Cha đẻ của công nghệ tế bào gốc từ dây rốn: Dùng thuốc cũ điều trị bệnh mới

Người phát minh ra công nghệ tế bào gốc từ dây rốn, PGS. BS Phan Toàn Thắng, chia sẻ với VOV những tâm huyết của ông với y học trường thọ và những phương thuốc điều trị cho người dân với giá rẻ mà lại tốt!

PGS. BS Phan Toàn Thắng, chuyên gia hàng đầu về tế bào gốc, tái tạo da, chữa lành vết thương, là người Việt Nam đầu tiên sở hữu bằng sáng chế độc quyền công nghệ tách, nuôi và bảo quản tế bào gốc từ màng dây cuống rốn do Cục sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USP) cấp. Phát minh này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại hơn 80 quốc gia trên thế giới. Nhờ phát minh quan trọng của ông năm 2004 mà dây rốn đã trở thành nguồn dược liệu quý của nhân loại.

Phát minh của PGS BS Phan Toàn Thắng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại hơn 80 quốc gia trên thế giới

Phát minh của PGS BS Phan Toàn Thắng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại hơn 80 quốc gia trên thế giới

PGS. BS Phan Toàn Thắng tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1991, công tác tại Viện Bỏng quốc gia đến năm 1997 thì chuyển sang làm việc tại Khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Singapore. Từ năm 2002-2004, ông sang Đại học Stanford (Hoa Kỳ) để nghiên cứu về công nghệ tế bào gốc. Sau đó ông trở lại Singapore làm việc tại Đại học quốc gia Singapore cho đến nay.

Y học trường thọ: Dự phòng và điều trị sớm

Mở đầu câu chuyện, ông hào hứng nói về y học trường thọ (longevity medicine), chủ yếu đi tập trung vào dự phòng. Ông giải thích: Trong y học trường thọ có 4 trụ cột.

Trụ cột đầu tiên là y học chính xác, tập trung vào chẩn đoán, phát hiện sớm. Cần khuyến cáo bệnh nhân đi tầm soát sức khỏe, tránh chủ quan. Nhiều người có lối sống tốt, lành mạnh, không uống rượu, không hút thuốc, tập thể dục đều đặn, không ăn nhiều chất đường, chất mỡ… và họ nghĩ mình sẽ không bị bệnh. Tuy nhiên lối sống tốt chỉ giảm nguy cơ thôi, còn khi con người lão hóa, có thể bị rối loạn chuyển hóa, sinh bệnh. Nếu không phát hiện sớm, để biến chứng thì rất nguy hiểm.

Trụ cột thứ hai là dự phòng, bao hàm rất rộng, cả việc dự phòng dùng thuốc như là vaccine, dùng sản phẩm tăng sức đề kháng, hay trị liệu đông y như châm cứu, bấm huyệt, yoga… giúp cho sức khỏe tốt, để phòng bệnh.

Trụ cột thứ ba là y học lối sống (life style medicine), mà mọi người đang cố gắng thực hiện, là ăn sạch uống tinh, hít thở không khí trong lành, uống nước không nhiễm hóa chất, tập thể dục, năng vận động, ăn ít đường, ít mỡ.

Trụ cột cuối cùng là y học tái tạo. Y học tái tạo của Tây y hiện nay là thay khớp gối, thay khớp háng, lọc thận nhân tạo, ghép gan, ghép thận… khi bệnh nhân bị suy. Tuy nhiên, để đến lúc này rồi, bệnh nhân điều trị rất vất vả và tốn kém mà chất lượng cuộc sống lại thấp. Vấn đề là tại sao không dự phòng sớm?. Khi sử dụng xe ô tô, hay thang máy… người ta đều phải kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng. Vậy cơ thể con người cũng thế thôi, cần được kiểm tra định kỳ và bảo dưỡng.

Ông nhấn mạnh: “Về y học trường thọ, tôi chủ yếu muốn tập trung vào dự phòng và điều trị sớm. Hiện giới y khoa đang đấu tranh để các cơ sở quản lý về dược như FDA của Mỹ, hay EMA của châu Âu hay PMDA của Nhật công nhận lão hóa là bệnh. Bởi từ xưa đến nay, người ta coi lão hóa là quá trình sinh học bình thường. Tôi nhớ người đồng sáng lập công ty Moderna có nói đùa rằng: hệ thống của chúng ta là health care (chăm sóc sức khỏe) nhưng thực ra là sick care (tạm dịch: chăm sóc ốm yếu). Lúc ốm rồi mới được chăm sóc, trong khi lẽ ra phải chăm sóc từ lúc người ta còn khỏe (healthy). Vì chỉ khi có bệnh người ta mới được bảo hiểm chi trả, chứ còn trước đó thì không. Hiện một số công ty bảo hiểm cũng bắt đầu ủng hộ dự phòng và điều trị sớm, bởi điều trị sớm cho bệnh nhân thì chính bên bảo hiểm sẽ tiết kiệm được tiền”.

