Câu chuyện hôm nay: Hà Nội - Ước vọng về một Thủ đô Xanh

Với xu thế đô thị hóa và bê tông hóa, các tòa nhà cao tầng mọc lên một cách ồ ạt đã gây nên những hậu quả không hề nhỏ, tác động tới môi trường trong các đô thị. Tập trung đông dân cư, vỡ quy hoạch nhà cao tầng, mật độ cây xanh và diện tích không gian xanh công cộng thấp, lưu lượng giao thông lớn,... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nền nhiệt ngày càng tăng cao bất thường, hiệu ứng đảo nhiệt đô thị ngày càng trầm trọng ở Hà Nội. Đứng trước thực trạng này, nhiều chuyên gia đã nhận định: Quan tâm nhiều hơn đến quy hoạch không gian xanh chính là lời giải cho bài toán đảm bảo chất lượng sống trong các đô thị.

Tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển không gian cây xanh - mặt nước đã xác định "không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị; hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp,…" và mặt nước bao gồm hệ thống sông, hồ, đầm.

Sau khi quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo lập và phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014. Mặc dù vậy, có nhiều hơn các không gian xanh trong đô thị vẫn luôn là một niềm mong mỏi của người dân thủ đô.

Theo thống kê của thành phố Hà Nội, "siêu bão" số 3 quét qua Hà Nội đã khiến hơn 40.000 cây đổ và cành gãy trên địa bàn thành phố. Chứng kiến cảnh tượng hoang tàn của thành phố với những gốc cây lâu năm bị gãy đổ đã khiến nhiều người đặt ra bài toán về việc cần đảm bảo cho cây xanh đô thị phát triển được bền vững. Bởi giờ đây, cây xanh nói riêng và không gian xanh nói chung đã trở thành một phần không thể thiếu của Thủ đô, gắn bó mật thiết tới đời sống người dân và sự phát triển của thành phố.

Theo Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, tỷ lệ đất cho cây xanh khoảng 10m2/người vào năm 2030. Để thực hiện được chỉ tiêu này, các cơ quan chính quyền đã quan tâm chủ động hơn trong việc điều chỉnh quy hoạch, tăng tỷ lệ công viên, cây xanh. Mới đây, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ và UBND quận Bắc Từ Liêm công bố đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại khu đô thị Nam Thăng Long. Trong đó, đáng chú ý là bổ sung một công viên cây xanh với diện tích 65ha ở bên trong khu đô thị này. Khi quy hoạch này được triển khai thì đây sẽ là công viên có diện tích lớn nhất tại Hà Nội đến nay.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô 2024 cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội về việc phát triển không gian xanh công cộng của thành phố Hà Nội.

Xu hướng trên thế giới từ lâu đã nghiên cứu, triển khai quy hoạch và xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái hay đô thị bền vững, thân thiện môi trường. Cụ thể, Đô thị xanh (Green Cities) là tổng thể quy hoạch xây dựng của 3 yếu tố gồm môi trường xanh - kinh tế xanh - xã hội xanh trong đó gồm 7 tiêu chí: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường. Có thể thấy, để hiện thực hóa ước vọng biến Hà Nội thành một đô thị xanh trong bối cảnh hiện nay thì sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm.

Tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội ngày 13/10/2020 đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố xanh-thông minh-hiện đại; Nghị quyết tập trung vào việc phát triển giao thông xanh, mở rộng diện tích cây xanh và bảo đảm rằng các công trình xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Đặt trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội “đất chật - người đông”, mật độ dân cư dày đặc, trong khi quỹ đất còn khá hạn hẹp thì việc xanh hóa đô thị có thể được thực hiện dưới nhiều giải pháp khác nhau mà công trình xanh chính là một lời giải tối ưu cho bài toán này.

Cải tạo và nâng cấp trên cơ sở vốn sẵn có, tăng cường không gian của cây cối, các tiêu chí xanh được thiết lập xuyên suốt thể hiện trên nhiều khía cạnh,… mô hình Trường THCS Trần Duy Hưng đã mở ra không gian học tập hiện đại, tiện nghi và là một trong những điểm nhấn xanh nổi bật của khu vực.

Việc được học tập, sinh hoạt trong một không gian trường học tăng cường tối đa các mảng xanh không chỉ giúp các em học sinh nâng chất lượng học tập, sinh hoạt của mình, mà còn giúp các em có định nghĩa rõ nét hơn về không gian xanh trong đời sống. Và từ đó, giúp các em hiểu hơn về giá trị của việc “xanh hóa” trong đời sống đô thị. Thực tế mô hình Trường THCS Trần Duy Hưng không phải công trình công lập đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai theo định hướng xây dựng xanh. Điều đó cũng cho thấy sự quan tâm và hướng đi của thành phố trong quy hoạch không gian đô thị.

