Cập nhật tiến bộ khoa học cho điều dưỡng trong chăm sóc vết thương người bệnh

Hôm nay- 26/10 cũng là Ngày Điều dưỡng Việt Nam, Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tổ chức Diễn đàn cập nhật những tiến bộ về chăm sóc vết thương lần thứ nhất, thu hút hàng trăm đại biểu có mặt tại Hội trường và hàng ngàn đại biểu tham dự trực tuyến.

Diễn đàn được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và năng lực chăm sóc vết thương cho hội viên; tạo nền tảng để chia sẻ bằng chứng khoa học, tin cậy về vai trò của điều dưỡng trong việc chăm sóc và quản lý vết thương; huy động các tổ chức, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia xây dựng các hướng dẫn về phương pháp chăm sóc vết thương phù hợp với những tiến bộ khoa học và công nghệ chăm sóc vết thương.

Khoảng 4 triệu lượt người bệnh phẫu thuật mỗi năm

Phát biểu tại diễn đàn, ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết, hiện nay các cơ sở y tế và cộng đồng đang chứng kiến sự gia tăng về số lượng vết thương cũng như tính chất phức tạp của vết thương với các các phân loại khác nhau như: vết thương theo tính chất phức tạp của phẫu thuật loại 1,2,3; Vết thương phân loại theo thời gian cấp tính, mạn tính; Vết thương chóng lành, lâu lành và có vết thương không có khả năng lành ở giai đoạn cuối đời…

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy hàng năm có vào khoảng 4 triệu lượt người bệnh có phẫu thuật và xu hướng người bệnh có phẫu thuật tăng dần.

Điển hình tại Bệnh viện Việt Đức, chỉ trong năm 2022 có tới 80.000 người bệnh được phẫu thuật, tại Bệnh viện Trung ương Huế có tới 50.000 ca phẫu thuật trong năm 2023; Còn ở Bệnh viện Chợ Rẫy bình quân 42.000 phẫu thuật/năm; Bệnh viện K trên 20.000 phẫu thuật/năm; Bệnh viện Từ Dũ trung bình 50.000 ca phẫu thuật/năm…

Không chỉ vết thương do phẫu thuật mà còn nhiều loại vết thương khác do bệnh lý toàn thân phối hợp như vết thương liên quan tới chấn thương do tỳ đè, vết thương bàn chân ở người bệnh tiểu đường, vết thương do bỏng nhiệt và hóa chất…

Bên cạnh số liệu phẫu thuật từ các cơ sở khám, chữa bệnh, còn có các chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt và tai nạn giao thông. Theo báo cáo của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia công bố 6 tháng đầu năm 2024, bình quân mỗi ngày có 30 người tử vong và 45 người gặp các chấn thương do tai nạn giao thông.

"Số liệu trên cho thấy, để nâng cao chất lượng điều trị, rút ngắn ngày điều trị, giảm chi phí y tế, giúp người bệnh có vết thương phức tạp được giảm đau, mau lành đòi hỏi một phương pháp tiếp cận mang tính toàn diện và hệ thống từ bước đánh giá vết thương, chẩn đoán và phân loại vết thương và quản lý vết thương được áp dụng thống nhất giữa các chuyên gia và chuyên khoa lâm sàng"- ThS Phạm Đức Mục cho biết.

Điều dưỡng Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc người bệnh.

Điều dưỡng Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc người bệnh.

Chăm sóc và quản lý vết thương tốt không phải là việc đơn giản

Phát biểu tại diễn dàn, TS Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong thời qua, Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam đã đóng góp tích cực sự phát triển của hệ thống Y tế Việt Nam, tích cực tham gia xây dựng Hướng dẫn điều trị và chăm sóc điều dưỡng của Bộ Y tế.

"Chăm sóc vết thương là một hoạt động diễn ra ở thường ngày ở các bệnh viện. Tuy nhiên để chăm sóc và quản lý vết thương tốt không phải là việc đơn giản mà cần có những phương pháp để đem lại hiệu quả"- TS Dương Huy Lương nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Bộ Y tế đang chỉnh sửa Bộ 83 Tiêu chí chất lượng bệnh viện thành Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện Việt Nam, trong đó sẽ bổ sung tiêu chí quản lý và chăm sóc vết thương để chất lượng chăm sóc người bệnh càng được nâng cao.

Tại diễn đàn, các đại biểu nghe các báo cáo về kết quả quản lý và chăm sóc vết thương đem lại hiệu quả cho người bệnh của các cơ sở y tế như: Ứng dụng bệnh án điện tử đánh giá, phân loại, quản lý vết thương hiệu quả của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM; chăm sóc vết thương khuyết da, phần mềm diện rộng tại khoa Phẫu thuật hàm mặt- Tạo hình- Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức; ứng dụng Hydrogel siêu ôxy hóa trong vết thương phần mềm nhiễm khuẩn của Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế; cải thiện kết quả thay băng trên người bệnh phẫu thuật tạo hình lỗ tiểu thấp của khoa Ngoại- Tiết niệu – Bệnh viện Nhi Trung ương...

Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục tổ chức và phát động phong trào chăm sóc và quản lý vết thương đến các chi hội và hội viên, đồng thời chia sẻ báo cáo và kinh nghiệm, cập nhật các tiến bộ trong quản lý và thực hành chăm sóc vết thương để chất lượng chăm sóc người bệnh ngày càng nâng cao.

Lê Hảo - Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cap-nhat-tien-bo-khoa-hoc-cho-dieu-duong-trong-cham-soc-vet-thuong-nguoi-benh-16924102620120685.htm
Zalo