Cầu Tứ Liên - biểu tượng mới ở cửa ngõ phía Bắc
Cầu Tứ Liên vừa khởi công không chỉ là công trình giao thông trọng điểm mà còn là biểu tượng của bước chuyển chiến lược trong phát triển đô thị Hà Nội.
Mạch nối phát triển vùng
Người dân Hà Nội nói chung, đặc biệt là cư dân sinh sống quanh khu vực cầu Tứ Liên đang mong mỏi cây cầu này sẽ thông xe sớm hơn dự kiến. Việc hoàn thành cầu sẽ giúp kết nối thuận lợi giữa trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai trong vòng 24 tháng và đưa vào hoạt động đúng tiến độ.
Hiện nay, tại khu dân cư số 4 (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) - nơi có 57 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, người dân đang chờ đợi các chính sách hỗ trợ phù hợp để sớm di dời, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cầu Tứ Liên.
Ông Châu Xuân Huy, Bí thư chi bộ khu dân cư số 4 chia sẻ: "Cầu Tứ Liên rất thuận tiện cho người dân chúng tôi. Khi cầu hoàn thành thì chúng tôi sẽ chỉ mất 10 phút di chuyển thay vì 30 phút như trước đây".
Với tổng mức đầu tư toàn bộ gần 20.000 tỷ đồng bao gồm cả giải phóng mặt bằng, cầu Tứ Liên được thiết kế có nhịp chính bắc qua sông Hồng, nối liền bờ phía Tây sông Hồng là khu vực dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm (thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên, quận Tây Hồ) với bờ Đông sông Hồng là khu vực thuộc địa phận huyện Đông Anh.
Dự án có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao Quốc lộ 5, với 5 nút giao là nút giao Nghi Tàm, nút giao Hữu Hồng, nút giao kết nối bãi giữa, nút giao Tả Hồng và nút giao Quốc lộ 5 kéo dài. Ngoài ra, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình và kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội.
Hiện nay, bờ phía Tây là tuyến đường có lưu lượng giao thông rất cao do đang là vành đai chính kết nối đầu cầu Nhật Tân với cầu Long Biên, Chương Dương. Vì vậy, sau khi đi vào hoạt động, cầu Tứ Liên không chỉ san sẻ áp lực cho các cầu hiện hữu mà còn làm gia tăng hiệu quả phân luồng giao thông, cũng như giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường chính, tạo đà thuận lợi cho tuyến đường huyết mạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Biểu tượng mới ở cửa ngõ phía Bắc
Có thể nói cầu Tứ Liên là cây cầu mang nhiều kỳ vọng về việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây sẽ là điểm kết nối từ nội đô đến các khu công nghiệp lớn như Bắc Thăng Long, Đông Anh - Vân Trì hay Gia Lâm - Sài Đồng.
Cầu Tứ Liên có những điểm đặc biệt như: thiết kế dây văng độc đáo với hệ trụ hình ảnh rồng bay lên trời, tạo điểm nhấn kiến trúc. Cầu Tứ Liên sử dụng hệ dây văng hai mặt phẳng, với dây đan chéo một bên; các trụ tháp được thiết kế giống như hình ảnh rồng đang bay lên trời. Điều này tạo nên một công trình cầu đặc biệt, mang tính biểu tượng cho Hà Nội.
Cầu Tứ Liên có chiều dài nhịp chính lớn nhất là 500m và chiều cao trụ tháp lên đến 185m. Đây là một trong những cầu dây văng có kích thước lớn nhất tại Việt Nam. Với tổng chiều dài 5,15km, công trình có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ và điểm cuối giao với đường Trường Sa (huyện Đông Anh).
Cầu Tứ Liên quy mô mặt cắt ngang 43 - 44m gồm 6 làn xe cơ giới và các làn hỗn hợp, tách nhập, lề đi bộ. Đường phía Nam cầu quy mô mặt cắt ngang 48m, gồm cầu dẫn ở giữa, đường gom đô thị song hành và vỉa hè hai bên tuyến đường, giúp giảm tải cho các cầu hiện có, mở rộng kết nối giao thông và thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng.
