Cây cầu chìm trong nước 6 tháng mỗi năm rồi lại trồi lên ở Quảng Ngãi
Mỗi năm, có 6 tháng cây cầu chìm trong nước, người dân không dám qua cầu phải đi vòng hơn 10km để qua bờ đối diện.
Cầu Thời nối hai xã Bình Nguyên và Bình Khương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được xây dựng vào năm 1996 nhằm phục vụ đi lại cho người dân khu vực.
Đến năm 2011, hồ Trì Bình nâng cấp, nâng cao thân đập ở hạ lưu để gia tăng tích nước khiến cầu Thời bị chìm trong nước.
Mỗi năm, có 6 tháng cây cầu này không thể hoạt động đúng "công năng” do chìm sâu trong nước. Người dân khu vực ngán ngẫm trước tình trạng cầu ngập nước, phải đi vòng hơn 10km mới có thể sang điểm đối diện bên kia cầu.
Thời gian ngập nhiều hơn thời gian phục vụ đi lại
Từ thời điểm hồ Trì Bình tăng tích nước, cầu Thời rơi vào tình trạng ngập nhiều hơn thời gian phục vụ đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Tấn Vân (thôn Trị Bình, xã Bình Nguyên) cho biết, mỗi năm cầu ngập ít nhất 6 tháng. Hồ Trì Bình tích nước thì cầu ngập.
Theo ông Vân, đây là tuyến đường ngắn nhất để đi từ xã Bình Nguyên, Bình Khương, Bình An đến Khu kinh tế Dung Quất. Do đó, mỗi ngày, rất nhiều người dân trong các xã này di chuyển qua cầu để đi làm. Thời điểm cầu không ngập thì đi lại dễ dàng, nhanh chóng, khi cầu ngập thì phải đi đường vòng hơn 10km.
“Mong muốn lớn nhất của người dân là có một cây cầu mới, đủ rộng phục vụ đi lại và sản xuất mà gần 15 năm chưa thành sự thật. Hi vọng thời gian đến chính quyền sẽ cố gắng đầu tư xây mới cây cầu để người dân đi lại được thuận tiện và an toàn hơn”, ông Đặng Hiền (thôn Trì Bình) bày tỏ.
Đi kiểm tra thực tế mà không thấy mặt cầu
Ông Võ Quốc Nam, Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn chia sẻ, ngày nào chưa có cầu mới bà con còn khổ ngày đó. Việc cấm qua cầu biết là cực kỳ bất tiện, tuy nhiên địa phương cũng bất đắc dĩ cấm để đảm bảo an toàn cho người dân.
Mới đây, nhiều sở ngành đi kiểm tra thực trạng cầu Thời (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn) để xem xét, đầu tư xây mới cây cầu. Tuy nhiên, đoàn công tác đến thực địa không thể thấy được mặt cầu do toàn bộ trụ, mố, mặt cầu đã chìm dưới mặt nước. Đoàn kiểm tra chỉ nhìn được duy nhất thành cầu còn trên mặt nước.
Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đây là lần thứ hai đi kiểm tra, cầu Thời quá nhỏ, không đáp ứng đi lại. Ngoài ra, cây cầu còn xuống cấp nghiêm trọng, luôn bị nước hồ Trì Bình nhấn chìm.
Ông Từ Văn Tám, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho hay, việc xây mới cầu Thời là cấp thiết. Phải khẩn trương thực hiện công trình và hoàn thành trước mùa mưa lũ (tháng 9-2025). Nếu không làm kịp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đi lại của người dân.
Sẽ xây mới và hoàn thành trước mùa mưa lũ 2025
Ngày 28-12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo huyện Bình Sơn cân đối nguồn kinh phí, ưu tiên bố trí xây mới và hoàn thành cầu Thời trước mùa mưa lũ năm 2025.
Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có yêu cầu chính quyền huyện Bình Sơn chỉ đạo UBND xã Bình Nguyên và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi qua lại cầu Thời.
Trong đó, phải duy trì biển cảnh báo cầu yếu, thời điểm này giăng dây cấm phương tiện qua lại. Có phương án hướng dẫn người dân các xã Bình An, Bình Khương, Bình Minh không qua cầu Thời mà phải đi theo hướng khác trong thời gian cầu Thời bị ngập.
Ngay cả khi nước rút có thể qua lại cầu, cũng chỉ cho phép người và phương tiện thô sơ đi qua. Cấm tuyệt đối các phương tiện trọng tải lớn.
UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo huyện Bình Sơn khẩn trương cân đối nguồn kinh phí, ưu tiên sớm bố trí để xây dựng lại cầu mới, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại trước mùa mưa bão năm 2025.
"Trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền của địa phương, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý", ông Hiền yêu cầu trong văn bản.
UBND tỉnh đề nghị các Sở GTVT, KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, Xây dựng có nhiệm vụ chủ động phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Bình Sơn, tổ chức thực hiện việc xử lý hư hỏng, nguy cơ mất an toàn của cầu Thời khi có đề nghị của địa phương.