Ông cho hay, hiện có một mô hình đang bắt đầu được triển khai, đó là biến chiếc giường ngủ của bệnh nhân thành giường bệnh. Ngày nay tuổi thọ của con người tăng lên, người già đông hơn và khi lão hóa có nhiều thứ bệnh. Công nghệ hiện nay, như tele medicine, trí tuệ nhân tạo, connectivity (khả năng kết nối/liên thông) cho phép làm điều đó.

Có thể nhiều bệnh viện sẽ không thích điều này vì tuy nó tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân nhưng lại làm giảm nguồn thu của bệnh viện!

Dùng những phương pháp trị liệu giá thành thấp để người bệnh được lợi

Vẫn với mục đích đưa ra những trị liệu can thiệp sớm và dự phòng sớm cho bệnh nhân, ông nói về một số chương trình đang triển khai ở Việt Nam, Ấn Độ và Singapore. Ví dụ điều trị chống loét ở bàn chân của bệnh tiểu đường. Đây là một trong những biến chứng phổ biến của căn bệnh tiểu đường. Khi bệnh nhân không được chống loét tốt, vết loét sẽ dần ăn vào xương, dẫn đến người bệnh phải cắt cụt chi. Khi bệnh nhân bị cắt chi, bản thân họ đau đớn và khổ sở, lại trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều trị tốt chống loét sẽ tránh được điều này.

Hiện PGS BS Phan Toàn Thắng đang cùng các cộng sự nghiên cứu dùng các thuốc cũ điều trị những bệnh mới

Hiện PGS BS Phan Toàn Thắng đang cùng các cộng sự nghiên cứu dùng các thuốc cũ điều trị những bệnh mới

“Mục đích cuối cùng là vì bệnh nhân, trên cơ sở khoa học thì chi phí rẻ hơn”- ông cho biết. “Thật ra phát minh của tôi về tế bào gốc từ màng dây rốn cũng trên nền tảng y học vị nhân sinh, làm thế nào cho bệnh nhân được tiếp cận y học tiên tiến với chi phí thấp nhất. Công nghệ tế bào gốc được thế giới nghiên cứu mấy chục năm rồi, đổ vào đó hàng tỷ đô la. Vấn đề là khó khăn lớn nhất là có sản phẩm nhưng chi phí cao, phần đông bệnh nhân không tiếp cận được. Những công nghệ trước đó nghiên cứu tế bào gốc tạo ra từ phôi mô mỡ, mô da, tủy xương… Nhưng chỉ có bệnh nhân của nước giàu mới tiếp cận được, trong khi ¾ dân số thế giới sống ở trong các quốc gia đang phát triển, có mức thu nhập trung bình, không thể chịu được chi phí điều trị hàng trăm nghìn đô la…”

Phát minh về công nghệ tách, nuôi và bảo quản tế bào gốc từ màng dây cuống rốn của ông hiện được ứng dụng ở nhiều nơi trên thế giới.

“Tôi muốn làm ra những sản phẩm rẻ tiền mà lại tốt”. Ông lấy ví dụ về than hoạt tính. Than hoạt tính là một thứ rất lành, thậm chí ăn được (như ở Nhật người ta làm mì udon, hoặc đậu phụ than). Than hoạt tính có rất nhiều ứng dụng như chống nhiễm trùng da, thải độc đường ruột… Ông kể về một trường hợp cách đây không lâu, ông dùng thuốc (rất rẻ) từ cây cỏ lào để chữa loét hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân, đã có hiệu quả.

Ông cũng cho biết đang triển khai một trị liệu bằng chất chống đông máu EDTA. Thuốc này rất rẻ, và có một ứng dụng khác là chống nhiễm độc chì. Ở Việt Nam, EDTA được dùng điều trị nhiễm độc chì cấp tính. Nhưng nhiễm độc chì cấp tính hiện nay không nhiều, mà nhiễm độc chì mãn tính lại rất nhiều do ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, do khí thải của động cơ ôtô, xe máy… Chì sẽ nhiễm vào máu, bám vào thành mạch, rồi đến canxi, rồi đến mỡ… làm xơ cứng thành mạch, gây ra tắc mạch não và tim vv… Như vậy, điều trị nhiễm độc chì mãn tính cũng cần thiết không kém.

