Kiên định với chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số không còn là xu thế, mà là yêu cầu bắt buộc nếu các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ không muốn bị cho ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu chuyển đổi xanh sẽ thu được nhiều thành tựu. Trong ảnh: Nhà máy của Nestlé, một doanh nghiêp tiên phong trong chuyển đổi xanh

Các doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu chuyển đổi xanh sẽ thu được nhiều thành tựu. Trong ảnh: Nhà máy của Nestlé, một doanh nghiêp tiên phong trong chuyển đổi xanh

Hành trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

Nhiều doanh nghiệp đã kể những câu chuyện về hành trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của mình tại Hội thảo thường niên về Phát triển bền vững với chủ đề “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”, vừa được Báo Đầu tư tổ chức.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Chiến lược về phát triển bền vững, CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết, trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, ngay từ giai đoạn đầu hình thành, Phúc Khang đã định hình sẽ trở thành một thương hiệu bất động sản xanh chuẩn mực quốc tế, dẫn đầu tại Việt Nam vào năm 2035.

Phúc Khang đang đi trên lộ trình trở thành một doanh nghiệp bền vững với sứ mệnh tiên phong trong việc thúc đẩy, kiến tạo phong cách sống tốt hơn, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu.

Là doanh nghiệp bất động sản, các sản phẩm của Phúc Khang được phát triển theo mục tiêu kiên định là xây dựng công trình xanh, từ khu cao tầng đến những khu đô thị thấp tầng. Trong giai đoạn đầu, Công ty gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự, kỹ thuật, thị trường, chính sách, tài chính… nhưng dưới sự chỉ đạo nhất quán của Ban Lãnh đạo, Phúc Khang luôn kiên trì phát triển sản phẩm theo tiêu chí này.

“Lộ trình có thể chậm lại, nhưng đích đến chỉ có một”, bà Lê Thị Hồng Na khẳng định.

Ở lĩnh vực khai khoáng, các doanh nghiệp cũng có cách đi riêng để cắt giảm phát thải, ứng dụng số hóa trong hoạt động, tối ưu hóa nguồn lực để tiến dần đến mục tiêu xanh hóa.

Ông Craig Richard Bradshaw, Tổng giám đốc Công ty Masan High-Tech Materials (doanh nghiệp sản xuất và cung cấp vật liệu công nghệ cao thuộc Tập đoàn Masan) cho hay, Công ty đang thực hiện chuyển đổi xanh và chuyển đổi rất nhanh.

Đơn cử, nhìn vào các loại pin, có rất nhiều tên tuổi khác nhau với độ bền hoặc thời gian sử dụng lâu hơn. Việc khai thác vonfram của Masan High-Tech Materials đóng vai trò tạo nên thành phần cốt lõi trong sản xuất tua-bin gió và pin mặt trời, vonfram giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải carbon. Ứng dụng vonfram công nghệ cao vào lớp phủ catốt của pin Li-ion giúp cải tiến hiệu suất và độ an toàn của pin gấp 10 lần, mang lại hiệu quả vượt trội cho công nghiệp pin điện.

“Masan High-Tech Materials có công nghệ xử lý khoáng sản để có thể tái sử dụng. Bản thân chúng tôi đã xây dựng trong 14 năm để làm được điều đó. Công ty cũng đang cố gắng làm tốt hơn trong hoạt động khai thác khoáng sản. Chuyển đổi xanh còn là việc sử dụng những nguồn lực mà chúng ta đang có một cách tốt hơn, hiệu quả hơn, không lãng phí nguồn lực và giảm bớt chất thải ra môi trường”, ông Craig Richard Bradshaw nói.

Masan High-Tech Materials đã xây dựng nền tảng công nghệ trong suốt 14 năm có mặt tại Việt Nam để giúp quá trình này có thể diễn ra. Hiện, doanh nghiệp có công nghệ để xử lý, chế biến khoáng sản trong mọi công đoạn.

Là doanh nghiệp thực phẩm đã thực hành chuyển đổi số - chuyển đổi xanh từ sớm, Nestlé Việt Nam gặt hái được nhiều thành công nhờ sự “đón đầu” này.

Nestlé Việt Nam cho biết, đã thực hiện cam kết xanh từ rất sớm khi thu mua có trách nhiệm với những người dân trồng cà phê từ năm 2010 - 2011.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý đối ngoại cấp cao (Nestlé Việt Nam) chia sẻ, khi thực hiện các mục tiêu phát triển xanh, doanh nghiệp không đặt tham vọng sẽ dẫn đầu xu thế, mà đây là một bài toán về đầu tư, tối ưu hóa nguồn lực. Quan trọng là vấn đề và ưu tiên của doanh nghiệp là gì, chứ không phải chỉ dừng ở việc theo đuổi xu thế hiện tại.

