CEO Perplexity nói về cuộc đua trình duyệt AI: 'Google phải chấp nhận đau đớn'
Aravind Srinivas, Giám đốc điều hành Perplexity, cho rằng Google cần xem lại lập trường của mình ở cuộc đua trình duyệt tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Perplexity là công ty Mỹ nổi bật trong lĩnh vực tìm kiếm AI và đang được Apple xem xét mua lại.
Trong một buổi hỏi đáp Ask Me Anything trên mạng xã hội Reddit mới đây, Aravind Srinivas nói rằng mô hình kinh doanh của Google đang mâu thuẫn với xu hướng các tác tử AI trỗi dậy.
Tác tử AI là hệ thống hoặc chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện các tác vụ tự động bằng cách sử dụng AI. Tác tử AI có khả năng tương tác với môi trường, thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, ra quyết định và thực hiện các hành động dựa trên mục tiêu được đặt ra. Đây là loại công nghệ cung cấp sức mạnh cho trình duyệt dựa trên AI như Comet của Perplexity, vừa trình làng tuần trước.

Trình duyệt Comet ra mắt tuần trước - Ảnh: Internet
Hoạt động cốt lõi của Google dựa vào việc hiển thị quảng cáo cho người dùng và tính phí với nhà tiếp thị khi có người nhấp chuột vào đó. Thế nhưng, các tác tử AI được tích hợp vào trình duyệt web giờ đây có thể tự duyệt, so sánh và thậm chí đưa ra quyết định thay cho người dùng. Điều đó đồng nghĩa với việc có ít người xem quảng cáo hơn và số lượng nhấp chuột vào quảng cáo sẽ giảm đi.
"Họ bị ràng buộc bởi mô hình kinh doanh, không thể để các tác tử AI thực hiện các cú nhấp chuột và làm việc thay bạn, trong khi vẫn tính phí cao với các nhà quảng cáo về các lượt nhấp chuột và chuyển đổi", Aravind Srinivas viết.
Nhấp chuột và chuyển đổi là hành động có giá trị mà nhà tiếp thị mong muốn người dùng thực hiện sau khi nhấp vào quảng cáo, có thể là mua hàng, đăng ký tài khoản, điền mẫu thông tin, gọi điện, tải ứng dụng...
"Google không thể phát triển tác tử AI mạnh mẽ vì tổn hại đến nguồn thu chính"
Dù Google đã thử nghiệm một số công cụ giống như tác tử AI, Aravind Srinivas cho rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ không thể phát triển hoặc mở rộng chúng một cách mạnh mẽ, vì điều đó có thể làm tổn hại đến nguồn thu chính của họ là quảng cáo.
"Đến một lúc nào đó, Google cần chọn một con đường và chấp nhận đau đớn, để rồi trở nên mạnh mẽ hơn, thay vì tiếp tục đứng giữa hai dòng nước", Giám đốc điều hành Perplexity cho biết thêm.
Ngoài ra, nhà khoa học máy tính người Ấn Độ 31 tuổi còn chỉ trích cấu trúc nội bộ của Google. "Đó là một tổ chức quan liêu khổng lồ với quá nhiều người ra quyết định và các nhóm rời rạc", ông nhận xét.

Aravind Srinivas cho rằng Google phải hy sinh doanh thu để không bị bỏ lại trong cuộc đua trình duyệt AI - Ảnh: Getty Images
Theo báo cáo thường niên, Alphabet (công ty mẹ của Google) có khoảng 183.300 nhân viên và tạo ra khoảng 350 tỉ USD doanh thu trong năm ngoái. Riêng mảng Google Search mang lại 198,1 tỉ USD, nhờ sự tăng trưởng trong lượng người dùng và chi tiêu quảng cáo.
Ngược lại, Leonid Persiantsev (trưởng bộ phận sản phẩm của trình duyệt Comet) cho biết trên Reddit rằng đội ngũ Perplexity được giữ ở quy mô nhỏ "để linh hoạt và phản ứng nhanh".
