Cặp đôi đem tâm lý học vào thiết kế tổ ấm
Làm trong ngành tâm lý học, gia chủ chú trọng hài hòa màu sắc, đường nét, vật liệu để tạo tổ ấm tái tạo năng lượng và hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ.

Với mong muốn có một tổ ấm không chỉ để ở mà còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần và chữa lành cảm xúc, cặp vợ chồng trẻ làm trong ngành tâm lý đã cùng đội ngũ thiết kế kiến tạo một căn hộ đặc biệt, nơi các nguyên lý tâm lý học được áp dụng có chủ đích vào từng chi tiết thiết kế.

Căn hộ đặc biệt này được hình thành từ việc liên thông 2 căn hộ liền kề, mang lại diện tích rộng rãi. Bố cục được phân chia rõ ràng giữa 2 khu vực, một bên phục vụ công việc và một bên dành cho sinh hoạt gia đình. Các không gian được kết nối mượt mà, đảm bảo sự liền mạch nhưng vẫn tôn trọng chức năng riêng biệt.

Phòng khách ở căn hộ đầu tiên mở ra một không gian nhẹ nhàng với bảng màu trung tính gồm trắng, be, xanh olive, đồng thời tận dụng đường cong mềm mại từ sofa đến trần nhà để xoa dịu cảm xúc. Các vật liệu tự nhiên như gỗ, vải thô cùng cách bố trí tối giản giúp giải phóng thị giác, tạo cảm giác thư giãn và an toàn.

Khu vực bếp và phòng khách được kết nối liền mạch, tạo ra không gian rộng rãi, thoáng đãng. Bếp dù nhỏ gọn với đảo bếp chiếm phần lớn diện tích, nhưng vẫn được thiết kế tối giản về thiết bị và nội thất.

Trong khi đó, phòng khách ở căn hộ thứ 2 được biến thành không gian chơi cho trẻ, ngay cạnh khu vực làm việc của bố mẹ, giúp duy trì tương tác tự nhiên và gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, để khuyến khích sự gắn kết giữa các thành viên, thiết kế chủ động hạn chế sự hiện diện của thiết bị điện tử.

Ngoài ra, bé còn có một phòng chơi riêng khác. Tất cả không gian chơi đều được thiết kế theo cảm hứng từ các triết lý giáo dục Reggio Emilia, Steiner và Montessori, nhằm khuyến khích bé phát triển sự tự chủ, khám phá và trải nghiệm một cách an toàn, dưới sự hướng dẫn và đồng hành của cha mẹ.

Phòng làm việc nằm trong căn hộ thứ 2, nhỏ gọn nhưng đầy đủ tiện nghi. Hiểu rõ tác động của ánh sáng đối với nhịp sinh học của con người, nhóm thiết kế đã áp dụng các nguyên lý tâm lý học ánh sáng vào việc bố trí hệ thống chiếu sáng. Một mảng tường của phòng được thay thế bằng cửa sổ kính lớn, tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên, từ đó giúp giảm bớt căng thẳng và nâng cao hiệu quả làm việc.

Ban công được bố trí bộ bàn ghế lười mini, mang đến không gian lý tưởng để gia chủ thư giãn hoặc đọc sách sau những giờ làm việc căng thẳng.

Hành lang đóng vai trò là không gian chuyển tiếp, phân tách khu vực làm việc và sinh hoạt, nhưng vẫn giữ được sự mềm mại, giúp gia chủ dễ dàng chuyển đổi tâm trạng giữa các vai trò công việc và gia đình.

Đặc biệt, nội thất trong cả 2 căn hộ được thiết kế tỉ mỉ, phù hợp với chiều cao và nhu cầu của trẻ, trong khi các vật dụng dành cho người lớn được bố trí một cách khéo léo để đảm bảo an toàn, như đặt ngoài tầm với hoặc sử dụng các góc bo mềm mại.


Ví dụ, nhà vệ sinh có sự khác biệt rõ rệt giữa khu vực dành cho trẻ em và người lớn, chủ yếu ở độ cao của các thiết bị.

Bên cạnh đó, hệ thống đèn chiếu sáng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cả gia đình. Theo yêu cầu của gia chủ, các loại đèn trong nhà được thiết kế theo nguyên tắc tâm lý học ánh sáng, đặc biệt hỗ trợ cho những người gặp vấn đề về giấc ngủ.

Để giải quyết bài toán trên, đội ngũ thiết kế đã lựa chọn hệ đèn có dimmer để dễ dàng điều chỉnh cường độ sáng. Ánh sáng ấm với nhiệt độ màu được tính toán kỹ lưỡng sẽ được kích hoạt vào buổi tối, giúp cơ thể thư giãn và chuẩn bị cho giấc ngủ, trong khi ánh sáng lạnh ở khu vực bếp và văn phòng hỗ trợ duy trì sự tỉnh táo và tập trung.

Đáng chú ý, màu xanh lá nhạt với độ bão hòa thấp được chọn làm tông màu chủ đạo cho toàn bộ không gian. Theo các nghiên cứu tâm lý học, gam màu này giúp giảm căng thẳng, mang lại cảm giác thư thái và duy trì sự kết nối với thiên nhiên - yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực trong cuộc sống hàng ngày.