Cầu truyền hình 'Bản trường ca hòa bình': Vang vọng khúc khải hoàn thống nhất non sông
Tối 6-4, cầu truyền hình nghệ thuật đặc biệt 'Bản trường ca hòa bình' đã diễn ra tại 3 điểm cầu: Hà Nội (Trung tâm phát thanh - Truyền hình Quân đội), TPHCM (Hội trường Thống Nhất) và Đắk Lắk (tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).


Tiết mục múa ca ngợi hòa bình tại điểm cầu TPHCM (Hội trường Thống Nhất). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chương trình do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thành ủy và UBND TPHCM, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng các đơn vị của Quân khu 5, Quân khu 7… thực hiện. Đây là một trong những chương trình giao lưu chính luận, nghệ thuật quy mô lớn đầu tiên được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

Các đại biểu tham dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG
Đến dự chương trình, tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y tế; Thượng tướng Lê Quang Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam…
Tại điểm cầu TPHCM, có các đồng chí: Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trương Mỹ Hoa, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước; Thượng tướng Trần Đơn, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc, Chính ủy Quân khu 7; Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Chính ủy Quân khu 9; Trần Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM;…
Tại điểm cầu Đắk Lắk, có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; Trung tướng Đỗ Xuân Tụng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam;…
>> Một số hình ảnh các tiết mục nghệ thuật tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG.



Chương trình mang tới các câu chuyện, hồi ức bi tráng, giàu cảm xúc của các nhân chứng lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh - một trong những thắng lợi vĩ đại hiển hách nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, kết thúc 21 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ. Nội dung của chương trình khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đặc biệt, đêm nghệ thuật còn kết hợp trình diễn ánh sáng 3D mapping, laser, khói lửa, pháo hoa, trình chiếu đồ họa... hình tượng hóa, nghệ thuật hóa các thông tin lịch sử, giúp các câu chuyện, ký ức lịch sử trở nên dễ hiểu, dễ tiếp cận với đông đảo các tầng lớp khán giả, đặc biệt là lớp trẻ.

Tiết mục sân khấu hóa tại điểm cầu Hà Nội, tái hiện hành trình 21 năm thống nhất đất nước. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tại các điểm cầu còn có sự giao lưu cùng các mẹ Việt Nam anh hùng, nhân chứng lịch sử chia sẻ lại khoảnh khắc hào hùng trong ngày tháng can trường. Tại điểm cầu Hội trường Thống nhất, Đại tá, Anh hùng LLVTND Từ Đễ chia sẻ: “Hai cha con tôi cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bố tôi lúc ấy là Phó Cục trưởng Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần, tham gia hỗ trợ công tác hậu cần cho chiến dịch. Còn tôi lúc đấy đang là phi công thuộc phi đội Quyết thắng. Chúng tôi được lệnh của trên là tuyệt đối không ném bom vào đường băng, với mong muốn gửi tới đối phương thông điệp là “các ông hãy về với quê hương của mình đi và trả lại hòa bình cho chúng tôi”. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi bay thêm một vòng trên bầu trời Sài Gòn, dù đạn pháo của địch bắn lên nhiều nhưng lúc đó với tôi đó là pháo hoa chào đón ngày chiến thắng đang đến rất gần. Và khi hai cha con tôi đã gặp lại nhau trong niềm vui thống nhất đất nước, và cha tôi nói với tôi là “Hòa bình rồi! Về nhà thôi, mẹ chờ!”.

Giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Là một trong những phóng viên chiến trường theo sát các cánh quân tiến về Sài Gòn, nhà báo Trần Mai Hưởng (Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) kể lại: “Đó là ngày mà toàn dân tộc đã cùng chờ đợi từ rất lâu. Trên đường chúng tôi theo các đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn, có những nơi người dân đã ùa ra đường đón. Khi chúng tôi vào đến Dinh Độc Lập thì bắt gặp một anh nhà báo người Đức đang tung chiếc máy ảnh của anh ấy lên trời, cùng ăn mừng chiến thắng với chúng tôi”.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại biểu, khách mời... tặng hoa cho các nghệ sĩ tham gia chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Và vang vọng trong khúc khải hoàn của dân tộc, lời tri ân lớp người ngã xuống để làm nên dáng hình Tổ quốc hôm nay còn mãi trong lòng mỗi thế hệ người Việt Nam. Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quý (Chiến sĩ xe tăng 846, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 Quân Giải phóng, năm 1975) nhớ lại trong nỗi niềm xúc động về đồng đội: “Tôi là pháo thủ số 2 nên khi chiến đấu, qua ống ngắm của xe tăng, mình quan sát được hết các diễn biến bên ngoài. Và tôi không thể nào quên được những anh bộ binh, mà mình không hề biết mặt, biết tên, chiến đấu yểm trợ cho xe tăng tiến lên. Mình thì ngồi trong xe tăng còn có xe tăng che chắn, các anh ấy thì ở bên ngoài, có những người đã hy sinh ngay trước mắt mình, máu bắn vào kính ngắm, mình nhìn thấy đấy mà không thể làm gì hơn được, đau xót lắm, trong người mình lại càng sục sôi quyết tâm chiến đấu để chiến tranh sớm kết thúc, cho đất nước hòa bình”.
Tại điểm cầu Buôn Ma Thuột, chương trình đã thu hút hàng trăm người dân, du khách đến tham gia dự.
Chương trình "Bản trường ca hòa bình" được tổ chức tại Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc
Tại đây Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn xe tăng 273 (Quân đoàn 3) – người chỉ huy chiếc xe tăng 980 đã đánh vào sư bộ 23 ngụy ở thị xã Buôn Ma Thuột (nay TP Buôn Ma Thuột) vào ngày 10-3-1975, đã chia sẻ sâu sắc về diễn biến trận đánh Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tặng kỷ vật mũ xe tăng 980 cho tỉnh Đắk Lắk
Nhân dịp này, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã tặng tỉnh Đắk Lắk 4 chiếc mũ xe tăng của 4 thành viên cùng tham gia chiến đầu trên chiếc xe tăng 980 ngày ấy. Những kỷ vật này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn góp phần giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về tinh thần quả cảm, lòng yêu nước và ý chí kiên cường của những người lính xe tăng năm xưa.
4 chiếc mũ được Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng trao tặng tỉnh Đắk Lắk