“Mục tiêu của tôi là chữa bệnh cho người nghèo, người có thu nhập trung bình. Làm sao để người thu nhập trung bình và trung bình thấp có thể tiếp cận được công nghệ và được điều trị sớm, tức là bảo dưỡng con người trong chương trình y học trường thọ, chứ không để đến mức bị suy và phải điều trị theo kiểu “ca mổ thành công nhưng bệnh nhân thì... dặt dẹo!”.

Hiện PGS BS Phan Toàn Thắng đang cùng các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu dùng các thuốc cũ điều trị những bệnh mới. Ví dụ như thuốc điều trị sốt rét, cơ chế của nó là bẻ gãy ADN của ký sinh trùng sốt rét, thì cũng trên cơ sở đó có thể bẻ gãy ADN của trùng lao, và cũng với cơ chế ấy có thể điều trị được ung thư. “Tôi quan tâm tập trung vào phát triển những sản phẩm thuốc mà có chi phí thấp và hiệu quả cao”.

Ông cũng rất quan tâm đến chữa bệnh bằng thảo dược theo y học cổ truyền của Việt Nam. Xu hướng hiện nay trên thế giới là điều trị tự nhiên, kết hợp Đông y và Tây y. “Tôi rất quan tâm đến y học tái tạo mà thực chất cái cốt lõi của Đông y chính là y học tái tạo. Đông y can thiệp sớm, dùng những chất tự nhiên để cân bằng lại hệ vi khuẩn, và chăm sóc sức khỏe tinh thần như thực hành thiền, yoga…”

Thay đổi quan niệm về chảy máu chất xám!

Khi được hỏi về việc có nhiều nhà khoa học Việt Nam ra nước ngoài sống và làm việc, PGS BS Phan Toàn Thắng nêu quan điểm: “Chúng ta sống trong thời đại toàn cầu hóa và khái niệm chảy máu chất xám trở nên lạc hậu rồi. Chất xám mà không được phát huy thì thật là lãng phí. Người ta có thể ra nước ngoài, học hỏi, có danh phận, có mạng lưới, có những điều kiện tốt rồi, thì có thể quay trở lại giúp trong nước bằng rất nhiều hình thức. Có thể sử dụng Việt Nam như nơi sản xuất, nơi triển khai các sản phẩm dịch vụ cho con người, từ đó bệnh nhân người Việt Nam được hưởng lợi, đồng thời anh cũng đào tạo được luôn lực lượng mới trong lĩnh vực đó. Khi anh ra ngoài, có thành tựu, thì cũng có thể làm “đại sứ” cho chính quốc gia quê hương mình. Có mạng lưới, có nhóm, có quan hệ, sẽ thuận lợi hơn. Chứ không phải chỉ ở trong nước mới chính là cống hiến. Và dù ở nước ngoài, con người có nguồn cội để hướng về. Như các con tôi, cũng cho học tiếng Việt, văn hóa Việt...”

Hiện nay đã định cư và làm việc ở nước ngoài nhưng ông vẫn tham gia giảng dạy khi được các trường trong nước mời, để giao lưu với các bác sĩ trẻ, nghiên cứu sinh, để trao đổi về học thuật. Với những bệnh nhân nghèo, những gia đình quá khó khăn ở trong nước, ông vẫn thường xuyên giúp đỡ họ. “May là tôi thành công trong khoa học cũng như kinh tế, nên cũng có điều kiện để giúp mọi người”.

Bản thân ông sống rất giản tiện. Ăn ngày một bữa, đi bộ hoặc đi bằng phương tiện công cộng. Theo ông, rất nên có lối sống lành mạnh như người Bắc Âu hoặc Nhật Bản: con người sống tối giản, không phô trương, nhưng rất có trách nhiệm với xã hội và với môi trường, luôn vì cộng đồng, vì cái chung, vì thế hệ tương lai sau này. Bên cạnh đó, những gì họ đưa vào cơ thể thì rất tinh, rất lành.

Dịp Tết, ông đều thu xếp về thăm người thân, thăm mẹ già ở Hà Nội. Nói về sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, ông rất lạc quan: Đất nước đã có những bước phát triển rất tốt, vị thế lên dần trong Đông Nam Á và thế giới. Với tư duy và sự quyết tâm của lãnh đạo Việt Nam hiện tại, hy vọng vài năm tới Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc.

Ông cũng bày tỏ một mong muốn: Việt Nam sớm có hành lang pháp lý về trị liệu y học tiên tiến như gene hay tế bào. “Trong khi Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu người ta đã có luật và chúng ta có thể tham khảo. Chính vì thiếu hành lang pháp lý cho nên nhiều nhóm bệnh nhân có nhu cầu lại sang Nhật, sang Thái điều trị”.

Thúy Hoa/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/nguoi-viet/cha-de-cua-cong-nghe-te-bao-goc-tu-day-ron-dung-thuoc-cu-dieu-tri-benh-moi-post1148670.vov
Zalo