Câu trả lời của Nga trước tên lửa siêu vượt âm Dark Eagle

Nga đã phát triển 2 hệ thống, gồm S-500 Prometheus và radar Yenisei, có thể đối phó với mối đe dọa từ các vũ khí siêu vượt âm và vũ khí không gian.

Quân đội Mỹ đã phóng thành công tên lửa siêu vượt âm Dark Eagle từ Trạm không quân Mũi Canaveral ở bang Florida ngày 12/12 vừa qua. Đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được thử nghiệm thực tế kể từ khi ra mắt vào tháng 2/2023.

Tên lửa Dark Eagle thuộc hệ thống vũ khí siêu vượt âm tầm xa (LRHW) do Lockheed Martin và Northrop Grumman phát triển. Hệ thống này có khả năng phóng tên lửa đạt tốc độ khoảng 6.115 km/giờ, nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, và tầm bắn lên tới 2.776km.

Vụ phóng thử tên lửa Dark Eagle được thực hiện tại sân bay vũ trụ Cape Canaveral. Ảnh: Defense News

Vụ phóng thử tên lửa Dark Eagle được thực hiện tại sân bay vũ trụ Cape Canaveral. Ảnh: Defense News

“Cuộc thử nghiệm này đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc phát triển một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tích hợp vũ khí này vào các tàu nổi và tàu ngầm của hải quân nhằm duy trì vị thế lực lượng chiến đấu hàng đầu thế giới”, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro cho biết.

Tên lửa siêu vượt âm mới có thể đem lại cho Mỹ khả xuyên thủng qua hoặc làm cho các hệ thống phòng thủ chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2-AD) của Nga trở nên vô hiệu.

Nga lo ngại rằng tên lửa siêu vượt âm của Mỹ có thể khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại trở nên lỗi thời. Quỹ đạo bay khó lường và tốc độ cực cao khiến chúng rất khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ hiện tại, tạo ra một mối đe dọa đáng kể đối với các tài sản chiến lược của Moscow.

Cặp đôi S-500 Prometheus và radar Yenisei

Nga đã phát triển 2 hệ thống, gồm S-500 Prometheus và radar Yenisei, để đối phó với mối đe dọa từ các vũ khí siêu vượt âm và vũ khí không gian.

Trong một cuộc họp ngày 18/12, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, tướng Valery Gerasimov, cho biết việc phát triển hệ thống S-500 là một trong các biện pháp phòng thủ hàng đầu mà Nga thực hiện.

“Một đơn vị Không quân Vũ trụ Nga đã được thành lập nhằm tăng cường khả năng của hệ thống phòng thủ không gian. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trang bị hệ thống phòng không S-500 Prometheus”, ông Gerasimov cho biết.

Theo các chuyên gia quân sự, S-500 không được thiết kế để thay thế S-400 như nhiều người vẫn nghĩ. Nó được phát triển để lấp đầy khoảng trống giữa S-400 và A-135.

Hệ thống A-135 được sử dụng để bảo vệ khu vực thủ đô Moscow chống lại các cuộc tấn công của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

S-500 có tất cả khả năng của S-400, nhưng được cải tiến để tiêu diệt một loạt mục tiêu trong không gian gần.

Hệ thống S-400 phòng thủ chống lại máy bay ném bom, máy bay trinh sát, hoặc các trạm chỉ huy trên không ở khoảng cách lên đến 400 km bằng tên lửa 40N6M.

S-500 cũng có thể phóng tên lửa 40N6M, nhưng nó đặc biệt ở khả năng bổ sung là đánh chặn các tên lửa đạn đạo tốc độ cao hoặc các mối đe dọa từ không gian bằng tên lửa mới 77N6-N và 77N6-N1.

S-500 có thể dễ dàng tích hợp vào hệ thống phòng không thống nhất. Trong tương lai, S-500 sẽ là xương sống của hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa quốc gia nhằm bảo vệ Liên bang Nga.

Thành phần thứ 2 trong hệ thống chống các mối đe dọa siêu vượt âm của Nga là radar đa băng tần phức hợp (AESA) Yenisei.

Yenisei được phát triển để tăng cường khả năng của S-400 và S-500 trong việc đối với các mục tiêu siêu thanh và máy bay tàng hình. Yensei là phiên bản cải tiến của radar 91N6E trong hệ thống S-400.

Radar Yenisei có thể phát hiện và theo dõi các mục tiêu ở khoảng cách cực xa, lên tới hơn 600 km, tùy thuộc vào kích thước và độ cao của mục tiêu. Nó có thể giám sát các vật thể trong không gian gần và quỹ đạo thấp của Trái Đất và rất lý tưởng để đối phó với các mối đe dọa tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu vượt âm.

Thuật toán tiên tiến và khả năng hoạt động đa băng tần cho phép Yenisei phát hiện và theo dõi các máy bay và tên lửa tàng hình. Radar cũng có thể theo dõi hàng trăm mục tiêu cùng lúc.

Khoảng cách phát hiện mục tiêu của radar Yenisei cao hơn một chút so với radar 91N6E, nhưng điểm đặc biệt của là bộ định vị pha tần kép của Yenisei cung cấp khả năng phân biệt mục tiêu tốt hơn nhiều, có thể lọc ra các tín hiệu giả mạo.

Ngoài khả năng giám sát 360 độ, Yenisei còn có khả năng “dừng và nhìn”, chế độ quan sát theo từng khu vực để phát hiện các mục tiêu siêu vượt âm có kích thước nhỏ.

Yenisei còn có chế độ hoạt động thụ động để nghe lén điện tử hoặc giám sát không gian. Trong trường hợp này, nó có thể truyền dữ liệu mục tiêu cho các radar đa chức năng của hệ thống S-400/S-500 để thực hiện các cuộc tấn công.

Yenisei cũng có thể theo dõi các tên lửa phòng không của chính mình sau khi phóng và phát hiện chính xác liệu mục tiêu có bị đánh trúng hay không.

Nhà phân tích quân sự người Ấn Độ Vijainder K. Thakur cho rằng, S-500 có thể sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay và ban đầu nó sẽ chỉ được sử dụng trong các đơn vị huấn luyện chuyên biệt của Nga. Việc triển khai rộng rãi hệ thống này có thể sẽ mất vài năm nữa. Tuy nhiên, điều đó sẽ diễn ra trước khi Mỹ đưa các hệ thống vũ khí siêu vượt âm vào sử dụng.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Eurasian Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/cau-tra-loi-cua-nga-truoc-ten-lua-sieu-vuot-am-dark-eagle-post1143812.vov
Zalo