“Với một công ty thực phẩm, nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, đến nay còn thêm các tiêu chí về môi trường, phát thải… Nestlé Việt Nam không chỉ thu mua nguyên liệu để sản xuất trong nước, mà còn xuất khẩu đi các thị trường lớn như châu Âu, nên nếu không chuẩn bị sớm thì hoạt động kinh doanh sẽ dễ bị đứt gãy khi các quy định quốc tế được áp dụng”, bà Thương nói.

Cách làm của Nestlé Việt Nam là lấy nông dân làm trọng tâm. Khi tiếp cận với nông dân và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, Nestlé Việt Nam đưa những ứng dụng như nhật ký nông hộ, chuyển đổi các ghi chép thu chi để thấy lợi nhuận dần được tối ưu hóa thông qua chuyển đổi số - chuyển đổi xanh.

“Những con số thực tế này mới có thể thuyết phục người nông dân thay đổi hành vi để đồng hành cùng doanh nghiệp. Đến nay, nông dân đã làm rất tốt, chúng tôi gọi họ là nông dân doanh nhân, nhờ vậy đời sống được cải thiện nhiều và đó là điều thuyết phục có giá trị cao nhất”, bà Hoài Thương nhấn mạnh.

Với giai đoạn tiếp theo, yêu cầu ngày càng cao về xuất khẩu như việc chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, khi tính toán lượng phát thải sẽ được áp dụng ngay từ khâu cung cấp nguyên liệu, giúp nhà sản xuất như Nestlé Việt Nam có lợi thế trong việc đón bắt xu hướng tại những thị trường khó tính.

Vượt qua trở ngại

Chuyển đổi sản xuất xanh và song hành chuyển đổi số để đón cơ hội kinh doanh trong giai đoạn mới là nhiệm vụ lớn của doanh nghiệp, nhưng hành trình này cũng đầy gian nan, phải đầu tư lớn, song chưa chắc đã tới đích như kỳ vọng. Do đó, trên hành trình chuyển đổi này, doanh nghiệp chỉ kiên định không thôi là chưa đủ, mà phải tìm kiếm nguồn lực để thực hiện mục tiêu chuyển đổi.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyển đổi xanh đã trở thành mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để triển khai mục tiêu này, Việt Nam đang thực hiện nhiều chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050…

Nêu 2 khó khăn trong việc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam, Tổng giám đốc Masan High-Tech Materials, ông Craig Richard Bradshaw cho hay: “Vốn là vấn đề lớn. Doanh nghiệp hiện phải cạnh tranh trên bình diện toàn cầu, trong khi các công ty Trung Quốc nhận được ưu đãi, trợ cấp lớn từ Chính phủ, thì ở Việt Nam chưa có nhiều sự hỗ trợ, khiến doanh nghiệp như Masan High-Tech Materials cạnh tranh không hề dễ dàng”.

Một khó khăn nữa là tốc độ thay đổi của các chính sách pháp luật chưa đồng bộ, tương ứng với những thay đổi trên thị trường.

Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, đại diện Masan High-Tech Materials đúc kết: “Cần phải thay đổi tư duy cứng nhắc về việc chuyển đổi, khi tập trung nhìn vào chi phí của quá trình. Hãy nhìn chuyển đổi xanh sử dụng nguồn lực chúng ta có một cách tốt hơn, hiệu quả hơn, giảm lãng phí, giảm chất thải. Chúng ta phải tư duy lại và quản lý theo cách mới để loại bỏ sự lãng phí”.

Với Phúc Khang, hành trình chuyển đổi cũng gặp không ít khúc mắc, trở ngại cả về vốn và nguồn nhân lực. Lãnh đạo Phúc Khang thừa nhận, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, tài chính là thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp nói chung, Phúc Khang cũng không ngoại lệ. Giải pháp của Phúc Khang là chọn tối ưu hóa nguồn lực, tiết giảm chi phí.

Theo TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và yêu cầu về phát triển bền vững.

Nhận thức được chuyển đổi số là quá trình phát triển tất yếu trên toàn cầu, Việt Nam không thể nằm ngoài lộ trình ấy, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Văn kiện chỉ rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.

“Phát triển kinh tế số sẽ tạo ra những bứt phá quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng thời giúp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030”, ông Lê Việt Anh khẳng định.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kien-dinh-voi-chuyen-doi-xanh-d230080.html
Zalo