CEO Mai Kiều Liên: 'Tương lai Vinamilk đang rất sáng'
Tại ĐHĐCĐ 2025 của Vinamilk, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên đã khẳng định triển vọng tích cực của doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều biến động vĩ mô và thách thức ngành. Với chiến lược đổi mới toàn diện từ sản phẩm, phân phối đến chuyển đổi số, cùng kết quả kinh doanh khả quan trong quý I, Vinamilk đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Ngày 25/4, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM - sàn HOSE) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Tại sự kiện, công ty đã công bố những kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024, cùng với các định hướng chiến lược và kế hoạch tài chính cho năm 2025.
Chia cổ tức 43,5%
Trong năm 2024, Vinamilk đạt tổng doanh thu hợp nhất 61.824 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 2,2% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 9.453 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Đây là kết quả của việc khôi phục đà tăng trưởng ở cả thị trường trong nước và quốc tế, trong đó hoạt động kinh doanh tại nước ngoài ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam chỉ tăng trưởng 2,3% - mức cải thiện nhẹ so với mức 1,1% của năm 2023 – Vinamilk vẫn duy trì hiệu quả vận hành ổn định.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của VNM
Mảng xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh tài chính của Vinamilk. Năm 2024, doanh thu thuần từ xuất khẩu đạt 5.664 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm trước. Đáng chú ý, các thị trường truyền thống và chiến lược đều có đóng góp tích cực. Trong quý I/2025, hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của sáu quý liên tiếp trước đó, với kỳ vọng đạt mức tăng hai con số. Đặc biệt, Vinamilk đã bước đầu đưa được sản phẩm sữa đặc vào thị trường châu Âu, mở ra cơ hội mới cho hoạt động kinh doanh quốc tế. Tính từ năm 1997 đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu sang 63 quốc gia, với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế vượt mốc 3,4 tỷ USD.
Căn cứ vào kết quả thực tế và các mục tiêu chiến lược, Vinamilk đặt ra kế hoạch năm 2025 với kỳ vọng doanh thu hợp nhất đạt 64.505 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 12.102 tỷ đồng, tăng tương ứng 4,3%. Về chính sách cổ tức, công ty dự kiến chia tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất dưới hình thức tiền mặt, được chi trả từ phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính quý gần nhất.
Đại hội cổ đông cũng đã thông qua việc hoàn nhập toàn bộ số dư của Quỹ đầu tư phát triển trên báo cáo tài chính riêng lẻ ngày 31/12/2024 vào khoản lợi nhuận chưa phân phối, đồng thời ngừng trích lập quỹ này kể từ năm 2025. Công ty sẽ điều chỉnh điều lệ để phù hợp với thay đổi nói trên.
Đối với năm tài chính 2024, cổ đông đã thông qua mức chia cổ tức bằng tiền mặt là 43,5%, cao hơn 5% so với năm 2023. Tổng giá trị cổ tức chi trả cho cổ đông lên tới hơn 9.091 tỷ đồng, tương ứng 108% phần lợi nhuận sau thuế phân bổ cho chủ sở hữu.
Thị trường sữa trẻ em đối mặt với thách thức
Chia sẻ tại đại hội, bà Mai Kiều Liên – Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamilk – nhấn mạnh rằng năm 2025 dự kiến sẽ có nhiều biến động từ môi trường kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Vinamilk đã có sự chuẩn bị từ trước với chiến lược đổi mới toàn diện trong năm 2024. Từ cải tiến sản phẩm, nâng cấp dịch vụ, tiếp cận khách hàng, đến số hóa hệ thống vận hành và đầu tư cho công nghệ, nhân lực – công ty đã tạo nền tảng vững chắc để thích ứng nhanh chóng và duy trì đà tăng trưởng.
Trước những lo ngại của cổ đông về tác động của các chính sách thuế mới từ các nước đối tác thương mại, bà Liên thừa nhận đây là một trong những thách thức lớn với hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, xu hướng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cũng có thể ảnh hưởng đến ngành sữa nói chung. Theo bà, chỉ khi tâm lý tiết kiệm giảm bớt, thị trường tiêu dùng mới có cơ hội phục hồi mạnh mẽ.
Phân khúc sữa dành cho trẻ em hiện đang chịu tác động tiêu cực từ hai yếu tố chính: tỷ lệ sinh thấp và sự thay đổi trong thói quen chăm sóc trẻ nhỏ. Chính sách nghỉ thai sản kéo dài đã khuyến khích các bà mẹ cho con bú lâu hơn, dẫn đến giảm nhu cầu sử dụng sữa công thức. Bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh, đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng riêng Vinamilk mà là bài toán chung của toàn ngành, đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm ra hướng đi mới phù hợp với thay đổi của xã hội.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, bà Liên cho biết tình hình kinh doanh tháng 4/2025 đang có nhiều chuyển biến tích cực, với doanh số tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là nhờ việc cải tổ hệ thống phân phối trong quý I, bao gồm việc thay mới một số nhà phân phối và tuyển dụng đội ngũ bán hàng mới. Ước tính riêng trong tháng 4/2025, doanh thu của Vinamilk tăng trưởng hai con số so với tháng 4/2024.
Về vấn đề giá thành sản phẩm, bà Liên cho biết chi phí nhập khẩu nguyên liệu năm nay dự kiến tăng khoảng 4,2%. Tuy nhiên, trong quý I, giá bán chỉ được điều chỉnh tăng hơn 2%, và cả năm dự kiến mức tăng giá trung bình của các sản phẩm sữa chỉ quanh mức 3%.
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm hai thành viên Hội đồng quản trị là ông Lee Meng Tat và ông Hoàng Ngọc Thạch. Đồng thời, hai nhân sự mới được bổ sung là ông Vũ Trí Thức – đại diện của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đơn vị đang nắm giữ 36% cổ phần; và bà Tongjai Thanachanan – đại diện của nhóm cổ đông F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&NBev Manufacturing Pte Ltd, đang sở hữu 20,39% cổ phần tại Vinamilk.