Cầu Tứ Liên được xác định là một dự án quan trọng, được lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo cần sớm triển khai, phục vụ kết nối với Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và tuyến đường từ sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) về trung tâm thành phố Hà Nội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 -2030.
Tầm nhìn quy hoạch dọc sông Hồng
Trong các quy hoạch lớn của Thủ đô, sông Hồng được xác định là trục cảnh quan trung tâm, trục động lực phát triển công nghiệp văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch và là không gian xanh của Hà Nội.
Mỗi cây cầu qua sông Hồng là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử, đồng thời ẩn chứa ý nghĩa văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Hiện Thủ đô Hà Nội đang có 8 cầu qua sông Hồng đã được đưa vào khai thác vận hành gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Văn Lang.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam cho biết: "Mỗi cây cầu được xây dựng là động lực phát triển kinh tế, văn hóa hai bên sông Hồng, thể hiện mối quan hệ với các tỉnh trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng. Khi Pháp đánh chiếm Hà Nội năm 1898, họ làm cầu Long Biên. Cầu Long Biên là biểu tượng của khoa học, kỹ thuật mới, một trong bốn di sản cầu có kiến trúc thép còn tồn tại; là minh chứng Hà Nội kết hợp với phía Bắc, vai trò trung tâm của Thủ đô, kết nối với các vùng miền. Đến những năm 1986, chúng ta làm cầu Thăng Long, kết nối khu vực có sân bay. Sau này chúng ta xây thêm cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương…".
Từ năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Theo đó, sông Hồng là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm Hà Nội. Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã xác định phát triển đô thị Hà Nội hài hòa hai bên sông, trong đó sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm.
"Trong quy hoạch 2021-2030 đã đặt ra vấn đề trục sông Hồng là trục cảnh quan của trung tâm Hà Nội. Chúng ta nghiên cứu hệ thống cầu qua sông Hồng, giải quyết vấn đề giao thông, phát triển Hà Nội đồng đều cả hai bờ, cả tả ngạn và hữu ngạn. Khu vực nội thành Hà Nội đang rất áp lực về giao thông, trong khi đó các khu vực như Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh và khu vực lân cận đang phát triển rất mạnh, tạo liên kết vùng, phát triển kinh tế. Hà Nội sẽ là trung tâm phát triển vùng khi làm nhiều cây cầu qua. Theo quy hoạch, chúng ta dự kiến 18 cây cầu sẽ kết nối với các tỉnh xung quanh" - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ thêm.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng gồm: cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Thăng Long mới, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Mễ Sở, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, cầu Ngọc Hồi. Như vậy, tính cả 8 cây cầu đang khai thác vận hành, đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tổng cộng là 18 cây cầu qua sông Hồng.
Việc quy hoạch xây dựng 10 cây cầu mới qua sông Hồng là giải pháp căn cơ và dài hạn giúp tăng kết nối giao thông liên vùng Thủ đô và giải bài toán ùn tắc giao thông tại các cây cầu qua sông Hồng hiện hữu hàng ngày đang phải "gồng mình" với mật độ giao thông tăng cao đột biến qua các năm.
Trong đó, dự án cầu Tứ Liên là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội. Khi đi vào hoạt động, cầu Tứ Liên không chỉ san sẻ áp lực cho các cầu hiện hữu mà còn gia tăng hiệu quả phân luồng giao thông, đồng thời giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường chính.
Các chuyên gia nhận định, thành phố ven sông - mô hình đô thị đang được các nước trên thế giới chú trọng phát triển. Một số dòng sông đã trở thành biểu tượng như sông Hudson tại New York (Mỹ); sông Seine tại Paris (Pháp); sông Hàn tại Seoul (Hàn Quốc).