"Tác tử AI hoạt động vì lợi ích của người dùng, không phải nhà quảng cáo"
Aravind Srinivas thừa nhận rằng Comet sẽ không tồn tại nếu không có Chromium, dự án trình duyệt mã nguồn mở do Google duy trì. Thế nhưng, ông nói rằng Perplexity đang đặt cược vào một tầm nhìn khác, nơi các tác tử AI hoạt động vì lợi ích của người dùng chứ không phải nhà quảng cáo.
"Chúng tôi đã đánh giá thấp mức độ sẵn lòng chi trả của người dùng. Chúng tôi cũng muốn mang đến một sự thay đổi cho thế giới này. Sự độc quyền của Google đã quá đủ rồi", Aravind Srinivas nói khi được hỏi về việc Perplexity chuyển hướng khỏi mô hình quảng cáo.
Hiện tại, trình duyệt Comet chỉ được cung cấp theo lời mời và dành riêng cho người dùng gói cao cấp nhất của Perplexity, với giá 200 USD mỗi tháng hoặc 2.000 USD mỗi năm. Công ty khởi nghiệp AI này cho biết sẽ ra mắt phiên bản miễn phí của Comet.
Các hãng công nghệ lớn sẽ "sao chép bất cứ thứ gì tốt"
Aravind Srinivas kỳ vọng Google sẽ "theo dõi sát sao" và cuối cùng sẽ sao chép hoặc tích hợp các tính năng từ Comet.
Ông dẫn chứng nỗ lực nội bộ của Google, có tên Project Mariner, là "tương tự nhưng bị giới hạn khá nhiều" so với Comet.
Tại một sự kiện của Y Combinator hồi tháng 6, Aravind Srinivas từng nói rằng các công ty lớn sẽ "sao chép bất cứ thứ gì tốt".
"Nếu công ty bạn tạo ra doanh thu hàng trăm triệu USD hoặc thậm chí hàng tỉ USD, bạn nên luôn mặc định rằng một công ty lớn nào đó sẽ sao chép nó", doanh nhân này nói trong một buổi trò chuyện được đăng lên kênh YouTube của Y Combinator cuối tuần qua.
Y Combinator là một vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Mỹ.
Jesse Dwyer, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Perplexity, chia sẻ với trang Insider rằng các công ty lớn không chỉ sao chép mà còn "sẽ làm mọi cách để dìm tiếng nói của bạn".
Perplexity ra mắt trình duyệt Comet vào ngày 9.7. Cùng ngày, Reuters đưa tin OpenAI cũng đang phát triển một trình duyệt web nhằm cạnh tranh với Google Chrome.
"Cuộc chiến trình duyệt nên được quyết định bởi người dùng. Nếu người dùng lại bị mất quyền lựa chọn thì đó sẽ là do một hãng công nghệ khổng lồ lặp lại bài cũ: Dùng thế độc quyền để ép chúng ta phải dùng sản phẩm của họ, bất chấp chất lượng hay sự cạnh tranh", Jesse Dwyer bình luận.
“Việc cài sẵn Google Chrome đang cản trở sự cạnh tranh công bằng”
Chỉ vài ngày sau khi ra mắt Comet, Aravind Srinivas đã chỉ trích mạnh mẽ cách Google kiểm soát trải nghiệm trình duyệt trên Android.
Theo ông, việc cài sẵn Google Chrome trên hầu hết thiết bị Android đang cản trở sự cạnh tranh công bằng và hạn chế lựa chọn người dùng.
Nhà khoa học máy tính này nhấn mạnh rằng người dùng Android nên được quyền chọn trình duyệt mặc định khi thiết lập thiết bị, thay vì bị buộc phải sử dụng Chrome.
