Cắt lát biến động kinh tế toàn cầu

Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế toàn cầu, châu Á vẫn là lục địa có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất, với sự tái cân bằng rõ ràng giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á mới nổi khác. Tuy nhiên, nhìn chung châu Á không còn gia tăng tỷ trọng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu kể từ năm 2020.

Trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc, Mỹ và khu vực đồng euro, nền kinh tế Mỹ đã có sự phục hồi ngoạn mục. Nhìn lại từ năm 1980, người ta thấy một chuỗi các quốc gia chủ chốt trong sự phát triển của châu Á: Nhật Bản cho đến năm 1995; Trung Quốc từ năm 1995 - 2021, và hiện nay là động lực kép Ấn Độ - ASEAN.

Dự án kênh đào Kra của Thái Lan sẽ là một điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh của kinh tế toàn cầu.

Dự án kênh đào Kra của Thái Lan sẽ là một điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh của kinh tế toàn cầu.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF công bố hôm 23/10 không chỉ bao gồm những dự báo ngắn hạn quen thuộc cho năm 2024 và 2025, mà còn kèm theo một cơ sở dữ liệu đồ sộ về nền kinh tế toàn cầu trong suốt 44 năm qua, từ năm 1980, cùng với các dự báo trong vòng 5 năm tới, đến năm 2029, dựa trên phân tích của IMF về tiềm năng tăng trưởng của các quốc gia khác nhau. Một nghiên cứu sâu hơn về các nền kinh tế châu Á và cuộc cạnh tranh quốc tế với phương Tây mang lại những kết quả không ngờ tới.

Giảm tốc mang tính cơ cấu

Nhận định đầu tiên từ IMF là tăng trưởng toàn cầu đã giảm tốc trong thời gian dài sau cú sốc năm 2020 và bật dậy tạm thời năm 2021. Đến năm 2029, các nhà kinh tế của IMF dự đoán tăng trưởng hàng năm sẽ chỉ đạt 2,5%, thấp hơn nửa điểm so với thập kỷ 2010. Tình hình này do nhiều yếu tố: năng suất tăng chậm hơn cho dù các cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra, các nước mới nổi (đặc biệt là Trung Quốc) không còn tăng trưởng nhanh như trước, tình trạng già hóa dân số, tốc độ đô thị hóa giảm, và tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan.

IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ ổn định nhất định trong ngắn hạn, ước tính ở mức 2,7% vào năm 2024 và 2,8% vào năm 2025. Nếu chia mức trung bình này theo châu lục, châu Á đang phát triển vẫn là thành phần năng động nhất trong tăng trưởng toàn cầu (5,3% trong năm 2024), bỏ xa các khu vực khác như châu Phi hạ Sahara (3,6%), Trung Đông (2,4%) và Mỹ Latinh (2,1%). Châu Á đang phát triển đã từng chiếm lợi thế ngoạn mục hơn nhiều trong giai đoạn 2006 - 2015 với mức tăng trưởng hàng năm gần đạt 8%, trong khi không có châu lục nào khác có thể vượt mức trung bình 5%. Tuy nhiên, phân tích trong vòng 5 năm của IMF cho thấy lợi thế này của châu Á đang bị xói mòn: mức tăng trưởng có thể chỉ còn 4,5% vào năm 2029 trong khi các khu vực đang phát triển khác sẽ phần nào bắt kịp.

Một sự thay đổi mang tính cơ cấu khác mà IMF nhận thấy là sự tái cân bằng trong tăng trưởng kinh tế châu Á gây bất lợi cho Trung Quốc và có lợi cho “cặp đôi” Ấn Độ - ASEAN. Trung Quốc dẫn đầu cho đến năm 1014, còn Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng tương đương trong giai đoạn 2015 - 2019, sau đó vượt trội hơn hẳn, đặc biệt sau cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 nặng nề đối với nước này. Chênh lệch tăng trưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ dự báo sẽ vượt quá 3 điểm phần trăm mỗi năm nghiêng về phía có lợi cho Ấn Độ vào năm 2029, với mức tăng trưởng của Trung Quốc gần về mức trung bình toàn cầu. Đến lượt nhóm ASEAN 5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) được cho là sẽ vượt tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc từ năm 2024. Riêng trong khối ASEAN, tiềm năng của Việt Nam và Philippines có thể so sánh với Ấn Độ, trong khi Thái Lan lại kìm hãng bước tiến chung của khối với mức tăng trưởng yếu (với dự báo tăng trưởng chỉ đạt 2,7% vào năm 2029).

Một châu Á năng động kinh tế

Nếu như châu Á tiếp tục quá trình bắt kịp kinh tế về mặt khối lượng, thì hiện tại, châu lục này đã tạm thời ngừng bắt kịp về mặt giá trị. Tỷ trọng của châu Á trong GDP toàn cầu tính bằng USD hiện tạm thời sụt giảm. Đây là một nghịch lý, vì trong dài hạn, việc bắt kịp của các quốc gia mới nổi đã diễn ra nhờ hiệu ứng khối lượng và hiệu ứng giá cả. Cụ thể, điều này xảy ra khi giá cả trong nước tăng nhanh hơn mức trung bình thế giới, hoặc khi tỷ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia tăng lên, hoặc là sự kết hợp của cả 2 yếu tố này.

Trong thập kỷ 2014 - 2023, Mỹ đã trải qua một giai đoạn đồng tiền mạnh - USD tăng 13% so với đồng nhân dân tệ Trung Quốc và 25% so với đồng yên Nhật - nhưng cũng là nền kinh tế lạm phát cao hơn các nền kinh tế châu Á khác kể từ năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ giai đoạn 2020 - 2023 tăng 18% so với chỉ 3% ở Trung Quốc và 6% ở Nhật Bản. Cả hai yếu tố này rất có thể sẽ giảm dần hoặc biến mất trong những năm tới. Lạm phát tại Mỹ sẽ trở lại xu hướng dài hạn và vai trò của đồng USD như một “nơi trú ẩn” an toàn trong thời kỳ khủng hoảng sẽ giảm bớt (trừ khi có một cú sốc địa chính trị hay y tế khác).

Tuy nhiên, tỷ trọng tương đối của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới, đã chịu một cú sốc đáng kể liên quan tới USD kể từ năm 2020. 12 nền kinh tế lớn nhất châu Á, chiếm 90% GDP châu Á - Thái Bình Dương, đã chứng kiến tỷ trọng của họ trong GDP toàn cầu tính theo USD đạt mức cao nhất là 33% vào năm 2020 - 2021, trước khi giảm xuống còn 30% vào năm 2024. Theo các dự báo hiện tại của IMF, tỷ trọng này sẽ tăng lên hơn 32% một chút vào năm 2029. Do vậy, khoảng trống trong việc bắt kịp đồng USD có thể kéo dài một thập kỷ.

Tính theo ngang giá sức mua, bức tranh trở nên rất khác biệt. Trung Quốc đã vượt Mỹ vào năm 2015, và Ấn Độ hiện đã đạt khoảng 50% GDP của Mỹ. Khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia châu Á và phương Tây tiếp tục được thu hẹp. Tuy nhiên, việc đánh giá theo đồng USD hiện tại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc so sánh sức nặng quốc tế của các nền kinh tế và khả năng ảnh hưởng toàn cầu của chúng.

Ngọc Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/cat-lat-bien-dong-kinh-te-toan-cau-i751310/
Zalo