Cặp khế dáng 'quân tử' 300 tuổi: Hàng hiếm, từng được bán với giá 15 tỷ, nhìn thôi chứ không dám mua

Trong giới chơi cây cảnh, những tác phẩm cổ thụ luôn có sức hút đặc biệt. Gần đây, một cặp khế cổ thụ 300 năm tuổi với dáng vẻ 'quân tử' đã trở thành tâm điểm chú ý, không chỉ bởi tuổi đời đáng kinh ngạc mà còn bởi mức giá được định lên tới hàng tỷ đồng.

Khế là một loại cây thân thuộc ở vùng nông thôn Việt Nam, nhưng dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, nó đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Tuy nhiên, do đặc tính thân gỗ giòn, việc tạo dáng và thế cho cây khế đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và niềm đam mê lớn. Trong số đó, cặp khế 300 tuổi của nghệ nhân Ba Hùng được đánh giá là một trong những tác phẩm độc đáo và hiếm có nhất.

Cặp khế quý hiếm với dáng đứng ‘quân tử’ 300 tuổi.

Cặp khế quý hiếm với dáng đứng ‘quân tử’ 300 tuổi.

Năm 2015, cặp khế này đã được nghệ nhân Ba Hùng mang đến hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng với giá chào bán 7 tỷ đồng. Mặc dù đã có người trả tới 5,5 tỷ, nghệ nhân vẫn quyết định mang cây về chăm sóc tiếp. Đến đầu năm 2017, cặp khế tiếp tục được vận chuyển đến hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng, lần này với mức giá được nâng lên 12-15 tỷ đồng. Để vận chuyển cặp khế này, nghệ nhân Ba Hùng đã phải dùng đến cẩu 25 tấn, thuê 2 xe tải và mất hơn 7 tiếng đồng hồ.

Lý giải về việc giá cây tăng vọt, nghệ nhân Ba Hùng chia sẻ:“Mức giá này tôi biết khá cao, chỉ có những vị doanh nhân, doanh nghiệp giàu có mới có thể sở hữu được. Nếu bán được mức giá 12 tỷ, tôi sẽ trích 2 tỷ đồng làm từ thiện. Còn nếu bán với giá 15 tỷ, tôi cũng sẽ trích 3 tỷ đồng giúp đỡ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.”Sự xuất hiện của cặp khế cổ đã thu hút đông đảo người yêu cây cảnh và người dân đến chiêm ngưỡng. Ai nấy đều trầm trồ trước vẻ đẹp và tài năng của nghệ nhân.

Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân cây cảnh nhận định rằng, việc bán cặp khế với mức giá 12-15 tỷ là rất khó. Một nghệ nhân tên Phụng cho rằng, dù đam mê đến đâu, người chơi cây cũng khó lòng chi ra số tiền lớn như vậy. Thêm vào đó, anh Nguyễn Giang, một nghệ nhân ở Tân Phú, cho biết việc xác định tuổi của cây bằng mắt thường là không chính xác.“Việc cây khế hàng trăm tuổi chỉ là lời nói của chủ sở hữu. Hiện nay, việc xác định độ tuổi của cây có thể áp dụng bằng máy đo phóng xạ, tuy nhiên chi phí việc này khá cao”,anh Giang nói.

Theo quan sát, cặp khế có dáng thẳng, trực diện, với nhiều vết u, nần trên thân và gốc, các chi cành phát triển to và rõ rệt. Nghệ nhân Ba Hùng tự hào chia sẻ:“Giờ thân nó cứng như đá vậy. Khó có người nào có cặp khế giống của tôi. Nó thuộc loại hàng hiếm. Cặp khế của tôi có dáng trực diện nên được đặt tên là khế dáng quân tử”.

Nghệ nhân Ba Hùng còn cho biết ông đang sở hữu nhiều cây khế cổ khác trên 100 năm tuổi. Việc đưa cặp khế 300 tuổi ra thị trường một phần là để tìm chủ mới, một phần để trang trải chi phí và có thời gian chăm sóc các cây còn lại. Dù chưa tìm được chủ nhân mới, sự xuất hiện của cặp khế 300 năm tuổi dáng "quân tử" vẫn là một câu chuyện thú vị, làm phong phú thêm cho thế giới cây cảnh Việt Nam.

Theo Thương hiệu & Pháp luật

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/cap-khe-dang-quan-tu-300-tuoi-hang-hiem-tung-duoc-ban-voi-gia-15-ty-nhin-thoi-chu-khong-dam-mua/20250112101217239
Zalo