Cao tốc mở toang cơ hội phát triển khu vực Tây Nguyên
Hàng loạt dự án đường bộ cao tốc lớn đã, đang và sắp đầu tư, được kỳ vọng sẽ tạo động lực quan trọng để khu vực Tây Nguyên phát huy lợi thế, tiềm năng và có thêm dư địa phát triển mới.
Thần tốc lập dự án trình Quốc hội
Đến nay, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đã được Ủy ban Kinh tế và Tài chính thẩm định, làm cơ sở trình Quốc hội xem xét trước thời điểm bấm nút vào ngày 27/6 tới.

Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đề xuất xây dựng quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp (ảnh minh họa).
"Đó là một hành trình thần tốc", ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng điều hành dự án 4 (Ban QLDA 2) nói và cho biết, nếu thông thường, thời gian lập chủ trương đầu tư một dự án có quy mô tương tự từ 5 - 6 tháng thì với dự án này chỉ mất hơn 2 tháng.
Tháng 2/2025, ngay sau khi Ban QLDA 2 được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ là cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lãnh đạo ban đã yêu cầu Phòng điều hành dự án 4 tập trung tối đa thời gian, nguồn lực.
Trung tuần tháng 3, sau khoảng ba tuần tập trung nghiên cứu, Ban QLDA 2 đã trình Bộ Xây dựng báo cáo tiền khả thi dự án.
Ngày 8/5/2025, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã có Báo cáo thẩm định số 30 gửi Chính phủ làm cơ sở trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
"Xử lý khối lượng công việc rất lớn, đơn vị quản lý dự án cùng tư vấn đã phân chia các mũi, ban ngày bám các bộ, ngành, địa phương để tiếp thu ý kiến, tối đến lại cùng ngồi hoàn thiện báo cáo. Hơn hai tháng ròng rã, phòng làm việc ở trụ sở Ban chưa khi nào tắt điện trước 23h", ông Quỳnh nói và cho rằng, kết quả có được nhờ sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, Bộ Xây dựng, sự hỗ trợ, đồng hành của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Theo phương án trình Quốc hội, dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài khoảng 125km, gồm 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, vận tốc thiết kế 100km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2025 - 2029.
Triển khai song song thủ tục
Nhằm tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối, tạo điều kiện cho khu vực Tây Nguyên phát huy thế mạnh, tiềm năng, đầu tháng 5/2025, Bộ Xây dựng cũng đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.
Theo đó, tuyến cao tốc được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài khoảng 144km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 44.300 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Nếu được thông qua, dự án dự kiến khởi công cuối năm 2026, hoàn thành cuối năm 2029.
Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đã làm việc với Ban QLDA 85 để bàn về hướng tuyến, phân chia trách nhiệm thực hiện khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dài khoảng 58km đi qua địa bàn hai huyện Ba Tơ và thị xã Đức Phổ. Về công tác bồi thường GPMB hiện chưa có thông tin chi tiết, song tỉnh luôn sẵn sàng.
Trong khi đó, các đoạn tuyến cao tốc: Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương cũng đang rốt ráo hoàn thiện thủ tục đầu tư theo phương thức PPP để sớm khởi công, nhằm hoàn thiện trục cao tốc huyết mạch từ Dầu Giây tới Liên Khương, rút ngắn thời gian lưu thông từ các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam
Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, đối với dự án đoạn Dầu Giây - Tân Phú (dài hơn 60km), Cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư cơ bản đàm phán xong hợp đồng. Trên cơ sở biên bản đàm phán hợp đồng được các bên ký, Ban sẽ hoàn thiện hợp đồng hoàn chỉnh để các bên liên quan xem xét, ký kết, dự kiến vào đầu tháng 6 tới.
Với dự án Tân Phú - Bảo Lộc, Bộ Xây dựng cho biết, các công việc trong giai đoạn chuẩn bị dự án và công tác chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng dự án đang được UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai song song. Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đang được giao nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện, phấn đấu hoàn thiện thủ tục khởi công trong quý III/2025.
Chuẩn bị trước công tác GPMB, tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương giao các huyện, thành phố nơi có dự án đi qua chuẩn bị, chủ động thực hiện các tiểu dự án.
Thời gian qua, dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương cũng được triển khai song song các thủ tục để đáp ứng kế hoạch khởi công trong quý III/2025.
Phấn đấu đưa hơn 650km vào khai thác năm 2030
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo quy hoạch, khu vực Tây Nguyên có 9 tuyến cao tốc kết nối với tổng chiều dài hơn 1.800km.
Trong đó, tuyến cao tốc kết nối TP.HCM, khu vực Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên thông qua tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (từ Ngọc Hồi đến Chơn Thành - Cao tốc trục dọc) có chiều dài 479km, quy hoạch quy mô cao tốc 6 làn xe.
Cụ thể, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) với chiều dài 124km, hiện tỉnh Bình Phước đã lựa chọn nhà đầu tư và động thổ tháng 4/2025, dự kiến khai thác năm 2027.
Đoạn Ngọc Hồi - Gia Nghĩa (355km) hiện được tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai đề nghị đăng ký danh mục đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây ưu tiên đầu tư trước năm 2030.
Có 2 tuyến cao tốc kết nối từ khu vực TP.HCM với Chơn Thành gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đang đầu tư, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025; Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đầu tư theo phương thức PPP đã khởi công đầu năm 2025, dự kiến đưa vào khai thác năm 2026.
Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên cũng kết nối với các tỉnh Duyên hải miền Trung thông qua các tuyến cao tốc trục ngang, tổng chiều dài khoảng hơn 1.300km. Trong đó, có 19km cao tốc Liên Khương - Prenn thuộc tuyến Nha Trang - Liên Khương đang khai thác.
Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (dài 118km) đang đầu tư xây dựng, dự kiến cuối năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 68km, hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Các tuyến đang nghiên cứu đầu tư, gồm: Quy Nhơn - Pleiku đang trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư; Tuyến Nha Trang - Liên Khương đang lập chủ trương đầu tư theo phương thức PPP; Tuyến Dầu Giây - Liên Khương đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP; Quảng Ngãi - Kon Tum.
Các tuyến trục ngang còn lại chưa đầu tư gồm: Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y, Pleiku - Lệ Thanh, Phú Yên - Đắk Lắk, Liên Khương - Buôn Ma Thuột.
Đến nay, toàn khu vực mới đưa vào khai thác 19km cao tốc, đến năm 2025 sẽ đưa vào khai thác thêm 68km. Dự kiến, đến năm 2030 sẽ đưa vào khai thác thêm 566km, nâng tổng chiều dài cao tốc đưa vào khai thác tại khu vực khoảng 653km.
Cao tốc mở ra kỳ vọng lớn
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung nhấn mạnh: Khi có cao tốc, các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa chế biến của vùng Tây Nguyên sẽ nhanh chóng được vận chuyển đến cảng biển miền Trung và miền Nam. Ngoài ra, tuyến cao tốc còn được kỳ vọng mở hướng phát triển mạnh mẽ cho du lịch liên vùng.
Là doanh nghiệp vận tải hiện có khoảng 20 xe hoạt động, ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Tuấn Gia đánh giá, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khi hoàn thành sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ 4 giờ còn khoảng 1,5 giờ.
Ông Phan Văn Lâm, Giám đốc doanh nghiệp Lâm Tiến Phát, kinh doanh vận tải tuyến Lào, Campuchia - Việt Nam nhận định: Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và Quảng Ngãi - Kon Tum được đầu tư, doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở hướng vận tải hàng hóa ở các tỉnh Nam Lào và Đông bắc Campuchia.