Nhận diện thực tiễn khi con người đang dần ý thức được việc cần phải sống hài hòa với thiên nhiên như một quy luật không thể tránh được thì kiến trúc cũng bắt đầu có bước chuyển sang những khái niệm mới như: "Bền vững", "sinh thái" và "xanh"… chính từ đó, các cuộc thi về kiến trúc đã nhận diện một xu hướng thiết kế mới của tương lai đó là: “Tạo dựng sự hài hòa bền vững”, khi kiến trúc và thiên nhiên cùng song hành phát triển.

Thông qua các cuộc thi kiến trúc, những thông điệp thiết kế đã được khẳng định mạnh mẽ và góp phần lan tỏa giá trị tích cực, nhân văn mà các công trình kiến trúc mang lại cho đời sống con người. Giờ đây, không chỉ các công trình công lập mới tập trung chú trọng đến các yếu tố về môi trường mà ngay cả các công trình nhà ở đơn lẻ cũng đang thể hiện ý thức của các kiến trúc sư cũng như chủ đầu tư trong việc xanh hóa không gian sống.

Trong một không gian đơn giản có phần thô mộc, công trình này đã tận dụng tối đa các yếu tố của thiên nhiên như ánh sáng, không khí, cây xanh, giúp con người cảm nhận được tối đa những giá trị của thiên nhiên mang lại. Những “mạch máu xanh” nối liền với lõi của ngôi nhà đã mang lại sự kết nối cân bằng giữa con người với thiên nhiên để từ đó kiến trúc không chỉ là nơi “sống được” mà bản thân kiến trúc cũng “được sống”. Với công trình The “Ngõ” Alley House những bức tường được hoàn thiện bởi đất oliu đã tạo nên một không gian sống gần gũi với thiên nhiên, cân bằng giữa cơ sở hạ tầng xanh với khu vực bê tông đô thị xung quanh.

Nhận diện kiến trúc xanh và bền vững luôn là 2 yếu tố gắn bó chặt chẽ, các kiến trúc sư giờ đây cũng vận dụng rất linh hoạt các điều kiện sẵn có để giảm thiểu việc bê tông hóa, xây mới mà thay vào đó là cải tạo trên những nền tảng sẵn có để góp phần bảo vệ môi trường. Được cải tạo lại từ một biệt thự kiểu Pháp điển hình, lồng ghép yếu tố tự nhiên từ những chi tiết rất nhỏ như bức tường Indigo được tạo nên từ chàm tự nhiên trải qua rất nhiều công đoạn sơn bằng tay tỉ mỉ. Việc sử dụng vật liệu bản địa gần gũi có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là điểm chung trong thiết kế của nhiều công trình hiện nay.

Bảo vệ môi trường trong khi vẫn duy trì cả văn hóa vật thể và phi vật thể, kết hợp hài hòa giữa sự phát triển của đời sống công nghiệp, nhu cầu của con người và vẫn tôn trọng thiên nhiên để cùng song hành phát triển,… Tất cả đã tạo nên những công trình nhân văn, thể hiện ý thức và trách nhiệm gắn kết với thiên nhiên của con người nhằm hướng đến tạo dựng nền kiến trúc với sự hài hòa bền vững trong tương lai.

Thế giới đang ngày càng ý thức hơn về tầm quan trọng của không gian xanh trong các đô thị, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa là quy hoạch về không gian xanh công cộng. Singapore là một trong những quốc gia đi đầu trong vấn đề quy hoạch đô thị gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, Chính phủ Singapore đặc biệt chú trọng đến việc phủ xanh đô thị với mục đích thẩm mỹ và cải thiện môi trường. Dù diện tích nhỏ, chỉ bằng 1/3 so với TP.HCM, nhưng từng mét vuông đất đều được quy hoạch rất cẩn thận. Đặc biệt, Singapore đã áp dụng chính sách vườn ở bất kì nơi đâu, từ tường nhà tới mái và đẩy mạnh xây dựng công viên cây xanh trong đô thị. Chính vì vậy, diện tích cây xanh đã chiếm 50% diện tích toàn thành phố, con số đáng mơ ước với nhiều thành phố khác trên thế giới.

Hay như Nhật Bản có những thành phố sinh thái nối tiếng như Kawasaki, Kitakyushu, Chính phủ Trung Quốc cũng đã đầu tư xây dựng thành phố DongTan (Thượng Hái) từ vùng đầm lầy bỏ hoang, nằm ở Chongminh trở thành một thành phố sinh thái tiêu biểu, không CO2 đầu tiên trên thế giới; ngoài ra một số nước đã xây dựng thành công các đô thị xanh, đô thị sinh thái, như: Curitiba (Brazil), Stockholm (Thụy Điển), Freiburg (Đức), Alexandria, Virginia (Mỹ)… Đặc điểm chung của các thành phố này là tận dụng mọi diện tích có thể để làm không gian cho cây xanh như mái nhà, tường nhà, sân vườn, đường phố,…

Tại một quận ở khu vực phía bắc thủ đô Ai Cập, một không gian xanh nằm giữa các tòa nhà của Cairo. Đó là một trung tâm nâng cao nhận thức về môi trường của tổ chức Plant A Tree. Địa điểm này từng là điểm thu gom rác thải trước khi Hiệp hội môi trường biến nó thành một khu vườn và vườn ươm rộng khoảng 2023,43 mét vuông.

Bên trong khuôn viên trung tâm, trẻ em có cơ hội đi khám phá trong một khu vực xanh rộng lớn, cho động vật ăn và tìm hiểu về các loại thực vật. Các khóa đào tạo đã được mở ra để dành cho các nhóm ở các độ tuổi khác nhau nhằm giúp cho các em hiểu hơn về tầm quan trọng của nhiều loại cây cũng như lợi ích mà chúng mang lại.

Kể từ khi bắt đầu vào năm 2017, Plant a Tree đã nâng cao nhận thức về môi trường bằng các chiến dịch và chương trình khác nhau bao gồm các hội thảo và sáng kiến canh tác trên mái nhà.

Tận dụng không gian để tạo thêm không gian xanh, cải tạo các khu đất bỏ hoang, bãi rác thành các không gian xanh công cộng,… rõ ràng đó đều là những bài học nổi bật mà Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng có thể áp dụng để sớm đạt được ước vọng về một thủ đô xanh.

Với mục tiêu phát triển thủ đô Hà Nội thành một đô thị xanh và bền vững, chính quyền thành phố đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho rất nhiều dự án cộng đồng giúp cải tạo môi trường, gia tăng không gian xanh công cộng cho thành phố.

Nhìn sân chơi ngập nắng và đẹp đẽ này ít ai nghĩ rằng nơi đây từng là một bãi rác lộ thiên nằm bên bãi giữa sông Hồng. Nhờ những biện pháp sáng tạo đơn giản, hiệu quả của Think Playgrounds, sân chơi vốn nhếch nhác, bị bỏ rơi đã trở thành một công viên rừng dành người dân khu vực này. Sau khi có công viên, nơi này không còn tình trạng tập kết rác thải, văn hóa ứng xử nơi công cộng cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Sau 10 năm hoạt động, Think PlayGrounds đã xây dựng khoảng 240 sân chơi, không gian xanh công cộng hoàn toàn miễn phí cho người dân ngay tại khuôn viên các khu tập thể, nhà văn hóa ở các quận của Hà Nội. Những không gian xanh công cộng đơn giản nhưng độc đáo không chỉ mang đến cho người dân ở mọi lứa tuổi có cơ hội được vui chơi, thư giãn mà còn tạo điều kiện phát triển thể chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư xung quanh khu vực.

Mới đây nhất, với mong muốn cải tạo lại khu đất bị lãng quên dưới chân cầu Long Biên lịch sử, các bạn trẻ thuộc nhóm Hanoi Ad Hoc đã kết hợp cùng các đơn vị triển khai dự án Nhà rừng với ý tưởng tái tạo hệ sinh thái, cũng như tái thiết lại những mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Từ ý tưởng đến hiện thực là một quá trình chẳng hề dễ dàng, thế nhưng các bạn trẻ ở Hanoi Ad Hoc đã kết hợp cùng nhau, nghiên cứu thử nghiệm và hiện thực hóa những lý tưởng của mình với mong muốn tạo nên một không gian hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Khi thành hình, dự án không chỉ góp phần làm thay đổi cảnh quan của nơi này, mà còn kiến tạo thêm các không gian xanh cho thành phố.

Tại con phố Lò Đúc, Thủ đô Hà Nội, nằm nép mình trong con ngõ, số nhà 76 lại gây nhiều ấn tượng và tò mò với nhiều giỏ cây xanh mát bao phủ. Đó là công trình của bà Minh Hà, một công dân thủ đô rất tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể tại địa phương. Bà hiện là Phó Bí thư Chi bộ tổ 7, Trưởng ban công tác Mặt trận phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bên cạnh việc năng nổ trong các hoạt động của địa phương, bà Minh Hà là một người chăm vườn bền bỉ suốt hơn 30 năm qua. Hơn 200 cây đủ loại, đủ kích cỡ phủ xanh khắp ngôi nhà và con ngõ nhỏ đang lan tỏa tình yêu thiên nhiên tới những người xung quanh. Màu xanh mát phủ khắp con ngõ nhỏ. Những mầm xanh mỗi ngày một phát triển qua bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của bà Minh Hà, nuôi lên những hy vọng về một Thủ đô ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp.

Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều mảnh ghép nhỏ đáng trân quý về những người con của Thủ đô đã và vẫn đang nỗ lực đóng góp cho quá trình xanh hóa đô thị. Đồng hành cùng với đó, các cấp chính quyền thành phố cũng đang nỗ lực nhằm đáp ứng các tiêu chí về không gian xanh cho người dân trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế. Tin rằng, trong thời gian tới, thành phố và mỗi người dân cùng đồng lòng gìn giữ, nhân lên màu xanh, áp dụng các giải pháp khả thi, ước vọng về một Thủ đô xanh sẽ không còn xa, để Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Linh Chi

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/cau-chuyen-hom-nay-ha-noi-uoc-vong-ve-mot-thu-do-xanh-247299.htm
Zalo