'Cầu nối se duyên' đẩy lùi hôn nhân cận huyết thống ở bản Rào Tre

Từ mô hình 'Cầu nối se duyên' nhiều đôi bạn trẻ đã kết duyên vợ chồng, qua đó góp phần từng bước đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc Chứt (bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Video: “Cầu nối se duyên” đẩy lùi hôn nhân cận huyết thống ở bản Rào Tre

Mô hình “Cầu nối se duyên” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh được triển khai thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Từ mô hình này, nhiều đôi bạn trẻ đã tìm hiểu, kết duyên vợ chồng, qua đó góp phần từng bước đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc Chứt (bản Rào Tre, xã Hương Liên).

 Đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và Đồn Biên phòng Bản Giàng chúc mừng vợ chồng chị Hồ Thị Thường và anh Thái Văn Khải tại đám cưới

Đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và Đồn Biên phòng Bản Giàng chúc mừng vợ chồng chị Hồ Thị Thường và anh Thái Văn Khải tại đám cưới

Mới đây, đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên lại đón thêm niềm vui mới, khi người con gái của bản là Hồ Thị Thường (tên thường gọi Thùy Thường) kết duyên vợ chồng cùng anh Thái Văn Khải, người dân tộc Kinh ở huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình). Đám cưới được tổ chức tại địa điểm Tổ công tác Biên phòng cắm bản Rào Tre (thuộc Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) trong không khí ấm áp, hạnh phúc với sự chung vui của chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và đông đảo người dân nơi đây.

 Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng tổ công tác Biên phòng cắm bản Rào Tre, phát biểu chúc mừng vợ chồng Hồ Thị Thường và anh Thái Văn Khải

Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng tổ công tác Biên phòng cắm bản Rào Tre, phát biểu chúc mừng vợ chồng Hồ Thị Thường và anh Thái Văn Khải

Phấn khởi tại đám cưới của mình, chị Hồ Thị Thường cho biết, trước đây, thanh niên người dân tộc Chứt chủ yếu kết hôn với người trong bản Rào Tre. Hiện nay, do nhận thức được tình trạng hôn nhân cận huyết thống nên qua "Cầu nối se duyên" em đã quen được anh Khải, người dân tộc kinh ở tỉnh Quảng Bình, rồi chúng em tìm hiểu và quyết định đi đến hôn nhân. Được Bộ đội Biên phòng và dân bản giúp đỡ tổ chức đám cưới này nên em rất vui và mong muốn vợ chồng sẽ hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh.

Bản Rào Tre hiện có 45 hộ dân với 157 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Chứt. Số người trong độ tuổi kết hôn của người Chứt là 14 nam nhưng chỉ có 1 nữ, chênh lệch giới tính đang ở mức báo động. Trước đây, người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre hôn nhân khép kín trong bản, ít giao tiếp với bên ngoài nên tình trạng hôn nhân cận huyết thống (con anh em, con chú bác, con cô cậu, họ hàng… lấy nhau) là một trong những vấn đề nhức nhối nhất, dẫn đến hậu quả là trẻ em sinh ra chủ yếu bị dị tật; thanh, thiếu niên sức khỏe kém, thường xuyên đau ốm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống và lao động sản xuất.

 "Ông mai, bà mối" Bộ đội Biên phòng se duyên cho chị Hồ Thị Thường và anh Thái Văn Khải

"Ông mai, bà mối" Bộ đội Biên phòng se duyên cho chị Hồ Thị Thường và anh Thái Văn Khải

Điển hình những trường hợp hôn nhân cận huyết thống như nhà ông Hồ Gio lấy vợ là Hồ Thị Hoa, đã có 3 người con, nhưng cha của ông Gio và mẹ của bà Hoa là 2 anh em ruột; anh Hồ Hải lấy chị Hồ Thị Tương, trong khi cả 2 có quan hệ là cậu và cháu; hay chị Hồ Nhỏ lấy anh Hồ Hùng, hiện có 4 người con, chị Nhỏ là con cậu, anh Hùng là con cô; hay trường hợp chị Hồ Bình lấy anh Hồ Văn Bốn, nhưng cha của chị Bình và cha của anh Bốn là 2 anh em ruột…

Nhằm từng bước đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình “Cầu nối se duyên” rất thiết thực và mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua mô hình này, đã góp phần nâng cao, thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Chứt về những hạn chế của hôn nhân cận huyết thống.

 Những ngôi nhà của bà con dân tộc Chứt ở khu tái định cư bản Rào Tre

Những ngôi nhà của bà con dân tộc Chứt ở khu tái định cư bản Rào Tre

Và sự kiện đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho kết quả này, đó là vào năm 2015, khi lần đầu tiên trong cộng đồng người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre có 2 thiếu nữ là Hồ Thanh Mai, Hồ Thị Mỹ Duyên kết hôn với 2 chàng trai người kinh là Lê Xuân Công và Nguyễn Đình Nhân. Sau đó, nhiều nam, nữ trong bản tiếp tục được se duyên kết hôn với người ngoài bản.

Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng tổ công tác Biên phòng cắm bản Rào Tre, cho biết, trước đây, bà con dân bản Rào Tre không tìm được mối duyên ở bên ngoài nên bộ đội biên phòng đã tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Từ đó, bộ đội biên phòng đã làm những “ông mai, bà mối” tạo những nhịp cầu nối duyên để con em đồng bào dân tộc Chứt kết hôn với người các địa phương khác.

 Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuyên truyền cho bà con dân bản về hạn chế hôn nhân cận huyết thống

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuyên truyền cho bà con dân bản về hạn chế hôn nhân cận huyết thống

Theo chị Hồ Thị Kiên, Trưởng bản Rào Tre, giờ đây, bà con dân bản đã hiểu biết hơn, nhận thức được tình trạng hôn nhân cận huyết thống nên không dám kết hôn với người cùng huyết thống nữa. Qua mô hình “Cầu nối se duyên” của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, đến nay, trong bản Rào Tre đã có 8 đôi kết hôn với người ngoài bản, chủ yếu kết hôn với người dân tộc kinh ở các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Thọ. Sau kết hôn, các cặp vợ chồng đều sinh con khỏe mạnh, thông minh, học giỏi, chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế nổi bật.

 Một góc khu tái định cư ở bản Rào Tre

Một góc khu tái định cư ở bản Rào Tre

Những cuộc giao lưu, gặp gỡ, hò hẹn qua mô hình “Cầu nối se duyên” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh kết nối, đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre với người ở các địa phương khác, từng bước tiến tới đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Để rồi, những đứa con sinh ra đều được khỏe mạnh bình thường, góp phần bảo tồn và phát triển người dân tộc Chứt.

DƯƠNG QUANG - THẾ MẠNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cau-noi-se-duyen-day-lui-hon-nhan-can-huyet-thong-o-ban-rao-tre-post763657.html
Zalo