Cấp bách bảo vệ di sản, bảo vật quốc gia: 'Lỗ hổng' nào cần được lấp đầy?
Bảo vật quốc gia liên tiếp bị xâm hại thời gian qua. Câu hỏi đặt ra là vì sao hệ thống giám sát lại lỏng lẻo, thiếu quy trình ứng phó chuyên nghiệp như vậy? Trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai...?

Quần thể di tích Hoàng Thành Huế chứa đựng những di sản kiến trúc, văn hóa đặc biệt. (Ảnh minh họa: Vương Công Nam/Vietnam+)
Vụ việc ngai vàng triều Nguyễn trong quần thể di tích Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế bị bẻ gãy tay ngai hay lăng mộ vua Lê Túc Tông (thuộc quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) bị xâm phạm vừa qua gây chấn động dư luận đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp bách về lỗ hổng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân tộc.
Đáng buồn hơn, di sản vốn là niềm tự hào của văn hóa truyền thống, nay bỗng chốc trở thành đối tượng bị đập phá ngang nhiên và đào bới trục lợi. Hệ quả đâu chỉ đơn thuần gây tổn thương cho bảo vật, bởi đó không phải là quá khứ đang ngủ yên, mà chính là hiện thân của lịch sử, của bản sắc, là ký ức sống động và đầy tự hào của một phần linh hồn văn hóa quốc gia gắn với các triều đại - biểu tượng quyền lực giữa lòng cố đô Huế.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ngai vàng triều Nguyễn là chiếc ngai vua tinh xảo còn giữ được nguyên vẹn cuối cùng ở Việt Nam - biểu trưng quyền lực tối cao của triều Nguyễn suốt 143 năm, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.
Sự việc di sản này bị đập phá đã cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản, chứ không thể chỉ là một “sự cố hy hữu.” Bởi thực tế, suốt những năm gần đây, “bức tranh ký ức văn hóa” nước nhà từng nhiều lần bị bàn tay hậu thế hủy hoại, chà đạp.
Đáng kể đến như vụ tượng Quán Thế Âm ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) bị trộm, bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” đồng thời là bảo vật quốc gia của danh họa Nguyễn Gia Trí bị làm hỏng trong quá trình bảo quản, rùa đá Văn Miếu thành nơi tập viết… Và cũng ngay trong tháng 5/2025, các đối tượng người nước ngoài đã đào trộm cổ vật tại lăng mộ vua Lê Túc Tông ở Lam Kinh.

Bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” đồng thời là bảo vật quốc gia của danh họa Nguyễn Gia Trí bị làm hỏng trong quá trình bảo quản.
Có thể thấy di sản Việt Nam vẫn đang ngày ngày phải “gồng mình” hứng chịu những tàn phá ở khắp nơi như thế, mặc cho dư luận phẫn nộ đau xót, báo chí gióng giả, chuyên gia không ngừng kêu cứu…
Câu hỏi đặt ra là vì sao ở nơi lưu giữ bảo vật mà hệ thống giám sát lại lỏng lẻo và thiếu quy trình ứng phó chuyên nghiệp như vậy? Trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai?
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội - Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, nhận định trách nhiệm của các cấp, các ngành và đặc biệt là cấp cơ sở trong việc quản lý, giám sát và bảo vệ di tích vẫn còn nhiều điểm mờ.
“Những di tích quốc gia đặc biệt như Lam Kinh đáng lẽ phải được bảo vệ nghiêm ngặt, có hệ thống camera, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, quy trình tuần tra định kỳ,” nhà nghiên cứu và xây dựng chính sách văn hóa nói.

