Cây dược liệu - hướng phát triển kinh tế mới tại tỉnh Gia Lai
Tới nay toàn tỉnh Gia Lai đã phát triển được trên 4.200ha cây dược liệu với 55 sản phẩm dược liệu được công nhận OCOP cùng 4 nhà máy chế biến dược liệu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đồng thời kiểm soát chặt quy trình từ trồng trọt đến chế biến.
Nghị quyết số 09-NQ/TU do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XV) năm 2019, về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trong tự nhiên; hình thành các vùng dược liệu gắn với cơ sở chế biến tại địa phương. Đến nay, những kết quả bước đầu thực hiện nghị quyết đã mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân Gia Lai từ cây dược liệu.
Khởi đầu chỉ với 9 thành viên, đến nay HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Tơ Tung (xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai) đã phát triển lên 67 thành viên cùng tham gia trồng và chiết xuất sả dược liệu. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch HTX, trước đây bà con chủ yếu dựa vào cây mì và hoa màu ngắn ngày. Từ năm 2019 tới nay, nhờ mô hình trồng sả, mà các thành viên HTX có thu nhập ổn định. HTX đã xây dựng thương hiệu tinh dầu sả đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, với đầu ra ổn định tại một số siêu thị và nhà thuốc.
“Khi chuẩn hóa được sản phẩm, chất lượng sẽ cao hơn. Chúng tôi cố gắng tuân theo các tiêu chuẩn OCOP để dễ dàng đưa sản phẩm ra thị trường, tạo niềm tin cho khách hàng. Hiện tại, HTX được Công ty Dược và Thiết bị y tế Đà Nẵng bao tiêu sản phẩm, với thu nhập trung bình 50-60 triệu đồng/ha/năm”, chị Hương chia sẻ.
Trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, một số DN đã bắt đầu đầu tư cùng người dân huyện Kbang khai thác tiềm năng về dược liệu. Như tại xã Đăkrong có 2 dự án trồng dược liệu đang triển khai tại làng Kon Trang và làng Kon Lanh Te, tổng diện tích gần 40ha. Tương tự, tại các xã Sơn Lang, Kon Pne, Sơ Pai, và Krong (cùng huyện Kbang) đã có gần 240ha sa nhân tím, sâm đá, đương quy, đinh lăng và nghệ đang được trồng tập trung hoặc dưới tán rừng.
Ông Ngô Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã Đăkrong kỳ vọng, các dự án dược liệu sẽ góp phần thay đổi đời sống kinh tế của người dân tộc thiểu số. “Thông qua dự án tại làng Kon Trang (7ha) và làng Kon Lanh Te (30ha), sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong xã. Các công ty cũng sẽ cung cấp giống, vật tư và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với bà con trong giai đoạn tiếp theo”, ông An nói.
Từ khi có Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XV) năm 2019 về bảo tồn và phát triển dược liệu, tới nay toàn tỉnh đã phát triển được trên 4.200ha cây dược liệu. Gia Lai đã có 55 sản phẩm dược liệu được công nhận OCOP (trong đó có 9 sản phẩm 4 sao). Tỉnh có 4 nhà máy chế biến dược liệu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đồng thời kiểm soát chặt quy trình từ trồng trọt đến chế biến. Cùng với đó, hiện Gia Lai có 4 dự án phát triển cây dược liệu đã được phê duyệt, tổng vốn khoảng 497 tỷ đồng, và 10 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư với vốn dự kiến hơn 7.272 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu. “Về thu hút đầu tư, Sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN khảo sát những vùng có thể trồng dược liệu, phù hợp với đặc tính sinh vật của từng loại cây dược liệu. Các dự án đề xuất sẽ được Sở giới thiệu cho DN những vùng có thể làm dự án. Đặc biệt, Sở rất mong các DN đưa nhà máy chế biến dược liệu về tỉnh”, ông Hoan cho biết.