Giám đốc điều hành Perplexity đề xuất một màn hình lựa chọn trình duyệt rõ ràng, hiển thị các tùy chọn như Firefox, Microsoft Edge, Brave và cả Comet.
Hình ảnh mô phỏng giao diện mà ông chia sẻ khiến nhiều người liên tưởng đến "lá phiếu trình duyệt" từng được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng trên Windows, trong một vụ việc chống độc quyền đình đám với Microsoft.
Thời điểm phát biểu không phải ngẫu nhiên. Perplexity vừa giới thiệu Comet như nền tảng kết hợp duyệt web và tra cứu thông tin thông minh theo hướng hội thoại. Comet được định hướng không chỉ như một trình duyệt mà là trợ lý tìm kiếm tích hợp, thách thức trực tiếp cách vận hành truyền thống do Chrome thống trị.
Song theo Aravind Srinivas, các trình duyệt mới dù sáng tạo đến đâu vẫn khó tiếp cận người dùng Android khi Chrome luôn là lựa chọn mặc định.
Google lâu nay đã bị cáo buộc sử dụng Android để củng cố hệ sinh thái của mình, từ Google Search đến Play Store và Chrome.
Dù phải điều chỉnh tại EU do sức ép từ các cơ quan chống độc quyền, các sản phẩm Google vẫn giữ ưu thế ngay từ lúc người dùng mở máy ở nhiều khu vực khác.
Lời kêu gọi của Aravind Srinivas phản ánh một câu hỏi lớn hơn trong kỷ nguyên AI: Ai sẽ kiểm soát cánh cổng thông tin cá nhân của người dùng? Khi trình duyệt ngày càng gắn chặt với AI và tác vụ cá nhân hóa, lựa chọn công cụ truy cập web sẽ không chỉ là vấn đề thói quen mà là quyền tự quyết về cách tương tác với công nghệ.
Comet vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng lời cảnh báo từ Giám đốc điều hành Perplexity đã thắp lên cuộc tranh luận mới về tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong thế giới công nghệ đang dịch chuyển nhanh chóng.
Trình duyệt của OpenAI có gì để thách thức Google Chrome?
Reuters cho biết trình duyệt của OpenAI dự kiến sẽ ra mắt vài tuần tới, với mục tiêu sử dụng AI để thay đổi căn bản cách người dùng lướt web. Đây sẽ là một bước đi giúp OpenAI tiếp cận trực tiếp hơn với dữ liệu người dùng - yếu tố cốt lõi làm nên thành công cho Google thuộc Alphabet.
Nếu được lượng người dùng ChatGPT hiện có (hơn 500 triệu người hoạt động hàng tuần) đón nhận, trình duyệt của OpenAI có thể gây áp lực lớn lên Chrome - trụ cột trong cỗ máy kiếm tiền từ quảng cáo của Google.
Chrome đóng vai trò then chốt trong hoạt động quảng cáo của Alphabet (vốn chiếm gần 3/4 doanh thu của tập đoàn này), nhờ khả năng cung cấp thông tin người dùng giúp Google nhắm quảng cáo hiệu quả và sinh lợi hơn, đồng thời mặc định dẫn lưu lượng truy cập về công cụ tìm kiếm của hãng.
Hai nguồn tin của Reuters tiết lộ rằng trình duyệt từ OpenAI được thiết kế để giữ một phần tương tác của người dùng trong giao diện trò chuyện giống ChatGPT, thay vì chuyển hướng đến các trang web như cách truyền thống.
Một nguồn tin khác cho biết trình duyệt này nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của OpenAI nhằm tích hợp các dịch vụ riêng vào cả đời sống cá nhân lẫn công việc người dùng.
Trình duyệt của OpenAI được xây dựng trên nền tảng Chromium - mã nguồn mở do chính Google phát triển. Chromium cũng là nền tảng của nhiều trình duyệt khác, gồm cả Comet, Microsoft Edge hay Opera.
