Cấp thiết tháo ngòi căng thẳng Ấn Độ - Pakistan

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan đã 'chạm ngưỡng sôi', đòi hỏi cộng đồng quốc tế hành động nhanh chóng để hạ nhiệt.

Đã hơn hai tuần kể từ khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan bùng phát liên quan vụ tấn công khủng bố ở Kashmir mà New Delhi cáo buộc Islamabad đứng sau tài trợ. Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nam Á hiện xuống cấp nghiêm trọng, gây lo ngại về nguy cơ xung đột vũ trang.

Loạt động thái leo thang từ cả hai phía

Ngày 22-4 xảy ra một vụ xả súng tại một địa điểm du lịch ở vùng lãnh thổ Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến 26 du khách thiệt mạng, hầu hết là công dân Ấn Độ, theo tờ The Guardian.

Nhóm phiến quân “Mặt trận Kháng chiến” sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhóm này bày tỏ sự bất bình khi có hơn 85.000 “người ngoài” định cư tại khu vực này, thúc đẩy “sự thay đổi nhân khẩu học”.

Dù vậy, Ấn Độ cho rằng “Mặt trận Kháng chiến” chỉ là một tổ chức bình phong của Lashkar-e-Taiba, một nhóm có trụ sở tại Pakistan. New Delhi cũng cáo buộc Islamabad có liên quan vụ việc. Pakistan bác bỏ cáo buộc.

Kể từ đó, hai bên liên tục đưa ra các động thái “ăn miếng trả miếng”. Ấn Độ và Pakistan đã trục xuất các nhà ngoại giao và người dân hai bên, đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không của nhau. Ấn Độ cũng rút khỏi Hiệp ước Nước sông Ấn năm 1960, một hiệp ước từng làm dịu đi mối quan hệ đầy sóng gió ở khu vực này trong nhiều thập niên.

Quân đội Ấn Độ cho biết binh sĩ nước này đã đấu súng với lực lượng Pakistan dọc theo Đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) - biên giới trên thực tế chia cắt vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir, cáo buộc phía Pakistan nổ súng vô cớ trong suốt 10 đêm liên tiếp. Trong khi đó, Islamabad tố Ấn Độ vi phạm lệnh ngừng bắn.

 Lực lượng an ninh Ấn Độ tuần tra tại thị trấn Pahalgam, Kashmir - nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lực lượng an ninh Ấn Độ tuần tra tại thị trấn Pahalgam, Kashmir - nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tại Kashmir, lực lượng Ấn Độ đã phát động một chiến dịch quy mô lớn nhằm truy bắt các nghi phạm gây ra vụ tấn công nhằm vào du khách. Ít nhất 2.000 người đã bị bắt giữ và thẩm vấn. Lực lượng Ấn Độ cũng đã cho phá hủy ít nhất 9 ngôi nhà của thân nhân các nghi phạm.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để ngỏ mọi phương án quân sự cho một cuộc tấn công trừng phạt có giới hạn nhằm vào Pakistan, đồng thời cho phép ban lãnh đạo quân đội có “toàn quyền tác chiến” để quyết định “cách thức, mục tiêu và thời điểm” đáp trả các hành vi khủng bố.

Các quan chức Pakistan cho biết họ dự đoán Ấn Độ sẽ tấn công và tuyên bố sẽ đáp trả theo “học thuyết quân sự”, tức sử dụng toàn bộ vũ lực, cả thông thường và hạt nhân.

Hai bên cũng phô diễn sức mạnh quân sự. Ngày 5-5, quân đội Pakistan đã phóng thử tên lửa thứ hai kể từ khi căng thẳng bắt đầu. Tuần trước, hải quân Ấn Độ cũng tiến hành phóng thử tên lửa.

Trên mặt trận ngoại giao, cả hai nước đều phát động chiến dịch mạnh mẽ để củng cố sự ủng hộ cho lập trường của mình. Ấn Độ đã nỗ lực nhấn mạnh “liên hệ xuyên biên giới” trong vụ tấn công bằng cách nhóm họp với các nhà ngoại giao của hàng chục quốc gia.

“Chiến dịch vận động ngoại giao lần này khá rộng khắp, mục tiêu của Ấn Độ là trình bày tất cả các bằng chứng mà họ có, nhằm tạo lập lập luận rằng bất kỳ hành động nào sắp tới từ phía New Delhi đều có được sự ủng hộ từ các đối tác và đồng minh” - ông Harsh Pant, Trưởng bộ phận chính sách đối ngoại tại tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation (Ấn Độ), nhận định với tờ The Independent.

Về phần mình, Pakistan đề xuất hợp tác trong một cuộc điều tra quốc tế về vụ tấn công, đồng thời cũng tiếp xúc với hàng chục nhà ngoại giao nước ngoài.

Ngày 5-5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức các cuộc tham vấn kín về căng thẳng Ấn Độ - Pakistan nhưng không có tuyên bố nào được đưa ra, theo tờ The Times of India.

Cộng đồng quốc tế cần hành động để hạ nhiệt căng thẳng

Theo tờ tạp chí TIME, không gian ngoại giao giữa hai nước đang thu hẹp lại sau khi Ấn Độ và Pakistan đình chỉ hai thỏa thuận song phương quan trọng: Hiệp ước nước sông Ấn và Hiệp định Simla về kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp. May mắn là đến nay hai bên vẫn xem vũ khí hạt nhân là một biện pháp răn đe.

