'Cây sáng tạo' đồ dùng dạy học của Trường Mầm non thị trấn Trần Cao

Cô giáo Đỗ Thị Bích (sinh năm 1988), giáo viên Trường Mầm non thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) được đồng nghiệp quý mến gọi là 'cây sáng tạo' đồ dùng dạy học của nhà trường. Bởi chỉ từ các vật liệu cũ, đơn giản, dễ tìm, qua đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo của cô giáo Bích được 'hô biến' thành những bộ đồ dùng, đồ chơi mang tính giáo dục, thẩm mỹ cao, tạo hứng thú cho học sinh.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cô giáo Bích về nhận công tác tại Trường Mầm non thị trấn Trần Cao. Gần 14 năm gắn bó với nghề, cô nhận thấy, tư duy của trẻ là tư duy hình ảnh, vì vậy đồ dùng, đồ chơi trực quan là không thể thiếu trong các hoạt động dạy và học. Trẻ rất thích những đồ chơi mới lạ, đặc biệt là đồ chơi tự làm. Vì vậy, tôi luôn chủ động tìm hiểu, thiết kế các loại đồ dùng học tập phù hợp với từng chủ điểm, chủ đề và các góc hoạt động trong lớp. Đồng thời coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để góp phần thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

Cô giáo Đỗ Thị Bích làm đồ dùng học tập từ những vật liệu thân thiện với môi trường

Cô giáo Đỗ Thị Bích làm đồ dùng học tập từ những vật liệu thân thiện với môi trường

Từ các loại phế liệu như: chai nhựa, bìa các tông, vải cũ, len vụn, vỏ ngao, sỏi, đá…, cô Bích thu lượm, góp nhặt mang về làm sạch rồi tái chế thành các đồ dùng, đồ chơi. Công việc này thường được cô thực hiện vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc tranh thủ khoảng thời gian trẻ ngủ trưa...

Thời gian đầu, phụ huynh chưa hiểu về công dụng và lợi ích của đồ dùng dạy học tự làm nên cho rằng sẽ không an toàn đối với trẻ. Nhưng sau khi thấy thành phẩm là những đồ dùng, đồ chơi đẹp mắt và an toàn được trưng bày trên lớp, lại được các con thích thú nên ngày càng hưởng ứng. “Nhiều phụ huynh còn tự sưu tầm và đóng góp vật liệu để tôi làm đồ chơi, đồ dùng dạy học”, cô giáo Bích vui vẻ cho biết.

Tham quan góc trưng bày đồ dùng học tập, đồ chơi của lớp 5A2 do cô giáo Bích chủ nhiệm mới thấy được sự sáng tạo và tâm huyết với nghề của cô giáo trẻ. Những thân tre khẳng khiu được cô uốn thành bộ quang gánh, cái bàn cào; hộp đựng bánh quy thành chiếc trống; mảnh vải vụn thành những củ su hào, cà rốt, bông hoa đủ sắc màu… Tất cả các mô hình đều sống động và đẹp mắt.

Hiện nay, khoảng 60% số đồ dùng, đồ chơi phục vụ giảng dạy tại lớp học là sản phẩm do chính tay cô giáo Bích thực hiện và được vận dụng đưa vào bài giảng theo chủ đề, chủ điểm hàng tuần. Cô Bích chia sẻ: Việc sử dụng đồ dùng, đồ chơi tự tạo không chỉ mang tới lợi ích cho việc học tập của trẻ mà còn góp phần hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ. Ngoài ra, khi cùng trẻ làm đồ chơi, dạy trẻ học bằng đồ dùng mình tự làm khiến tình cảm cô và trò thêm gắn kết.

Với những kết quả đạt được trong công tác giảng dạy, cô giáo Đỗ Thị Bích nhiều lần được các cấp, các ngành khen thưởng. Tháng 10/2024 vừa qua, cô vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2023 – 2024.

Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/cay-sang-tao-do-dung-day-hoc-cua-truong-mam-non-thi-tran-tran-cao-3177098.html
Zalo