Năm ngoái, OpenAI đã tuyển dụng hai cựu phó chủ tịch lâu năm từ Google, đều từng là một phần trong nhóm ban đầu phát triển Chrome.
Trong phiên điều trần hồi tháng 4, Nick Turley (Giám đốc sản phẩm OpenAI) nói rằng công ty sẽ quan tâm đến việc mua lại Chrome nếu các cơ quan chống độc quyền buộc Google phải bán trình duyệt này. Hiện Google chưa có kế hoạch bán Chrome và cho biết sẽ kháng cáo phán quyết về việc độc quyền.
OpenAI quyết định phát triển trình duyệt riêng, thay vì chỉ xây dựng một plug-in tích hợp trên trình duyệt của công ty khác, nhằm có quyền kiểm soát tốt hơn với dữ liệu mà họ có thể thu thập.
Theo các nguồn tin, việc ra mắt trình duyệt sẽ cho phép OpenAI tích hợp trực tiếp các sản phẩm AI dạng tác tử như Operator vào trải nghiệm duyệt web, giúp trình duyệt có thể thực hiện các tác vụ thay người dùng. Đầu năm nay, OpenAI giới thiệu Operator là tác tử AI dựa trên mô hình GPT-4o, có thể thực hiện các chức năng đa phương thức, chẳng hạn khả năng tìm kiếm trên web và phân tích, hiểu được lý do tại sao các kết quả này phù hợp hoặc có liên quan đến câu hỏi hoặc mục đích tìm kiếm.
Trình duyệt do OpenAI phát triển có quyền truy cập vào hoạt động duyệt web của người dùng, biến nó thành nền tảng lý tưởng để triển khai các tác tử AI có thể thực hiện thay người dùng các hành động như đặt chỗ hoặc điền biểu mẫu trực tiếp trên website.
OpenAI sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn vì Google Chrome hiện có hơn 3 tỉ người dùng và đang chiếm hơn 2/3 thị phần trình duyệt toàn cầu, theo công ty phân tích web StatCounter. Trình duyệt Safari của Apple xếp thứ hai nhưng chỉ nắm 16% thị phần. Tháng trước, OpenAI thông báo đã có 3 triệu người dùng doanh nghiệp trả phí cho ChatGPT.
Vai trò của Chrome trong việc cung cấp thông tin người dùng giúp Alphabet nhắm quảng cáo hiệu quả thành công đến mức Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu công ty mẹ Google thoái vốn khỏi trình duyệt này. Động thái đó đến sau khi một thẩm phán Mỹ năm ngoái tuyên rằng Alphabet nắm giữ thế độc quyền bất hợp pháp trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.
Dưới sự điều hành của doanh nhân Sam Altman, OpenAI đã gây chấn động ngành công nghệ với việc phát hành chatbot ChatGPT vào tháng 11.2022. Sau những thành công ban đầu, OpenAI hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Google, Anthropic, Meta Platforms và DeepSeek, nên đang tìm kiếm các hướng phát triển mới.
Hồi tháng 5, OpenAI thông báo sẽ bước chân vào lĩnh vực phần cứng với thương vụ trị giá 6,5 tỉ USD để mua lại io - công ty khởi nghiệp về thiết bị AI do Jony Ive (cựu giám đốc thiết kế của Apple) sáng lập. OpenAI và Jony Ive (huyền thoại thiết kế iPhone, iPad) sẽ hợp tác phát triển thiết bị AI mới, dự kiến ra mắt vào năm 2026, mà Sam Altman tự tin sẽ bán được 100 triệu chiếc nhanh nhất lịch sử.
Ngoài ra, OpenAI có kế hoạch thu phí hoa hồng từ các giao dịch mua hàng trực tuyến được thực hiện trực tiếp qua ChatGPT khi đang tìm cách phát triển thêm các tính năng thương mại điện tử để tìm kiếm nguồn doanh thu mới.