Chân dung nhà lập pháp 23 tuổi trẻ nhất Nghị viện châu Âu

Vượt qua những thị phi về đời tư, Lena Schilling trở thành nhà lập pháp trẻ tuổi nhất Brussels và giành được cơ hội đấu tranh chống biến đổi khí hậu tại Nghị viện châu Âu.

Vận động tranh cử cho một ghế tại Nghị viện châu Âu hồi mùa xuân vừa qua, Lena Schilling đối mặt với nhiều thách thức, khi đảng Xanh được dự báo không đạt kết quả khả quan. Sau đó, theo New York Times, nhân cách của cô trở thành tâm điểm chỉ trích của một hãng truyền thông lớn, khiến tình hình của đảng Xanh đã khó khăn nay còn trở nên tồi tệ hơn.

Hôm 7/5, Der Standard - một trong những tờ báo hàng đầu của Áo - đăng tải bài viết cáo buộc Schilling phát tán tin đồn gây tổn hại đến đồng nghiệp và bạn bè, cũng như thao túng các nhà hoạt động khí hậu khác. “... gặp rắc rối với việc nói thật, lợi dụng mọi người và để lại sau lưng một mớ hỗn độn”, Der Standard ghi.

Schilling trở thành tâm điểm trên toàn quốc, thổi bùng 2 luồng ý kiến trái chiều. Werner Kogler - Phó thủ tướng Áo và phát ngôn viên đảng Xanh - gọi bài báo là “lời thì thào ẩn danh”, còn Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen công khai ủng hộ thành viên cùng đảng.

Tuy nhiên, nhiều tờ báo Áo gọi Schilling là “Lying Lena” (Lena dối trá), và cuộc thảo luận còn vượt biên sang tận nước Đức, với tờ Der Spiegel đặt cho bà biệt danh “Gossip Girl” (Cô gái buôn chuyện).

Tổn hại về mặt cá nhân lẫn chính trị

Schilling đã giải thích trong một cuộc họp báo, khẳng định những cáo buộc không liên quan gì tới “chính trị hay châu Âu hay cuộc bầu cử sắp tới”.

“Tôi muốn tham gia chính trường vì tôi muốn thay đổi cách chúng ta giải quyết các vấn đề về khí hậu, vốn gây tổn hại cho hàng triệu người”, Schilling nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Và chúng ta lại bàn tán về đời tư của tôi và những chuyện này không nên được công khai”.

Sau đó, Schilling công khai xin lỗi một số cáo buộc Der Standard công bố, nhưng phủ nhận nhiều thông tin khác, như cô chưa từng cân nhắc rời bỏ đảng Xanh.

Những tiết lộ này gây tổn hại về mặt cá nhân lẫn chính trị. “Sau bê bối, một câu hỏi còn sót lại là về sự chân thành và đáng tin cậy của Lena Schilling với tư cách một ứng viên”, Jakob-Moritz Eberl - nhà nghiên cứu về bầu cử tại Đại học Vienna - cho biết.

 Schilling tham gia cuộc tranh luận trên truyền hình trước thềm bầu cử châu Âu hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Schilling tham gia cuộc tranh luận trên truyền hình trước thềm bầu cử châu Âu hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Tới tháng 6, sau nhiều tuần bị soi xét, Schilling nhận về tin tốt. Hội đồng Báo chí Áo xác định Der Standard vi phạm “quy tắc danh dự” khi sử dụng quá nhiều trích dẫn ẩn danh. Đồng thời, Schilling là một trong hai thành viên của đảng Xanh giành được một ghế và nhậm chức với tư cách thành viên trẻ nhất trong Nghị viện châu Âu ở tuổi 23.

Cơn bão truyền thông vừa qua là thách thức đầu tiên với Schilling trên cương vị chính trị gia. Dưới tư cách một nhà lập pháp nữ trẻ tuổi, cô cho rằng còn nhiều điều khác đang chờ đợi mình.

“Ngay cả vào năm 2024, nhiều người vẫn sẽ không coi trọng ai đó vì giới tính và tuổi tác của họ. Tôi muốn chứng minh cho những người đó thấy họ đã sai”, cô nói.

Một số chuyên gia nhận định tuổi tác và giới tính của Schilling là nguyên nhân khiến cô bị nhiều tờ báo công kích. “Vừa trẻ vừa là phụ nữ, một điều khá mới mẻ tại Áo”, Sophie Lecheler - giáo sư truyền thông tại Đại học Vienna - nói. Bà Lecheler mô tả phạm vi đưa tin nhìn chung “hỗn loạn, bốc đồng và thiên về cảm xúc”.

Cơ hội 5 năm

Bố mẹ Schilling đưa cô đến cuộc biểu tình đầu tiên khi cô là một đứa trẻ mới biết đi. Họ có con ở độ tuổi 20 và nuôi dạy theo cách “rất thoải mái”. “Bố mẹ luôn nói: ‘Con có thể làm được, cứ thử đi’. Đôi khi mọi chuyện tốt đẹp, đôi lúc thì không”, cô kể.

