Cao tốc Bắc – Nam: Thách thức trong triển khai hệ thống giám sát giao thông thông minh

Cao tốc Bắc – Nam sắp hoàn thành mà hệ thống giao thông thông minh (ITS) vẫn 'trễ nhịp', nguy cơ tụt hậu ngay trên chính tuyến đường hiện đại nhất là có thật.

Trạm thu phí thông minh ETC

Trạm thu phí thông minh ETC

“Cao tốc số” - làm sao đồng bộ từ thiết bị đến vận hành?

Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu các Ban Quản lý dự án trực thuộc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giám sát điều hành giao thông trên các tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017–2020 và 2021–2025. Đây là bước quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu đưa vào vận hành toàn tuyến trong năm 2025. thuật, tiến độ và chất lượng.

Đến năm 2025, 100% tuyến cao tốc phải được vận hành bằng hệ thống giao thông thông minh (ITS) – mục tiêu này Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Đề án quốc gia về ứng dụng CNTT vào quản lý vận tải. Nhưng khi cao tốc Bắc – Nam sắp hoàn thành mà hệ thống ITS vẫn “trễ nhịp”, nguy cơ tụt hậu ngay trên chính tuyến đường hiện đại nhất là có thật.

Bài toán không chỉ là lắp thiết bị, mà là tích hợp công nghệ đa chuẩn, vận hành ổn định, đồng bộ trên toàn mạng lưới – nếu không làm đến nơi đến chốn, rất dễ “xây xong mà chưa chạy được”.

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên cao tốc hiện nay bao gồm ba thành phần chính: hệ thống giám sát điều hành giao thông, hệ thống thu phí điện tử không dừng và hệ thống kiểm soát tải trọng xe

Hiện nay một loạt gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị cho các đoạn cao tốc đang được mở, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp với thiết bị và công nghệ khác nhau. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này đặt ra thách thức lớn: nếu các nhà thầu trúng thầu sử dụng thiết bị không đồng bộ, khác chuẩn hoặc chất lượng thấp, hệ thống có nguy cơ khó tích hợp hiệu quả, vận hành thiếu ổn định. Trong trường hợp đó, Cục Đường bộ Việt Nam hoàn toàn có thể từ chối tiếp nhận do không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và an toàn.

Khác với các hạng mục hạ tầng vật lý, hệ thống ITS có tính phức hợp công nghệ rất cao, gồm camera, cảm biến, trung tâm điều hành, phần mềm điều khiển, kết nối dữ liệu real-time…

Ông Nguyễn Huy Thiêm, Phó Phòng Công nghệ thông tin – Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, chia sẻ: "Trong các dự án giao thông, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc, hệ thống công nghệ phải đảm bảo tính ổn định và độ tin cậy cao để có thể vận hành liên tục. Chẳng hạn, hệ thống cân tự động không dừng cần cho kết quả nhanh, chính xác nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận trọng tải. Tương tự, các thiết bị như camera giám sát phải hoạt động ổn định để xử lý và truyền tải dữ liệu kịp thời, hỗ trợ giám sát hiệu quả. Để đạt được điều đó, thiết bị cần được thiết kế bài bản, phần mềm vận hành phải tối ưu và quy trình lựa chọn sản phẩm phải dựa trên thực tiễn sử dụng. Chỉ những thiết bị đã được kiểm chứng về hiệu năng trên thị trường, có khả năng tích hợp đồng bộ và đạt chuẩn đầu ra mới đảm bảo hiệu quả khai thác lâu dài”.

Theo ông Thiêm, cơ chế đấu thầu hiện nay tại Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào cạnh tranh về giá, nên các nhà thầu bỏ giá thấp thường dễ trúng thầu. Tuy nhiên, điều này kéo theo rủi ro “tiền nào của nấy” – khi gói thầu được xây dựng với định mức chi phí thấp, đơn vị trúng thầu chỉ thực hiện ở mức tối thiểu, không đảm bảo chất lượng lâu dài.

Ông Thiêm lo ngại nếu không lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm và không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm rõ ràng thì rất dễ dẫn đến những hệ lụy. Đặc biệt, trong quá trình thi công, nếu thiếu sự giám sát chặt chẽ, sai sót trong lắp đặt hệ thống trên cao tốc có thể gây ra sự cố nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến ùn tắc trên huyết mạch cao tốc bắc - nam.

Ông Thiêm bày tỏ đồng tình sâu sắc với phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây trên diễn đàn Quốc hội: Lựa chọn công nghệ phải hiện đại, tiên tiến, đi tắt đón đầu. Nếu chỉ chăm chăm chọn thiết bị giá rẻ theo quy định đấu thầu, chúng ta sẽ biến mình thành bãi rác công nghệ.”

Yêu cầu nghiêm ngặt về hiệu năng và tiêu chuẩn kỹ thuật

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế – Cục Đường bộ Việt Nam – Bộ Xây dựng, cho biết: "Trước đây Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành bộ chỉ số KPI để đánh giá nghiệm thu hệ thống thu phí tự động không dừng, được thể hiện trong Quyết định 2477/QĐ-CĐBVN ngày 10/06/2024. Sắp tới, tất cả các hệ thống thiết bị thu phí điện tử không dừng khi đưa vào vận hành trên cao tốc Bắc – Nam, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đánh giá theo bộ chỉ số KPI này. Và trong quá trình vận hành khi nào cần cũng phải tiến hành kiểm tra để đánh giá lại. Đánh giá số liệu 30 ngày hoạt động liên tiếp, đánh giá hiệu năng của hệ thống, trong đó có quy định các tỷ lệ phải đạt được. Chúng tôi khẳng định, tất cả các hệ thống điện tử chung khi đưa vào vận hành đều phải đánh giá hiệu năng vận hành, đảm bảo KPI thì mới được đưa vào vận hành."

Theo ông Tô Nam Toàn, hệ thống giao thông thông minh trên cao tốc đều đã được xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể, không chỉ theo tiêu chuẩn trong nước mà còn tham khảo bộ tiêu chuẩn quốc tế như ISO.

Hiện nay, Cục Đường bộ đang tiếp nhận hồ sơ thiết kế từ các Ban quản lý dự án để phối hợp với các đơn vị vận hành nghiên cứu, chuẩn bị cho công tác tiếp nhận hệ thống.

Ông Toàn cho rằng muốn hoàn thành đúng hạn vào cuối năm 2025, thì việc chuẩn bị cần phải tiến hành ngay từ bây giờ, không thể đợi đến khi lắp đặt xong mới bắt đầu tính chuyện kiểm tra, nghiệm thu.

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù từ cuối tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã có nhiều chỉ đạo nhưng đến nay tiến độ triển khai hệ thống ITS, trạm thu phí và công trình kiểm soát tải trọng xe (hệ thống giám sát điều hành giao thông) của các dự án thành phần thuộc các Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 vẫn tiếp tục chậm so với chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.

Thanh Phong

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cao-toc-bac-nam-thach-thuc-trong-trien-khai-he-thong-giam-sat-giao-thong-thong-minh-post546127.html
Zalo