'Cây số cuối cùng' trong cuộc trường chinh thống nhất

'Từ nay sẽ hết chiến tranh, đất nước hòa bình, thống nhất và chúng tôi sắp được trở về quê hương, về với gia đình và thực hiện tiếp những ước mơ còn dang dở...'

Hành quân thần tốc

50 năm trước, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt là chiến sĩ lái tăng thuộc Đại đội Xe tăng 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203, Quân đoàn 2. Ông là lính lái xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt bắt đầu câu chuyện từ những trận đánh đầu tiên của đơn vị ông trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Ngày 26.3.1975, đơn vị ông truy kích địch, giải phóng thành phố Huế, bắt giữ hàng nghìn tù binh, hàng binh. Cũng trong đêm đó, đơn vị nhận thông báo Đại đội Xe tăng 4 sẽ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

"Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại đội Xe tăng 4 nằm trong Thê đội 1 của binh đoàn thọc sâu đánh vào nội đô Sài Gòn với mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, do các đơn vị đánh “bóc vỏ” gặp khó khăn ở căn cứ Nước Trong, Long Thành, Đồng Nai, nên cấp trên rút đại đội tôi đi làm nhiệm vụ đó”, ông Nguyệt kể.

 Xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975. Nguồn: NVCC

Xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975. Nguồn: NVCC

Thời gian này, ông Nguyệt nhận được một món quà nhỏ của sinh viên Viện Đại học Vạn Hạnh, với đề tặng gửi các chiến sĩ giải phóng Sài Gòn. Bên trong gói quà có một bao thuốc lá, một bánh xà phòng thơm và một cuốn sổ tay nho nhỏ. Điều thú vị, trong cuốn sổ có một bản đồ du lịch Sài Gòn.

"Trước đó, do không thạo đường Sài Gòn, chúng tôi vẫn quen truyền miệng nhau: Sau khi vượt cầu Sài Gòn, qua ngã tư Hàng Xanh, đi theo đường Hồng Thập Tự, đến ngã tư thứ bảy rẽ trái sẽ đến dinh Độc Lập. Vậy là, tấm bản đồ trong gói quà giúp chúng tôi yên tâm hơn. Trưởng xe Nguyễn Đình Luông phân công nhiệm vụ cụ thể. Anh dõng dạc: Nguyễn Khắc Nguyệt bảo đảm xe đi đúng đường, tốc độ cao; pháo thủ Trương Đức Thọ phải ngắm bắn thật chính xác; pháo 2 Nguyễn Kim Duyệt nạp đạn kịp thời cho pháo thủ. Vào đến Dinh Độc Lập, tôi sẽ lên đóng cờ, anh em yểm hộ. Trường hợp tôi bị thương và hy sinh thì Duyệt và Thọ thay tôi”.

Về chiếc xe tăng 380 do mình điều khiển, ông Nguyệt nói “hơi đặc biệt”. “Chúng tôi được cấp trên rút ra tăng cường cho Đại đội Xe tăng 5 đánh căn cứ Nước Trong từ ngày 28.4. Trong trận đó, xe tôi bị trúng một quả đạn vào tháp pháo làm nóc quạt thông gió bị thủng, bay mất khẩu 12 ly 7, hỏng đại liên song song bên pháo, điện đài cũng hỏng... 4 thành viên trong xe thì pháo 2 hy sinh, trưởng xe bị thương nặng phải đi viện, chỉ còn pháo thủ và tôi nên được xếp vào đội hình Thê đội 2 - cơ động phía sau phân đội đi đầu vài trăm mét”.

Ngày 29.4, cùng với bộ binh, Đại đội Xe tăng 4 phá toang chốt chặn Nước Trong mở đường cho Quân đoàn thuận lợi tiến về Sài Gòn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị được đưa về làm dự bị cho Thê đội 1 của binh đoàn thọc sâu.

Tại chốt chặn đầu cầu Sài Gòn, một số xe tăng của Đại đội 1, Đại đội 3 bị bắn cháy, bắn hỏng hoặc dạt xuống vệ đường tránh đạn bị sa lầy, Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ hy sinh. Đơn vị rơi vào tình huống vô cùng bất lợi... Chấp hành mệnh lệnh của trên, Đại đội Xe tăng 4 đã chớp thời cơ, xông lên tiêu diệt xe tăng và các hỏa điểm địch, vượt cầu Sài Gòn tiến vào nội đô.

"Từ nay sẽ hết chiến tranh..."

Vào sâu trong thành phố, vì Thê đội 2 đi sau nên ông Nguyệt có điều kiện quan sát hành động chiến đấu của các xe đi trước, đồng thời thấy được không khí của nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng. Khi những chiếc xe đầu tiên vào thành phố, người Sài Gòn còn khép nép, rụt rè, đứng trong những con hẻm nhìn dõi ra, đường phố khá vắng vẻ. Tuy nhiên, đến khi những tốp xe tăng, thiết giáp và ô tô vào sau, người Sài Gòn tràn ra đường lúc nào không hay.

 Xe tăng 380 trên đường hành quân. Nguồn: TTXVN

Xe tăng 380 trên đường hành quân. Nguồn: TTXVN

"Tôi thật sự ngạc nhiên bởi không biết nhân dân Sài Gòn chuẩn bị từ bao giờ mà hai bên đường xuất hiện khá nhiều cờ Giải phóng và khẩu hiệu, băng rôn, biểu ngữ chào mừng. Ngay sau khi Thê đội 1 của binh đoàn thọc sâu đi qua, có rất đông bà con ra đường phất cờ, vẫy chào quân Giải phóng. Ngạc nhiên nữa là giới trẻ Sài Gòn không chỉ mặc đẹp mà còn rất nhanh nhẹn, không sợ sệt gì trước những chiếc xe tăng lấm đỏ bụi đường. Nhiều thanh niên còn phóng xe máy hay đạp xe bám sát xe tăng của chúng tôi".

Nhớ lại thời khắc giải phóng thành phố Huế, ông Nguyệt cho biết người dân thành phố này tỏ ra thân thiện chừng mực với quân Giải phóng. Người Đà Nẵng lại là sự dò xét, tìm cách tiếp cận, hỏi han. "Người Sài Gòn dạn dĩ hơn nhiều, mong ngóng tin tức. Khi đến Dinh Độc Lập, dừng xe ngay gần bồn nước giữa sân dinh, tôi và pháo thủ Thọ cùng nhảy xuống và ôm lấy nhau nhảy tưng tưng như trẻ nhỏ, vui sướng đến tột cùng. Như vậy là chúng tôi đã làm chủ mục tiêu chủ yếu, mục tiêu quan trọng nhất của chiến dịch cũng như cả cuộc chiến tranh mà vẫn còn sống. Từ nay sẽ hết chiến tranh, đất nước hòa bình, thống nhất và chúng tôi sắp được trở về quê hương, với gia đình và thực hiện tiếp những ước mơ còn dang dở...".

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cay-so-cuoi-cung-trong-cuoc-truong-chinh-thong-nhat-post411754.html
Zalo