Tại khu vực lao động ở thủ đô Vienna nơi cô lớn lên, người dân có những mối bận tâm khác ngoài khí hậu, và “những suy nghĩ chính trị của tôi không được chào đón lắm”. Cho đến khi trở thành một thiếu niên, cô gia nhập cùng những nhà hoạt động vì khí hậu của thành phố.

Tháng 3/2019, trước khi trở thành sinh viên khoa học chính trị tại Đại học Vienna, cô có bài phát biểu trong cuộc biểu tình đầu tiên của Fridays for Future trên toàn thế giới, khi sinh viên nghỉ học và yêu cầu giới chức hành động vì biến đổi khí hậu.

Đêm trước đó, viễn cảnh phải phát biểu trước đám đông lớn ở Vienna khiến cô “run rẩy”. Trước khi đi ngủ, cô xem điện thoại và thấy cảnh những sinh viên biểu tình đã xuống đường ở Australia. Sự lo lắng biến mất, thay thế bằng nguồn cảm hứng.

2,5 năm sau, cô cùng nhiều nhà hoạt động trẻ khác biểu tình tại một công trường xây dựng ở rìa khu bảo tồn thiên nhiên bên ngoài Vienna, nơi chính phủ có kế hoạch xây dựng một đường hầm cao tốc. Vài tháng sau cuộc biểu tình, Bộ trưởng Môi trường Leonore Gewessler thuộc đảng Xanh đã quyết định hủy bỏ dự án.

“Tôi nhận thấy những người phụ nữ mạnh mẽ trong chính trường có thể tạo ra sự thay đổi”, Schilling nói. “Những người đấu tranh cho khí hậu như bà ấy đã hành động suốt nhiều thập niên, và rồi bà ấy ngồi trong vị trí có thể ra quyết định”.

Tháng 2 vừa qua, đảng Xanh tuyên bố cô sẽ là ứng viên hàng đầu tại Nghị viện Châu Âu, biến cô thành gương mặt đại diện cho chiến dịch.

 Cuộc biểu tình Fridays For Future ở Vienna, Áo, năm 2019. Ảnh: Reuters.

Cuộc biểu tình Fridays For Future ở Vienna, Áo, năm 2019. Ảnh: Reuters.

Nhưng rồi cuộc sống cá nhân của cô bị phơi bày.

Der Standard đưa tin một người bạn cũ cùng chồng đã kiện Schilling với cáo buộc cô rêu rao rằng người này bạo hành vợ. Hai bên đạt thỏa thuận vào tháng 10, và vụ kiện đã bị hủy bỏ. Ngoài ra, Schilling được cho là đã bịa mối quan hệ với một nhà báo truyền hình. Người này yêu cầu và nhận được một tuyên bố có công chứng từ Schilling rằng họ không hề quen biết nhau.

Sau vụ lùm xùm, nhiều người tự hỏi liệu đảng Xanh có thành công hơn nếu có một ứng viên ít gây tranh cãi hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn và được thẩm định kỹ lưỡng hơn không.

“Họ làm sao có thể phớt lờ một vụ bê bối như vậy?”, ông Eberl - nhà nghiên cứu về bầu cử - nói, nhấn mạnh Thomas Waitz - ứng viên thứ hai của đảng Xanh - đã nhận được số phiếu bầu gần gấp đôi Schilling.

Schilling thừa nhận mình không hoàn hảo. “Tôi đã phạm sai lầm trong đời sống cá nhân. Tôi còn trẻ. Tôi đã xin lỗi vì những sai lầm đó và tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm”, vị chính trị gia 23 tuổi nói.

Khi đã ngồi vào ghế nghị sĩ, Schilling coi nhiệm kỳ 5 năm là cơ hội chứng minh bản thân là một chính trị gia đáng tin cậy và coi cuộc khủng hoảng khí hậu là ưu tiên tuyệt đối.

"Chính trị không phải về cảm xúc cá nhân, mà là đấu tranh cho cuộc sống của mọi người. Người làm chính trị là một chiến binh, nhưng cảm xúc cá nhân không đặt lên đầu. Lý tưởng mới là thứ dẫn đường”, cô nói.

So với năm 2019 khi đảng Xanh chiến thắng tại Nghị viện châu Âu với thành tích tốt nhất từ trước tới nay, bầu không khí hiện tại ảm đạm hơn nhiều. Sau khi mất 1/4 ghế hồi tháng 6, đảng Xanh đang nghiêng về chiến lược thỏa hiệp và thực dụng.

"Theo khảo sát, người dân quan tâm tới khủng hoảng khí hậu, nhưng họ hiện tại ưu tiên tới những thứ khác hơn. Tôi hiểu điều đó”, Schilling nói, ám chỉ tới xung đột Ukraine và lạm phát.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chan-dung-nha-lap-phap-23-tuoi-tre-nhat-nghi-vien-chau-au-post1519714.html
Zalo