CEO OpenAI: Quy định giám sát AI là 'thảm họa' với vị thế công nghệ của Mỹ
Phát biểu mới nhất của Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 8.5 đã đánh dấu sự thay đổi rõ rệt trong quan điểm của giới công nghệ về việc quản lý trí tuệ nhân tạo (AI).
Hai năm trước, ông Altman từng thúc giục thành lập một cơ quan liên bang để cấp phép công nghệ AI thì hiện tại ông cảnh báo rằng yêu cầu chính phủ chấp thuận trước khi phát hành các mô hình AI mạnh mẽ sẽ là “thảm họa” đối với vị thế công nghệ của Mỹ.

CEO OpenAI Sam Altman trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hôm 8.5 - Ảnh: Washington Post
Thay đổi quan điểm về AI
Theo Washington Post, sự đảo chiều này phản ánh chuyển biến sâu sắc trong cách tiếp cận của các công ty công nghệ cũng như các nhà hoạch định chính sách Mỹ đối với AI. Những lo ngại trước đây về "rủi ro hiện hữu" của AI đối với nhân loại đang dần bị thay thế bởi các ưu tiên phát triển nhanh, nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của Mỹ trước các đối thủ.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Chủ tịch Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông Thượng viện Mỹ, phát biểu tại phiên điều trần: “Để dẫn đầu về AI, Mỹ không thể cho phép các quy định dù là nhẹ nhàng nhưng lại kìm hãm sự đổi mới”. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các giám đốc điều hành công nghệ và chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump.
Trong chính quyền hiện tại, nhiều nhân vật từng là nhà đầu tư mạo hiểm hoặc giám đốc điều hành công nghệ đang giữ các vị trí chủ chốt. Phó tổng thống JD Vance, một cựu nhà đầu tư mạo hiểm, đã trở thành người ủng hộ chính sách AI tự do hóa cả trong và ngoài nước.
Phản ứng trái chiều
Tuy nhiên, xu hướng này không tránh khỏi những lời chỉ trích. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng hệ thống AI có thể tái tạo các định kiến từ dữ liệu huấn luyện, dẫn đến phân biệt đối xử. Ngoài ra, công nghệ này đã bị lạm dụng để tạo ra hình ảnh khiêu dâm giả mạo và hình ảnh lạm dụng trẻ em. Một đạo luật lưỡng đảng, được quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 4, đã hình sự hóa hành vi phát tán nội dung khiêu dâm không có sự đồng thuận bao gồm cả hình ảnh do AI tạo ra.
Rumman Chowdhury, cựu đặc phái viên về AI của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden và hiện là CEO tổ chức Humane Intelligence, chỉ trích rằng ngành công nghệ đã sử dụng chiến lược "mồi nhử và đánh lạc hướng". Theo bà, các lãnh đạo công nghệ thổi phồng nguy cơ AI tự sao chép để né tránh quy định thực tế, đồng thời khơi gợi nỗi lo an ninh quốc gia, điều mà chính phủ Mỹ khó có thể làm ngơ.
Từ năm 2022, cuộc đua phát triển AI tăng tốc sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT. Làn sóng đầu tư và nghiên cứu AI không chỉ đi kèm kỳ vọng mà còn kéo theo nỗi lo về hệ quả lâu dài.
Một số nhân sự trong ngành đã hình thành phong trào “an toàn AI”, kêu gọi kiểm soát các hệ thống siêu thông minh trong tương lai. Hàng trăm chuyên gia công nghệ, trong đó có Altman, từng ký tên vào tuyên bố năm 2023 khẳng định rằng rủi ro tuyệt chủng do AI gây ra nên được xem là ưu tiên toàn cầu tương đương với chiến tranh hạt nhân hay đại dịch.
Nỗi lo siêu trí tuệ nhanh chóng lan đến giới hoạch định chính sách. Các tỷ phú như Dustin Moskovitz (đồng sáng lập Facebook) và Jaan Tallinn (đồng sáng lập Skype) đã tài trợ cho các nhóm nghiên cứu và vận động chính sách nhằm nâng cao nhận thức về rủi ro AI.
‘Buông lỏng’ giám sát AI
Tại hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu tổ chức tại Anh vào tháng 11.2023, cựu Phó tổng thống Kamala Harris khi đó tuyên bố rằng cần quản lý toàn diện các mối đe dọa của AI từ rủi ro cho nhân loại đến những ảnh hưởng đối với cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, tới hội nghị kế tiếp tổ chức tại Paris vào năm nay, giọng điệu đã thay đổi. Thông cáo chung sau hội nghị ít đề cập tới an toàn AI hơn hội nghị trước, thay vào đó nhấn mạnh việc thúc đẩy phát triển AI thông minh hơn. Phó tổng thống JD Vance trong bài phát biểu tại đây cảnh báo rằng quy định thái quá có thể “giết chết” một ngành công nghiệp đang bùng nổ.
Một trong những hành động đầu tiên sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ sắc lệnh hành pháp về AI của người tiền nhiệm Joe Biden gồm việc yêu cầu các công ty thử nghiệm và báo cáo độ an toàn của các mô hình AI mạnh nhất. Chính quyền Trump cũng rút lại kế hoạch kiểm soát xuất khẩu chip AI, cho rằng quy định như vậy có thể cản trở lợi thế công nghệ của Mỹ.
Giới công nghệ nhanh chóng thích nghi với quan điểm mới của chính quyền. Chủ tịch Microsoft Brad Smith, từng ủng hộ thành lập cơ quan giám sát AI vào năm 2023, nay lại đề xuất một khuôn khổ pháp lý “nhẹ nhàng”. Ông cho biết một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc xây dựng trung tâm dữ liệu AI tại Mỹ là quy trình xin phép kéo dài liên quan đến đất ngập nước.
Một số công ty lớn đã thay đổi lập trường một cách rõ rệt. Google DeepMind, đơn vị nghiên cứu AI của Google, gần đây đã xóa bỏ cam kết không phát triển công nghệ phục vụ quân sự hoặc giám sát. OpenAI, Meta và Anthropic cũng đã cập nhật chính sách để cho phép hợp tác trong các dự án quốc phòng.
Max Tegmark, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là chủ tịch tổ chức Future of Life Institute, nhận định rằng việc không có quy định nghiêm ngặt về AI tại Mỹ là điều “phi lý”. Ông so sánh: “Nếu một tiệm bánh sandwich muốn bán hàng, họ phải đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh. Trong khi đó, các công ty AI có thể phát hành siêu trí tuệ mà không chịu ràng buộc nào”.
Tegmark và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục vận động cho việc quản lý AI. Hội nghị của các nhà nghiên cứu an toàn AI diễn ra tại Singapore tháng trước là một trong những nỗ lực nhằm khơi lại mối quan tâm về rủi ro dài hạn. Tổ chức của Tegmark cho rằng hội nghị tại Singapore là bước tiến tích cực sau sự “thất vọng” tại hội nghị Paris.
Khi được hỏi về cách khơi lại ý chí chính trị trong vấn đề AI, ông Tegmark cho rằng “cách duy nhất là tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu khoa học, minh bạch và độc lập”.