Cây 'thế trận lòng dân' phủ xanh vùng đất lửa
Vòng đời của một cây cao su sẽ cho mủ trung bình khoảng 24 năm, nếu chăm sóc tốt và khai thác đúng kỹ thuật có thể kéo dài đến 30 năm.
Gần tròn một chu kỳ sinh trưởng của cây cao su, cũng là ngần ấy thời gian Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 78 gắn bó với vùng Mặt trận B3 nóng bỏng năm nào, đem loài cây này phủ xanh vùng đất lửa.
Với những giá trị mà cây cao su mang lại, có thể gọi đây là cây “thế trận lòng dân”.
Hành trình cây cao su lên vùng căn cứ cách mạng
Đoàn KT-QP 78 thuộc Binh đoàn 15, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với kinh tế, kinh tế kết hợp với quốc phòng và xây dựng tổ chức cơ sở vững mạnh về quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giao thuộc huyện Sa Thầy và huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum).
Đây là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến giải phóng dân tộc, địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, cũng là vùng biên giới đặc biệt khó khăn, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, giao thông không thuận lợi.
Đại tá Nguyễn Trường Vinh, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 78 cho biết, những năm Đoàn mới thành lập, khi mùa mưa đến, nơi đây được ví như một “ốc đảo”, nước sông Sa Thầy dâng cao chia cắt giao thông; lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh phục vụ đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và vật tư phân bón phục vụ nhiệm vụ sản xuất... đều phải dự trữ cho 6 tháng mùa mưa.
Các đội sản xuất của đơn vị đã vượt nắng thắng mưa, dầm mình trong đất đỏ Tây Nguyên, đưa những mầm cây cao su đến với mảnh đất này.
Trồng đã khó, làm sao để cây cao su sống và phát triển lại càng khó hơn, tỷ lệ bị nai rừng phá có lô lên tới mấy chục cây khiến công nhân không khỏi xót xa.
Với phương châm “phát triển cây cao su đến đâu chắc đến đó, chú trọng chất lượng không chạy theo số lượng”, Đoàn nhanh chóng xác định chỉ tiêu trồng mới hằng năm cây sống phải đạt 100% và cây 2 tầng lá đạt 95% trở lên, bởi đây là điều tiên quyết về mật độ phủ suốt vòng đời cây cao su, khi cây đã lớn là không thể trồng dặm.
Anh Lương Đỗ Sinh, sinh năm 1979, công nhân Đội sản xuất số 3, thuộc thế hệ tiên phong mở đường. Lô cao su 22 mà anh đang chăm sóc, khai thác hiện nay chính là lô vợ chồng anh đã chăm từ ngày những mầm cây mới 1, 2 tuổi như những đứa trẻ bấy bớt, bây giờ đã cho khai thác mủ được gần 20 năm.
Suốt gần 20 năm, anh đã thay không biết bao nhiêu con dao cạo mủ, từ dao ngắn cho miệng cạo dưới, đến nay, trên tay anh Sinh đã là con dao cán dài hơn một mét dùng cho miệng cạo trên, nơi phải với hết tầm dao ngược thân cây mới tới. Hiện anh là Tổ trưởng Tổ sản xuất số 5, là thợ cạo giỏi nhiều năm của Đoàn, có sản lượng mủ cao su dẫn đầu toàn đội.
Nhìn những cánh rừng bạt ngàn tăm tắp thân cây ngay hàng thẳng lối, tôi cảm giác không thể đi hết các lô cao su triền miên của những người lính trên dải đất Tây Nam tỉnh Kon Tum này.
Từ những ngày "khai thiên lập địa" ấy, đến nay, Đoàn KT-QP 78 đang quản lý, chăm sóc hơn 3.200ha cao su. Chất lượng vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất sản lượng mủ cao su của đơn vị hằng năm tăng cao, từ 2,13 tấn đến 2,546 tấn, dẫn đầu toàn Binh đoàn và khu vực Tây Nguyên.
