Cấp điện hạt nhân trên Mặt Trăng: Cuộc đua quyền lực mới giữa Mỹ - Trung Quốc
Trung Quốc lần đầu tiên công bố tham vọng hạt nhân trên Mặt Trăng trong khi NASA có lộ trình xây dựng nhà máy phân hạch vào đầu những năm 2030 nhằm cấp điện cho hoạt động định cư trên thiên thể này.

Đồ họa về dự án Năng lượng Phân hạch Bề mặt (FSP) của NASA. Ảnh: NASA
Hãy tưởng tượng bạn đang xem chương trình trực tuyến yêu thích hoặc lướt điện thoại trong khung cảnh thoải mái của một ngôi nhà trên Mặt Trăng. Trong thập kỷ tới, giấc mơ khoa học viễn tưởng đó sẽ tiến gần hơn đến hiện thực. Câu hỏi đặt ra là, liệu người Mỹ, người Trung Quốc hay người Nga sẽ đến đó trước?
Để con người định cư và sinh sống trên Mặt Trăng, các nhà khoa học phải giải quyết hai vấn đề lớn: tìm ra nước và tạo ra năng lượng. Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc, với sự giúp đỡ của Nga, đang trong cuộc đua đầy rủi ro để giải quyết vấn đề năng lượng bằng cách xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trên Mặt Trăng. Cả hai siêu cường hiện đang thúc đẩy kế hoạch lắp đặt các nhà máy điện phân hạch trên bề mặt Mặt Trăng.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang hướng tới mục tiêu đưa hệ thống Fission Surface Power (Năng lượng Phân hạch bề mặt - FSP) lên Mặt Trăng vào đầu những năm 2030, trong khi Trung Quốc và Nga có kế hoạch xây dựng lò phản ứng Mặt Trăng trong khoảng thời gian từ năm 2033 đến 2035.
Nhưng đây không chỉ là cuộc đua giành quyền lực trong không gian. Đây là cuộc đua về việc ai sẽ định hình các quy tắc - và gặt hái những lợi ích - của biên giới mới trong vũ trụ. Vào ngày 23/4, một quan chức hàng đầu của Trung Quốc đã lần đầu tiên công khai thảo luận về tham vọng hạt nhân Mặt Trăng của nước này.
Trung Quốc tích cực tung các sứ mạng chuẩn bị
Wu Weiren, nhà thiết kế chính trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, nói với hãng tin Reuters rằng ông hy vọng Trung Quốc và Nga sẽ cùng nhau xây dựng một lò phản ứng để cung cấp năng lượng cho Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế (ILRS), với lý do Nga là nước dẫn đầu toàn cầu về công nghệ vũ trụ hạt nhân.

Tàu Thường Nga-6 của Trung Quốc hạ cánh xuống "vùng tối" của Mặt Trăng vào tháng 6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Wu cho biết: "Một câu hỏi quan trọng đối với Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế (ILRS) là nguồn cung cấp điện. Nga có lợi thế tự nhiên khi nói đến các nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là khi đưa chúng vào không gian. Nước này dẫn đầu thế giới và vượt xa Mỹ".
Trong các cuộc phỏng vấn trước đây, ông Wu Weiren cho biết Trung Quốc sẽ gửi hai tàu vũ trụ không người lái, Hằng Nga 7 và Hằng Nga 8, lên Mặt Trăng vào năm 2026 và 2028. Các phi hành gia Trung Quốc sẽ hạ cánh trên Mặt Trăng vào khoảng năm 2030.
Ông cho biết Hằng Nga 7 sẽ tìm kiếm băng ở Cực Nam của Mặt trăng trong khi Hằng Nga 8 sẽ thiết lập các hệ thống viễn thông và năng lượng tại đó. Khoáng sản trên Mặt Trăng có thể được nấu chảy ở nhiệt độ 1.400-1.500 độ C để sản xuất gạch, để có thể được sử dụng để xây nhà cho dự án ILRS.
Trong một bài thuyết trình tại Thượng Hải, Kỹ sư trưởng của sứ mệnh 2028 Pei Zhaoyu đã chỉ ra rằng nguồn cung cấp năng lượng của căn cứ Mặt Trăng cũng có thể phụ thuộc vào các mảng năng lượng Mặt Trời quy mô lớn, cũng như các đường ống và cáp để sưởi ấm và điện được xây dựng trên bề mặt Mặt Trăng.
