Cấp cứu Tết đã sẵn sàng!
Bộ Y tế yêu cầu cơ sở y tế dự trữ đủ thuốc, phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm
Tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai (tuyến cuối mạng lưới y tế khu vực phía Bắc) đã sẵn sàng các phương án, ứng trực cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng, người không may gặp phải sự cố về sức khỏe trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.
Cấp cứu ngoại viện, đề phòng thảm họa
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các trung tâm ở vị trí xung kích như Cấp cứu A9, Đột quỵ, Chống độc, Hồi sức tích cực, Tim mạch... luôn trong tâm thế tiếp nhận cấp cứu những trường hợp nguy kịch. Bệnh viện trực Tết theo 4 cấp từ lãnh đạo bệnh viện đến các khoa phòng, viện, bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp thực hiện chuyên môn và thường trú về chuyên môn. "Chúng tôi cũng đã chuẩn bị về nhân lực, vật lực, bảo đảm luôn sẵn sàng thu dung, điều trị trong tình huống có dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn, cấp cứu hàng loạt. Khoa Thận nhân tạo bảo đảm duy trì việc chạy thận cho người bệnh đúng chu kỳ" - PGS Cơ thông tin.
Là nơi "đầu sóng ngọn gió" luôn tiếp nhận cấp cứu những trường hợp nặng, nhất là nạn nhân tai nạn giao thông, GS-TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết công tác chuyên môn vẫn được bảo đảm trong dịp Tết. Do đặc thù thường xuyên phải tiếp nhận các ca nặng từ tuyến dưới chuyển lên nên hệ thống trực cấp cứu và phòng phẫu thuật luôn thường trực. Riêng Khoa Cấp cứu luôn sẵn sàng thuốc men, trang thiết bị để đáp ứng cấp cứu ngoại viện, điều động bác sĩ và điều dưỡng bất cứ lúc nào. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị đầy đủ thuốc và vật tư tiêu hao, nguồn máu trước và trong các ngày nghỉ Tết.
PGS-TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay với các bệnh lý ngoài da không quá phức tạp, bác sĩ sẽ đánh giá và cho bệnh nhân về quê ăn Tết. Tuy nhiên, với một số bệnh lý tự miễn như bệnh lupus ban đỏ, vảy nến và bệnh nhân nặng do dị ứng thuốc, nhiều trường hợp vẫn phải ở lại bệnh viện. Những ngày Tết, bệnh viện vẫn bảo đảm việc cấp cứu và điều trị các bệnh nhân có chỉ định nhập viện. PGS Lê Hữu Doanh cũng cảnh báo những người có tiền sử viêm da cơ địa cần hạn chế tiếp xúc môi trường ô nhiễm, hóa chất; giữ vệ sinh da, tắm rửa bằng các sản phẩm dịu nhẹ, tự nhiên, bôi dưỡng ẩm để sửa chữa hàng rào bảo vệ da. "Nếu có tình trạng viêm da cấp tính kèm theo đau, ngứa rát, có bọng nước... cần đến bệnh viện thăm khám ngay, đừng trì hoãn vì "sợ xui" đầu năm mới" - PGS Lê Hữu Doanh lưu ý.
Ứng phó trong mọi tình huống
Tại TP HCM, công tác cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn trong dịp Tết cũng đã chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, từ tai nạn giao thông đến các bệnh lý đột ngột. Đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết công tác cấp cứu tại bệnh viện vẫn được duy trì như mọi năm, đội ngũ nhân sự làm việc xuyên suốt kỳ nghỉ Tết. Khoa Cấp cứu hiện có 18 bác sĩ và 22 điều dưỡng luôn sẵn sàng công tác chuyên môn. Bệnh viện cũng đã lên kế hoạch phân bổ trực cấp cứu cho các sự kiện lớn như bắn pháo hoa và các lễ hội để bảo đảm an toàn cho người dân vui chơi dịp Tết. Trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt, bệnh viện sẽ tăng cường nhân lực và yêu cầu các nhân viên không ra khỏi thành phố để luôn sẵn sàng ứng cứu. "Tâm lý e ngại đầu năm phải vào bệnh viện nên nhiều người khi đến viện thì đã trong tình trạng nặng. Vì vậy, nếu cảm thấy có vấn đề về sức khỏe nên đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời" - đại diện bệnh viện nhấn mạnh.
Là đơn vị cấp cứu ngoại viện, dịp Tết, công việc của nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM cũng tất bật hơn. ThS-BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc trung tâm, cho biết đơn vị luôn duy trì đội ngũ nhân viên làm việc 24/7 trong dịp Tết. Đội ngũ cấp cứu được phân công trực ở các điểm quan trọng trong thành phố, bao gồm 15 điểm bắn pháo hoa, các lễ hội cũng như những sự kiện lớn. "Mặc dù số lượng cuộc gọi cấp cứu trong dịp Tết không tăng đột biến nhưng số ca cấp cứu vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt là đối với người già và bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính" - bác sĩ Long thông tin.
Bác sĩ Long cũng lưu ý trong những ngày Tết, không chỉ có tai nạn giao thông mà các bệnh lý như đột quỵ cũng gia tăng, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh. Năm ngoái, đã có nhiều ca đột quỵ được cấp cứu trong dịp Tết. Để chuẩn bị tốt hơn, Trung tâm Cấp cứu 115 luôn duy trì 6 xe cấp cứu thường trực và sẽ huy động thêm nếu cần. Các tình huống khẩn cấp sẽ được xử lý ngay lập tức với sự hỗ trợ từ các trạm vệ tinh. Ngoài ra, người dân cần đặc biệt chú ý tránh các loại pháo hoa lậu và các khu vực đông đúc không an toàn. Nếu xảy ra sự cố, người dân cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để được hướng dẫn hỗ trợ sơ cứu từ xa.
Nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh
Để bảo đảm tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết, Bộ Y tế đã có chỉ thị đề nghị giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng y tế các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ.
Ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết đã yêu cầu các cơ sở y tế dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm. Sẵn sàng thu dung người bệnh trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho cấp dưới, tham vấn chuyên môn cấp trên khi cần thiết. Đặc biệt, chú ý nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế có phương án đối phó với tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra.