Cắt giảm nhiều hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến công tác PCCC
Công an các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức rà soát và thực hiện quyết liệt việc tổ chức khắc phục các công trình chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng; tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vướng mắc đối với những công trình hiện hữu; tổ chức khắc phục đối với các cơ sở còn tồn tại vi phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
Chiều 6/6, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến đến Công an các địa phương để triển khai Nghị định số 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ; sơ kết 1 năm thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-BCA ngày 13/01/2023 của Bộ Công an quy định về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH trong CAND và 6 tháng thực hiện Kế hoạch số 601/KH-BCA-C07 ngày 6/12/2023 của Bộ Công an thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.
Hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại điểm cầu Công an 63 tỉnh, thành cả nước. Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH chủ trì hội nghị.
Cắt giảm một số thủ tục hành chính
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, ngày 10/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định số 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP. Một số nội dung mới của Nghị định quy định 37 thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH, đã cắt giảm 5 thủ tục hành chính so với Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Trong đó, phân cấp triệt để 3 nhóm thủ tục hành chính từ cấp trung ương về cấp tỉnh, gồm: Thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại chứng chỉ hành nghề tư vấn về PCCC; thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC; thủ tục phục hồi hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân.
Phân cấp bổ sung thẩm quyền từ cấp trung ương về cấp tỉnh, cấp tỉnh về cấp huyện các thủ tục. Trong đó, thẩm duyệt thiết kế về PCCC và kiểm tra nghiệm thu về PCCC: Nghị định phân cấp bổ sung cho Công an cấp tỉnh thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC và kiểm tra nghiệm thu về PCCC đối với một số dự án, công trình nhóm A (phân cấp khoảng 60% loại hình dự án, công trình trước đây giao Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện).
Đối với thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ CNCH: Nghị định đã bổ sung phân cấp cho Công an cấp cấp tỉnh, Công an cấp huyện. Sau khi phân cấp, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH chỉ thực hiện cấp, cấp lại Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ CNCH đối với cá nhân thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ sở thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi có đề nghị.
Thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC: Nghị định đã phân cấp bổ sung thẩm quyền cho Công an cấp tỉnh thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC. Cục Cảnh sát PCCC và CNCH chỉ thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC, cơ sở sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị PCCC. Ngoài ra, cắt giảm một số thủ tục liên quan đến các công trình thuộc lĩnh vực xăng dầu, dầu khí thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Công Thương. Như vậy, Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã cắt giảm rất nhiều các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến công tác PCCC.
Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ PCCC và CNCH
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh cho biết, kết quả 1 năm thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-BCA, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã ban hành công văn hướng dẫn cụ thể về nội dung, thời gian huấn luyện đối với từng đối tượng; ban hành tài liệu hướng dẫn nhiều nội dung về huấn luyện thể lực, kỹ thuật cá nhân, đội hình, kỹ, chiến thuật chữa cháy, CNCH và bộ câu hỏi, đáp án kiểm tra lý thuyết huấn luyện định kỳ cho từng đối tượng; nội dung, hình thức, tiêu chí đánh giá kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện định kỳ; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khắc phục tồn tại thiếu sót trong công tác huấn luyện.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức huấn luyện nâng cao cho 126 CBCS làm công tác chữa cháy và CNCH, gồm 63 chỉ huy cấp đội, 63 cán bộ làm công tác huấn luyện của Công an các địa phương. Theo đó, 63/63 Công an các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư số 02, chương trình, kế hoạch, giáo án huấn luyện, bố trí cán bộ huấn luyện và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH năm 2023, 2024 theo quy định.
Về kết quả 6 tháng thực hiện Kế hoạch số 601 của Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an triển khai thực hiện các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác PCCC và CNCH.
Phát biểu kết luận hội nghị, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định tại các văn bản chỉ đạo của Ban Bí Thư, Quốc hội, Chính phủ.
Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiếp tục tổ chức rà soát và thực hiện quyết liệt việc tổ chức khắc phục các công trình chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng; tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vướng mắc đối với những công trình hiện hữu; tổ chức khắc phục đối với các cơ sở còn tồn tại vi phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Triển khai thành lập thí điểm 16 Tổ Cảnh sát chữa cháy và CNCH đặc biệt tinh nhuệ tại 10 Công an tỉnh, thành phố; triển khai thí điểm 2 trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH tại Công an TP Hà Nội và Công an TP Hồ Chí Minh...
Ngoài ra, thực hiện nghiêm túc việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH theo đúng thủ tục, trình tự, quy trình, quy định; bảo đảm công khai, minh bạch, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực.