hiện vật.

+ Giải thưởng cho người Việt Nam sống ở nước ngoài và người nước ngoài sinh sống học tập và làm việc tại Việt Nam.

+ 05 giải khuyến khích với giải thưởng gồm tiền kèm hiện vật.

- Ngoài giải thưởng tiền mặt, các tác giả đạt giải còn được nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức.

Ban Giám khảo cuộc thi

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng ban giám khảo

- Nhà thơ Trần Hữu Việt

- Nhà văn Nguyễn Một

- Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu

Thông tin chi tiết về cuộc thi xin liên hệ: Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Số điện thoại: 0975.470.476 (Mr Khánh An – Ủy viên Ban biên tập - Tổng TKTS, Phó trưởng Ban tổ chức).

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/cha-thuong-con-du-chang-cung-mau-mu-d205645.html
Zalo