Vào ngày 5/3 năm ngoái, Yury Borisov, giám đốc điều hành của Tập đoàn Nhà nước về Hoạt động Không gian (Roscosmos) của Nga, cho biết Nga và Trung Quốc có kế hoạch lắp đặt lò phản ứng hạt nhân trên Mặt Trăng vào năm 2033-2035.
Lộ trình của NASA
Trong khi Trung Quốc và Nga đặt mục tiêu xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng, NASA đã có lộ trình đầy đủ.
Vào năm 2022, NASA đã trao ba hợp đồng trị giá 5 triệu USD cho các nhóm do Lockheed Martin, Westinghouse và IX (một liên doanh của Intuitive Machines và X-Energy) đứng đầu để xây dựng lò phản ứng FSP. Họ đã thử nghiệm các thiết kế sơ bộ của mình tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Idaho.
NASA chỉ định rằng lò phản ứng phải có trọng lượng dưới 6 tấn và có thể sản xuất 40 kilowatt điện, đảm bảo đủ cho mục đích trình diễn và nguồn điện bổ sung để vận hành các môi trường sống trên Mặt Trăng, xe tự hành, lưới điện dự phòng hoặc các thí nghiệm khoa học. Tại Mỹ, trung bình 40 Kw có thể cung cấp điện cho 33 hộ gia đình.
NASA sẽ yêu cầu ngành công nghiệp thiết kế lò phản ứng cuối cùng trong năm nay. Vào đầu những năm 2030, NASA sẽ gửi lò phản ứng lên Mặt Trăng để thử nghiệm trong 1 năm, sau đó là 9 năm hoạt động. Sau đó, họ sẽ sửa đổi thiết kế của lò phản ứng và gửi một lò lên sao Hỏa.
Cuộc đua địa chính trị
Theo trang Asia Times, cuộc đua công nghệ trên Mặt Trăng còn là sự mở rộng của cuộc chiến địa chính trị trên Trái đất.
Vào tháng 10/2020, NASA đã khởi động Hiệp định Artemis, một sáng kiến quốc tế nhằm thúc đẩy hoạt động thám hiểm không gian an toàn và bền vững. 54 quốc gia, bao gồm các quốc gia phát triển và mới nổi, đã ký kết các hiệp định này.
Vào tháng 3/2021, Trung Quốc và Nga đã ký Biên bản ghi nhớ để xây dựng ILRS (Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế). Hai nước có kế hoạch xây dựng mô hình cơ bản của một căn cứ thường trực trên mặt trăng vào năm 2035 và một mô hình mở rộng vào những năm 2040.
Cho đến nay, 17 quốc gia và hơn 50 tổ chức nghiên cứu quốc tế đã tham gia ILRS, chủ yếu là các đồng minh của Nga và Trung Quốc ở Nam Bán cầu. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã loại trừ khả năng tham gia ILRS sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát.
Trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần chỉ trích Mỹ vì đã thông qua Tu chính án Wolf vào năm 2011, cấm NASA hợp tác với các tổ chức của Trung Quốc.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã thúc đẩy chương trình thám hiểm Mặt Trăng và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga để thúc đẩy công nghệ vũ trụ của mình. Tuy nhiên, Nga được cho là vẫn chưa muốn chia sẻ động cơ tên lửa và công nghệ hạt nhân của mình với Trung Quốc.
Nga đã phải đối mặt với một thất bại đáng kể trong cuộc đua không gian vào tháng 8/2023 khi tàu vũ trụ Luna-25 của nước này bị rơi trên bề mặt Mặt Trăng.
Bian Zhigang, phó giám đốc Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA), cho biết vào ngày 23/4 rằng các hoạt động thám hiểm Mặt Trăng đang chuyển từ các nhiệm vụ ngắn hạn sang xây dựng dài hạn, từ thám hiểm một tàu vũ trụ sang hợp tác nhiều tàu vũ trụ và từ các nhiệm vụ quốc gia sang hợp tác quốc tế.