Hố sâu khoảng 1,6 m được nhóm người Trung Quốc xâm hại tại lăng mộ vua Lê Túc Tông. (Nguồn: Công an tỉnh Thanh Hóa)
Là chuyên gia văn hóa từng có thời gian tham gia công tác bảo tồn di tích Huế trong 5 năm, từ năm 1981-1985, Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Ngọc Trung cho rằng với những vụ việc vừa xảy ra, có thể quy trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp.
“Trách nhiệm trực tiếp thuộc về Trung tâm Bảo tồn di sản Cố đô Huế; là nhân viên nhận nhiệm vụ bảo vệ bảo vật, dù họ đã có biện pháp xử lý nhưng chưa hiệu quả. Còn trách nhiệm gián tiếp là hệ thống thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, là đơn vị quản lý Nhà nước về mặt di sản văn hóa đã chưa quyết liệt, chưa thể chế hóa những quy định trong Luật Di sản văn hóa cũng như trong chỉ đạo về vấn đề bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử của di tích, di sản văn hóa,” Tiến sỹ Phạm Ngọc Trung cho hay.
Theo ông Phạm Ngọc Trung, luật pháp cùng các quy định, quy chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của thành phố Huế đã có rồi. Vì thế, những ai liên quan đến công tác bảo vệ bảo vật quốc gia mà để xảy ra xâm phạm thì có thể bị khiển trách cảnh cáo, kỷ luật, mất chức vì đã không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước trước pháp luật.
Điều đáng nói, sự việc không đơn thuần là hành vi phá hoại tài sản công, mà là sự xúc phạm nghiêm trọng đến giá trị văn hóa, lịch sử quốc gia. Ngai vua triều Nguyễn, biểu tượng quyền lực ấy chính là tinh hoa văn hóa gắn liền với lịch sử dân tộc, thuộc về cả dân tộc chứ đâu của riêng Huế?

Ngai vàng triều Nguyễn ở điện Thái Hòa. (Nguồn: Báo Chính phủ)
Theo luật sư Võ Thị Tuệ Minh: “Hành vi leo rào, ngồi lên ngai rồi đập phá không phải là hiếu kỳ hay bốc đồng, mà là dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Do đã hủy hoại bảo vật quốc gia, nếu đủ điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự, đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt lên đến 20 năm tù theo điều 178 Bộ luật Hình sự.”
Ngoài ra, luật sư cho biết người hủy hoại bảo vật quốc gia còn phải chịu trách nhiệm dân sự dựa theo mức độ thiệt hại của hiện vật căn cứ vào Điều 584, 589 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất bao gồm chi phí phục hồi, tu sửa bảo vật, chi phí liên quan đến việc trưng bày tạm thời, bảo quản khẩn cấp.
“Theo thông tin từ cơ quan chức năng, đối tượng có dấu hiệu loạn thần và đang được đưa đi giám định tâm thần. Nếu kết quả giám định cho thấy người này mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, theo Điều 21 của Bộ luật Hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Đây cũng là tính nhân văn trong pháp luật hình sự Việt Nam,” luật sư Tuệ Minh cho hay.
Đứng ở góc độ luật thì như vậy, đối tượng vi phạm và cơ sở quản lý rõ ràng phải chịu trách nhiệm. Song thực tế quan trọng hơn, giá trị tinh thần thiêng liêng và giá trị độc bản nguyên thủy của các bảo vật quốc gia mới là vô giá và nếu bị hủy hoại, những tổn thương đó sẽ khó lòng “phục chế.”

Thủ phạm xâm hại bảo vật quốc gia vào ngày 24/5 vừa qua.
Những “lỗ hổng” cần được lấp đầy
Thời gian qua trong khi cơ quan quản lý, các chuyên gia khẳng định việc cần phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, thì thực tế chính những bảo vật, vốn là giá trị cốt lõi của nền công nghiệp ấy lại đang được bảo vệ bằng những phương thức hết sức thô sơ và mong manh.
Theo các chuyên gia, ở nhiều khu di tích hiện nay lực lượng quản lý phối hợp lỏng lẻo, lực lượng bảo vệ không được đào tạo bài bản, thiếu giám sát công nghệ cao và cơ chế cảnh báo sớm. Chính những “khoảng trống” mãi chưa được lấp đầy đó rất dễ tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.
Nhà đồng sáng lập DIDI Travel, ông Bùi Trí Nhã cho biết nhiều cung điện ở châu Âu như Pháp, Đức, hay ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cho khách tham quan dừng chân bên ngoài các chính điện trong hoàng cung của họ.

Tay ngai bị đối tượng xâm hại phá hoại. (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di sản Cố đô Huế)
Vì thế, ông Bùi Trí Nhã gợi ý Trung tâm Bảo tồn di sản Cố đô Huế có thể tổ chức lại tuyến tham quan nội điện Thái Hòa và cả Thế Tổ miếu. Theo đó, du khách sẽ bắt đầu tuyến tham quan từ bậc thềm tiền điện, theo cánh hữu điện Thái Hòa, tới hậu điện rồi ra ngoài.
“Lối đi này giúp cho du khách giữ được khoảng cách, không thâm nhập nội thất chính điện mà vẫn đủ tầm ngắm các bảo vật. Đặc biệt, các di tích ở ta cũng có thể dùng cảm biến như nhiều bảo tàng trên thế giới đang áp dụng, để kiểm soát du khách cố tình thò tay, thò đầu qua rào ngăn cách khu vực tham quan với khu vực trưng bày,” ông Bùi Trí Nhã nói.