Ở Việt Nam, mô hình thành phố bên sông cũng đã hình thành từ lâu: Đà Nẵng với mô hình thành phố bên sông Hàn; TP. HCM phát triển bên bờ sông Sài Gòn; Huế nằm bên bờ sông Hương. Thời gian đã chứng minh việc phát triển thành phố bên sông là hướng đi đúng đắn khi những đô thị trên đều có sự phát triển vượt bậc. Xác định sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm trong Quy hoạch Thủ đô nhằm khẳng định xu thế tất yếu này.
Những cây cầu nổi tiếng thế giới
Nằm vắt ngang dòng sông Thames thơ mộng, cầu Tháp London là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng bậc nhất của thủ đô nước Anh, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Cây cầu là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử và công nghệ.
Vào cuối thế kỷ 19, khi London trở thành trung tâm thương mại sôi động, sông Thames đông đúc tàu bè, nhu cầu về một cây cầu mới đặt ra cấp thiết. Nhưng một yêu cầu khó khăn đối với kiến trúc sư Horace Jones, người được chọn để thiết kế công trình này đó là một cây cầu vừa có thể phục vụ giao thông đường bộ vừa không làm cản trở những con tàu khổng lồ.
Từ năm 1886 đến năm 1894, sau 8 năm xây dựng, cầu Tháp London được khánh thành và đã trở thành kỳ quan kỹ thuật của thời đại nữ hoàng Victoria. Với tháp đôi cao 65m, mang phong cách Gothic, cây cầu như một lâu đài tráng lệ giữa lòng thành phố. Điều đặc biệt nhất của cây cầu này chính là phần cầu nâng nằm ở giữa. Chỉ trong 90 giây, nó có thể nâng lên, mở lối cho những con tàu khổng lồ đi qua, một thiết kế cực kỳ tiên tiến vào thời điểm đó và vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.
Đối với du khách, cầu Tháp London còn là một điểm tham quan hấp dẫn với khu trưng bày bên trong cầu giúp du khách tìm hiểu về lịch sử xây dựng cây cầu, chiêm ngưỡng hệ thống máy móc vận hành ban đầu và đặc biệt là trải nghiệm đi bộ trên sàn kính trong suốt ở độ cao 42m để ngắm nhìn toàn cảnh sông Thames. Cầu Tháp London cũng xuất hiện trong vô số bộ phim bom tấn, từ James Bond đến Sherlock Holmes và là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật, âm nhạc và văn học.
Tại Bồ Đào Nha, có một cây cầu không nằm ở thủ đô những cũng rất nổi tiếng đối với những người yêu thích thiên nhiên và mạo hiểm. Cây cầu treo 516 Arouca nằm vắt ngang giữa hai hẻm núi phía trên dòng sông Paiva hùng vĩ. Với chiều dài 516m, cầu nằm lơ lửng ở độ cao 175m so với mặt đất.
516 Arouca là một kỳ tích về kỹ thuật và cũng là biểu tượng cho sự táo bạo và sáng tạo của người Bồ Đào Nha. Được thiết kế với sàn lưới kim loại xuyên thấu, cây cầu mang đến cảm giác "thót tim" nhưng đầy phấn khích cho những du khách đủ can đảm bước qua. Từ giữa cầu, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh hẻm núi Paiva xanh mướt và dòng thác Aguieiras đổ xuống từ độ cao ước chừng hàng chục mét, tạo nên một trải nghiệm khó quên.
Khu vực xung quanh cầu nổi tiếng với tuyến đường mòn Paiva Walkways - con đường gỗ men theo triền núi dài 8km được đánh giá là một trong những cung đường trekking đẹp nhất châu Âu. Cầu Arouca từng được công nhận là cầu treo đi bộ dài nhất thế giới khi khánh thành vào tháng 5/2021. Tuy nhiên, danh hiệu này đã bị soán ngôi bởi cầu treo Sky của Cộng hòa Séc, dài 721m, mở cửa vào tháng 5/2022.