Cao su trồng đến đâu, thôn bản lan tới đó
Tuy nhiên, giá trị lớn nhất mà Đoàn KT-QP 78 mang lại là thực hiện có hiệu quả mục tiêu kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển dân cư xã hội, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần tạo lập thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Có thể nói, cây cao su đã là tiền đề giúp Đoàn gieo mầm cho công tác này.
Trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, phát triển sản xuất gắn với quy hoạch khu dân cư theo quy hoạch của địa phương.
“Đơn vị chắt chiu từng đồng lợi nhuận, cùng với sự đóng góp ân tình của cán bộ, chiến sĩ, người lao động, đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm bảo đảm phục vụ sản xuất, an sinh xã hội, điển hình như xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở, sân vận động, sân khấu ngoài trời, các công trình văn hóa-thể thao, xây nhà nghĩa tình 78...”,
Đại tá Nguyễn Văn Mười, Bí thư Đảng ủy Đoàn KT-QP 78 chia sẻ. Kiên trì, bền bỉ suốt gần 30 năm, Đoàn đã tạo ra các điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên vành đai biên giới hai huyện Sa Thầy và Ia H’drai.
Có mặt tại Đội sản xuất số 11, tôi được Đại úy QNCN Đậu Quang Hưng, Đội trưởng giới thiệu với anh chị em công nhân người Rơ Măm khi họ chuẩn bị vào lô thu mủ cao su. Toàn đội có 77 công nhân, trong đó có tới 13 công nhân là người dân tộc thiểu số Rơ Măm.
Với nhiều biện pháp vận động tuyên truyền và trợ giúp khoa học, đến nay, cộng đồng người Rơ Măm tại làng Le, xã Mô Rai đã được nhân lên 187 hộ với 566 nhân khẩu. Đoàn KT-QP 78 là đơn vị đồng hành với đồng bào, động viên con em người Rơ Măm học tập, dạy nghề cho bà con, hướng dẫn các hộ dân phát triển kinh tế.
Những công nhân người Rơ Măm vào làm việc tại các đội sản xuất của Đoàn cũng được tạo điều kiện về chỗ ở trong khu tập thể xây dựng ngay trong khuôn viên trụ sở Đội sản xuất. Làng Le với các đội tự quản, tổ dân quân tự vệ đã góp phần giữ thế trận lòng dân, bộ đội và nhân dân cùng chung tay xây dựng cuộc sống bình yên.
Anh A Thái, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Le của người Rơ Măm chia sẻ, nhờ có bộ đội Đoàn KT-QP 78 mà người Rơ Măm đã hồi sinh, biết làm ăn, phát triển kinh tế, định cư ổn định và xây dựng làng bản ngày càng văn minh. Bản thân anh A Thái đã tốt nghiệp đại học luật, là điển hình trong phát triển kinh tế của cộng đồng người Rơ Măm.
Thực hiện phương châm vườn cao su phát triển đến đâu xây dựng cơ sở hạ tầng và dân cư xã hội đến đó, từ khi thành lập đến nay, Đoàn KT-QP 78 đã phối hợp chặt chẽ với địa phương tạo lập nên 18 cụm, điểm dân cư, tổ chức đưa bà con đến định canh, định cư trên các vùng đất trống, đặc biệt là khu vực biên giới.
Hiện nay, khu KT-QP mà Đoàn đảm nhiệm có hơn 1.600 hộ với gần 6.000 nhân khẩu bao gồm 18 dân tộc anh em, trong đó có những dân tộc bản địa như Gia Rai, Rơ Măm, Brâu, Xơ Đăng, Sơ Rá, Vân Kiều, Hà Lăng... cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết xây dựng thành điểm sáng nông thôn mới trên vùng biên cương của Tổ quốc.
25 năm, thời gian chưa phải là dài nhưng những gì mà các thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 làm được lớn nhất có lẽ là đã biến một vùng đất chứa đầy tàn tích chiến tranh thành những vườn cao su xanh ngát, những khu dân cư trù phú trên vùng vành đai biên giới.