Chuyên gia gợi ý Trung tâm Bảo tồn di sản Cố đô Huế có thể tổ chức lại tuyến tham quan nội điện(Ảnh minh họa: Vương Công Nam/Vietnam+)
Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 4623/VPCP-KGVX ngày 25/5/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính xử lý thông tin phản ánh về bảo vật quốc gia “Ngai vua triều Nguyễn.”
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Huế khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia “Ngai vua triều Nguyễn,” đề xuất giải pháp bảo quản, phục hồi theo quy định của pháp luật.
Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, không để xảy ra trường hợp tương tự; gửi báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/6/2025.
Đồng thời chỉ đạo rà soát tổng thể, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn Di tích Cố đô Huế và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại, phá hoại...
Mặc dù ghi nhận sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng địa phương cũng như Trung ương đã nhanh chóng vào cuộc và có những chỉ đạo chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời, song mấu chốt là làm sao để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” không còn tái diễn?
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Ngọc Trung: “Cơ quan thanh tra cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về di sản văn hóa cần phải thống kê và đánh giá lại tình hình các di sản, bảo vật hiện nay trên cả nước. Nếu như di tích, di sản và bảo vật đã có mạng lưới bảo vệ đủ an toàn thì thôi, còn nếu vẫn có sơ hở như Ngai vàng triều Nguyễn ở Huế thì cần phải nghiên cứu và thiết kế hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn tuyệt đối các hành vi xâm phạm. Làm được như vậy mới có thể giữ gìn được di sản và bảo vật quốc gia.”
Không chỉ là ý thức bảo vệ di sản cần được nâng cao trong mỗi người dân và các cấp quản lý, mà “cần một chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm. Không dừng ở việc phạt hành chính, phải xử lý như tội xâm hại tài sản quốc gia, gây tổn hại đến nền tảng tinh thần dân tộc,” ông Bùi Hoài Sơn đề xuất.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý cần có giải pháp đồng bộ, thay đổi cách tiếp cận di sản, kiến tạo không gian cho hệ sinh thái di sản, để di tích được “sống,” được kết nối sâu rộng, là một phần gắn bó của đời sống hiện đại. Bởi chỉ có cộng đồng địa phương và thế hệ trẻ - những người cần được trang bị kiến thức, khơi dậy niềm tự hào và trao quyền chủ động mới bảo vệ di sản được tốt nhất.
“Luật Di sản văn hóa quy định rõ bảo vật quốc gia phải được bảo vệ tuyệt đối cả về môi trường vật lý, an ninh lẫn con người. Vụ việc lần này cũng là hồi chuông cảnh báo không chỉ về an ninh di tích mà còn là nhận thức của cả cộng đồng đối với di sản. Chúng ta không thể để những biểu tượng thiêng liêng của quốc gia trở thành ‘miếng mồi’ cho sự thiếu hiểu biết hay hành vi lệch lạc. Công tác bảo tồn cần phải siết chặt hơn bao giờ hết,” luật sư Tuệ Minh nhấn mạnh./.

Thành phố Huế là nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa nổi bật của quốc gia. (Ảnh minh họa: Vương Công Nam/Vietnam+)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá công tác trưng bày, bảo quản, bảo vệ và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các bảo vật quốc gia trên toàn quốc; kịp thời tăng cường biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn các bảo vật quốc gia đã được công nhận và hiện vật, cổ vật có giá trị tại các di tích, danh lam thắng cảnh theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15/6/2025.
Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa, Cục đã có công văn số đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng, bảo đảm an ninh, an toàn, kịp thời bảo vệ Bảo vật Quốc gia và Di tích Cố đô Huế; báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia, kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa...
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, ông Lê Công Sơn, cho biết sau khi có kết luận cụ thể từ công an, Trung tâm sẽ họp bàn các giải pháp bảo vệ, bảo quản, trưng bày các hiện vật, di tích ở Huế, nhằm hạn chế mọi tình huống phát sinh trong thực tế như đã từng xảy ra. Với chiếc ngai vàng bị gãy, Trung tâm sẽ mời các chuyên gia, nghệ nhân để cùng đánh giá và lập phương án tu sửa phù hợp.