Các chuyên gia cho rằng nếu Ấn Độ hoặc Pakistan không hạ giọng, việc chấm dứt cuộc khủng hoảng này có thể cần cộng đồng quốc tế đưa ra những động thái mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Các động thái này có thể đến dưới hình thức những tuyên bố mới từ Mỹ và các nước lên án vụ tấn công khủng bố, đồng thời kêu gọi Pakistan nhắc lại đề xuất hỗ trợ bất kỳ cuộc điều tra nào về vụ việc.

Đến nay, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế.

Ngày 1-5, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance nói rằng Washington hy vọng Pakistan sẽ hỗ trợ truy bắt các phần tử vũ trang đứng sau vụ tấn công, cũng như các nhóm khủng bố khác mà theo ông “đôi khi” hoạt động từ lãnh thổ Pakistan.

“Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ phản ứng trước vụ tấn công khủng bố này theo cách không dẫn tới một cuộc xung đột khu vực quy mô lớn hơn” - ông Vance nói với đài Fox News.

“Chúng tôi hy vọng Pakistan sẽ hợp tác với Ấn Độ để đảm bảo những kẻ khủng bố đôi khi hoạt động trên lãnh thổ Pakistan bị truy bắt và trừng trị” - ông Vance nói thêm.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 27-4 đã nói chuyện với Phó Thủ tướng Pakistan - ông Ishaq Dar, bày tỏ sự ủng hộ đối với một cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công khủng bố.

“Trung Quốc ủng hộ một cuộc điều tra nhanh chóng và công bằng và tin rằng xung đột không phục vụ cho lợi ích cơ bản của Ấn Độ hay Pakistan, cũng không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực” - hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương.

Ngày 5-5, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế tối đa và tránh đẩy tình hình đến bờ vực chiến tranh.

Tuy nhiên, các động thái trên cũng chỉ mang lại sự xoa dịu tạm thời và nếu có một cuộc khủng hoảng mới, dù là do khủng bố hay nguyên nhân khác, có thể đưa Nam Á trở lại bờ vực, theo ông Moeed Yusuf, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Belfer, thuộc trường Harvard Kenedy, và là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Pakistan.

Vấn đề sâu xa hơn ở đây là những nguyên nhân cốt lõi trong căng thẳng giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết, do đó, ông Yusuf đề xuất con đường hợp lý duy nhất vẫn là đối thoại. Thực tế cho thấy, những lần mà Ấn Độ và Pakistan đạt tiến triển trong quan hệ đều nhờ vào các cuộc trao đổi nghiêm túc — phần lớn diễn ra qua các kênh hậu trường.

“Cộng đồng quốc tế nên tìm cách hỗ trợ hai bên quay lại bàn đàm phán với mục tiêu xử lý toàn diện tất cả các vấn đề tồn đọng một cách có thể chấp nhận được và bền vững đối với cả hai” - ông Yusuf nhận định.

Đến nay, có hai quốc gia tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho căng thẳng Ấn Độ - Pakistan, đó là Nga và Iran.

Sau các cuộc điện đàm riêng rẽ với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Pakistan - ông Ishaq Dar, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng Moscow sẵn sàng hỗ trợ tìm giải pháp chính trị nếu cả hai bên đều mong muốn.

 Ngoại trưởng Pakistan - ông Ishaq Dar (phải) tiếp Ngoại trưởng Iran - ông Abbas Araghchi tại thủ đô Islamabad (Pakistan) ngày 5-5. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Pakistan - ông Ishaq Dar (phải) tiếp Ngoại trưởng Iran - ông Abbas Araghchi tại thủ đô Islamabad (Pakistan) ngày 5-5. Ảnh: AFP

Ngày 5-5, Ngoại trưởng Iran - ông Abbas Araghchi đã đến Pakistan trước khi có chuyến thăm Ấn Độ. Phát biểu với phóng viên tại Islamabad, ông Araghchi nhắc lại mong muốn của Tehran trong việc hòa giải Ấn Độ - Pakistan. “Chúng tôi tìm cách hạ nhiệt và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh gia tăng căng thẳng” - ông Araghchi nói.

Nhiều hãng hàng không lớn né không phận Pakistan giữa căng thẳng với Ấn Độ

Những ngày qua, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã tránh bay qua không phận Pakistan sau căng thẳng Ấn Độ - Pakistan, đài CNN đưa tin ngày 5-5.

Hãng hàng không Air France (Pháp) cho biết đã tạm dừng các chuyến bay qua không phận Pakistan cho đến khi có thông báo mới.

Hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa cũng xác nhận “đang tránh không phận Pakistan cho đến khi có thông báo mới”.

Dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy một số chuyến bay của British Airways (Anh), Swiss International Air Lines (Thụy Sĩ) và Emirates (UAE) đã chọn hành trình bay qua biển Ả Rập rồi rẽ về phía bắc đến New Delhi để tránh không phận Pakistan, theo hãng tin Reuters.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/cap-thiet-thao-ngoi-cang-thang-an-do-pakistan-post848156.html
Zalo