Cây, hoa và không gian xanh làm nên kiến trúc cảnh quan Đà Lạt

Trong đô thị, cây xanh giữ vai trò quan trọng, là thành phần chủ đạo trong việc bảo tồn môi trường sống, kiến tạo không gian xanh và diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị, nhưng để nhận diện được 'mảng xanh của đô thị', chúng ta thường kiểm đếm qua các thông số về diện tích đất cây xanh trong thực tế và so sánh với tiêu chuẩn tính trên mỗi cư dân và du khách theo quy định của Nhà nước ban hành.

Đà Lạt, phố sương. Ảnh: Võ Trang

Đà Lạt, phố sương. Ảnh: Võ Trang

Những tưởng, một khi nền kinh tế phát triển, quy mô dân số tăng nhanh và phạm vi đất đai đô thị mở rộng (về công năng và diện tích sử dụng) qua từng thời kỳ của quy hoạch, thì các chỉ tiêu về cây xanh và không gian xanh sẽ biến thiên cùng chiều với đà tăng trưởng; nhưng ngược lại, nó phụ thuộc hoàn toàn vào cách nhìn nhận, khai thác sử dụng đất và tác động của con người đối với “tài nguyên xanh” trong đô thị, để có được giá trị những không gian xanh khác nhau.

Xuất phát từ ý tưởng hình thành “Trạm điều dưỡng” cho người Pháp tại Đông Dương, Toàn quyền Paul Douner đã có thư gửi các Khâm sứ Việt Nam (đề ngày 23/7/1897) và sau đó gửi trực tiếp cho bác sĩ Yersin. Trong thư, P. Doumer đưa ra các yêu cầu: (1) Độ cao trên 1.200 m; (2) Nguồn nước dồi dào; (3) Đất đai canh tác được; (4) Khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng; (5) Diện tích đất đủ rộng…; trong đó, có 3 điều kiện tương tác nhau, đó là: Độ cao, nguồn nước, đất đai nông nghiệp tạo nên các đặc trưng về cây xanh - không gian xanh và cảnh quan đô thị của Đà Lạt. Với đặc điểm là đô thị có địa hình miền núi, khí hậu lạnh quanh năm và sản sinh ra hệ sinh thái sản vật của miền ôn đới trên đất nông nghiệp và đất rừng, hợp cùng đất xây dựng đô thị tạo thành cấu trúc đô thị nhất quán trong quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt. Do vậy, khi đề cập đến cây xanh và không gian xanh đối với đô thị miền núi (như Đà Lạt), không thể thiếu các thành tố cây rừng, mặt nước và những vườn cây nông nghiệp, vì chúng cũng góp phần tạo nên bản sắc nơi chốn “rất riêng” của Đà Lạt.

Qua khảo sát thực tế Đà Lạt, tạm khái quát như sau:

(1) Đối với loại cây xanh sử dụng công cộng đô thị (trồng trên vỉa hè, dải phân cách và tại các tiểu đảo nơi giao lộ), giữ vai trò kiến tạo cảnh quan hơn là chức năng làm sạch môi trường - khác với nhiều đô thị vùng đồng bằng/nhiệt đới. Đà Lạt thường trồng các loại cây, hoa đa dạng về màu sắc, không đậm mùi hương và không cần tán lá rộng để tạo bóng mát; kết hợp với những thảm cỏ xanh phủ kín bề mặt của đất tự nhiên hoặc dây hoa leo phủ trên kết cấu taluy cứng (còn gọi là “kè đá”), làm nổi bật những loại cây và hoa đặc trưng, tạo nên thương hiệu “Thành phố Bốn mùa hoa” quảng bá du lịch và hấp dẫn du khách.

(2) Ngược lại, đối với cây thông (mọc tự nhiên hoặc trồng mới theo cụm) mặc dù được Nhà nước quy định là “loại cây rừng nội ô”, nhưng với góc nhìn đô thị, cần được xem đây là loại “cây xanh đô thị đặc thù”. Bởi lẻ, cây thông đối với Đà Lạt có vai trò giữ gìn độ lạnh, kết tụ sương mù trong tán lá thông và rể thông tạo cho đất có kết cấu chắc chắn, ổn định, giảm xói mòn và chống sạt lở trong mùa mưa bão - ngoài tác dụng làm giảm tốc độ dòng chảy của nước mưa, tích tụ nguồn nước mặt tự nhiên và mạch nước ngầm. Đồng thời, dưới tán thông, vẫn trồng đan xen được các loại cây có hoa (trên đất rừng nội ô và các khoảnh đất trống trong đô thị - thuộc đất công cộng do Nhà nước quản lý), góp phần tạo cảnh quan sinh động cho Đà Lạt. Hình ảnh rừng thông, sương mù, điểm xuyết cùng sắc màu của cây, hoa đường phố, kết hợp cảnh quan đô thị và kiến trúc công trình có mối quan hệ hữu cơ, hòa quyện nhau, tạo nên thương hiệu đặc trưng: “Thành phố trong rừng - Rừng trong thành phố”, “Thành phố mù sương”, “Phố núi cao nguyên Lang Biang”.

(3) Khi đề cập đến không gian xanh của Đà Lạt, vấn đề đất nông nghiệp trong đô thị (bao gồm đất trang trại, vườn hoa, công viên, khu du lịch... của các tổ chức và hộ gia đình) là thành phần không thể thiếu. Một khi các sản vật nông nghiệp từ những khuôn viên đất của hộ gia đình vùng ven đô, đến các trang trại lớn của doanh nghiệp có tiềm năng (như Dalat Hasfarm, Dalat Milk...), hay các khu du lịch, thắng cảnh (như công viên hoa, Thung lũng Tình yêu...) được chăm sóc tốt, tạo thành những sản phẩm “du lịch canh nông” độc đáo. Hình ảnh những cây - hoa - rau - củ - quả trên đất nông nghiệp, mang theo những sắc màu từ những giống cây - hoa - trái đặc trưng, kết tụ thành nét văn hóa riêng của nơi chốn, tạo nên cảnh quan nông nghiệp trong đô thị được sinh động, mang lại những thương hiệu tốt lành cho Đà Lạt: “Thành phố du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái rừng”, “Một đô thị miền cao ôn đới trên Đất nước nhiệt đới”...

(4) Đối với chuỗi hồ, thác nước giữ vai trò không kém phần quan trọng đối với đô thị miền núi, nhất là các thành phố du lịch. Hầu hết các hồ, thác nước hiện có của Đà Lạt - Lâm Đồng là nhân tạo, thông qua giải pháp quy hoạch xây dựng (QHXD) nhằm nắn dòng chảy theo thềm địa hình chênh cốt và xây đập chắn dòng để tích nước cho hồ. Các hồ này chính là “nguồn cung” cho hệ thống các nhà máy cấp nước sinh hoạt phục vụ đời sống Nhân dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch. Mặt khác, các hồ, thác nước còn giữ vai trò cân bằng, ổn định môi trường, khí hậu tự nhiên tại khu vực.

Việc hình thành chuỗi các hồ, thác nước cảnh quan cũng tạo hệ sinh thái ổn định cho cây xanh đô thị, cây rừng và thảm thực vật (cỏ, hoa) mọc tự nhiên ven hồ, cạnh thác nước được xanh tốt quanh năm; kiến tạo cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong các giải pháp QHXD (do tận dụng thế núi, địa hình tự nhiên, tạo nên hình dáng của mặt nước uốn lượn và thác nước rơi sinh động). Từ thực tế cho thấy: Một số hồ, thác nước nhân tạo đến nay đã được Nhà nước công nhận là Di tích Thắng cảnh Quốc gia (như các hồ: Tuyền Lâm, Than Thở, Xuân Hương, Đa Thiện và các thác Prenn, Datanla, Cam ly…), tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư tiềm năng và động lực phát triển kinh tế - du lịch địa phương. Đây sẽ là một giải pháp hay cần được kế thừa, phát triển.

Khi đất trời chuyển mùa đón xuân, cao nguyên Lang Biang nhuộm sắc màu của cây, cỏ, hoa, lá… tạo nét duyên cho Đà Lạt - thành phố mông mơ. Cây, hoa, củ, quả không còn là sản vật nông nghiệp để kinh doanh đơn thuần, còn là “báu vật” để “bảo tồn và phát triển” như một di sản văn hóa muôn đời truyền lại. Việc nuôi, trồng, chăm sóc, trình diễn trong nghệ thuật xếp đặt của đô thị, hướng đến một không gian xanh bất tận của đất trời, mặt nước, của sắc màu cỏ cây xanh tươi bốn mùa, của lòng người rộn ràng đón xuân. Tất cả nói lên một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sau những năm tháng vất vả, lo toan…

KTS. TRẦN ĐỨC LỘC

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202501/cay-hoa-va-khong-gian-xanh-lam-nen-kien-truc-canh-quan-da-lat-15401fc/
Zalo