Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc họp về phân định thẩm quyền lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Chiều 23/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì các cuộc họp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về rà soát các Nghị định về phân cấp, phân quyền gắn với phân định thẩm quyền thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thuộc lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

255 nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tài chính đề xuất phân cấp, phân quyền

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, qua rà soát đến thời điểm hiện nay, Bộ có 313 nội dung, nhiệm vụ, thẩm quyền đề xuất phân cấp, phân quyền được quy định tại 75 văn bản quy phạm pháp luật (16 luật, 1 pháp lệnh, 9 nghị quyết của Quốc hội, 36 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 12 thông tư của Bộ trưởng).

Trong đó, số nội dung đã thực hiện (tại các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và các văn bản hướng dẫn thi hành) là 58 nội dung (về quy hoạch, đầu tư, quản lý sử dụng tài sản công, đấu thầu, ngân sách Nhà nước, chứng khoán, dự trữ quốc gia, quản lý doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển địa phương).

Còn lại 255 nội dung nhiệm vụ thẩm quyền đề xuất phân cấp, phân quyền. Trong đó, 95 nội dung sẽ được giải quyết tại các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Số nội dung dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới tại các nghị định do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo là 160 nội dung (liên quan đến mô hình 2 cấp là 79 nội dung và phân cấp, phân quyền là 81 nội dung).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, các nhiệm vụ, thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phân quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương là 21 nội dung.

Các nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Tài chính; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho chính quyền địa phương 42 nội dung.

Tổng nhiệm vụ, thẩm quyền chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã là 73 nội dung. Trong đó, chuyển nhiệm vụ, thẩm quyền từ UBND cấp huyện về UBND cấp xã là 52; chuyển, nhiệm vụ thẩm quyền từ Chủ tịch UBND cấp huyện về Chủ tịch UBND cấp xã là 21.

Chuyển nhiệm vụ, thẩm quyền từ UBND cấp huyện lên UBND cấp tỉnh là 5; chuyển nhiệm vụ, thẩm quyền từ Chủ tịch UBND cấp huyện lên Chủ tịch UBND cấp tỉnh là 1.

Thực hiện các chỉ đạo về sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ đã khẩn trương xây dựng các nghị định liên quan đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Bộ sẽ trình ban hành các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn các luật đang trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có những nội dung về phân cấp, phân quyền gắn với thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, làm rõ việc phân định một số thẩm quyền liên quan đến xác định chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp xã; ấn định thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đặc biệt quan tâm đến phân định thẩm quyền trong lĩnh vực thu ngân sách, quản lý thuế khi không tổ chức cấp huyện cũng như thẩm quyền quyết định đầu tư…

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bộ cần tiếp tục rà soát, thống kê cụ thể các nhiệm vụ, cân nhắc, tính toán cụ thể, chi tiết, khoa học, đầy đủ, toàn diện để xác định việc phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền phù hợp, hiệu quả; làm rõ khi triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện, thực hiện phân cấp triệt để thì từng cấp giữ những thẩm quyền gì.

“Thẩm quyền nào từ UBND cấp huyện lên tỉnh. Thẩm quyền, nhiệm vụ nào đưa từ huyện về cấp xã. Giải thích rõ lý do thẩm quyền nào trung ương phải giữ lại, thẩm quyền nào phân cấp có địa phương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Dẫn một loạt ví dụ liên quan đến vấn đề về quản lý thuế, Phó Thủ tướng nêu rõ, “phân cấp là giao việc, còn phân quyền là giao quyền, đã phân cấp phải đi liền với phân quyền và phải rõ, cụ thể, địa phương mới thực hiện được”.

Tiếp tục nghiên cứu nội dung về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền lĩnh vực ngân hàng

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cũng trong chiều nay, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc họp với Ngân hàng Nhà nước về phân cấp, phân quyền thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, căn cứ mô hình tổ chức và hoạt động được quy định tại Nghị định số 26/2025/NĐ-CP (và thực tế không có cơ quan chuyên môn trực thuộc chính quyền địa phương), Ngân hàng Nhà nước không thực hiện phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Về nội dung đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và có phương án xử lý đối với 16 văn bản chịu tác động. Trong đó có 1 nghị định và 4 thông tư của Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung ngay (Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn); 2 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 7 thông tư của Ngân hàng Nhà nước chưa cần sửa đổi ngay mà sửa đổi theo lộ trình.

Đối với việc sửa đổi Nghị định 55, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình theo đúng thời hạn, trong đó đề xuất sửa đổi theo hướng bỏ nội dung “xác nhận của UBND cấp huyện xác nhận đối với hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại” tại Biên bản xác định khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay và bổ sung quy định giao UBND cấp xã hực hiện nội dung xác nhận này.

Đối với 4 thông tư cần sửa đổi ngay do có nội dung liên quan đến chính quyền địa phương 2 cấp, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện sửa đổi, bổ sung các thông tư này, bảo đảm hoàn thành trước 31/5/2025.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương có ý kiến đối với Nghị định số 55 để đảm bảo tiến độ ban hành trước 30/5 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận nội dung này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước không có tổ chức tại cấp huyện, cấp xã; lĩnh vực này từ trước đến nay thực hiện chặt chẽ, nên không có vướng mắc. Một số vấn đề cần xử lý đã được trình trong Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu nội dung về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để đề xuất phù hợp.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-hop-ve-phan-dinh-tham-quyen-linh-vuc-tai-chinh-ngan-hang-20250523183448622.htm
Zalo